Cần cân nhắc khi đánh giá điểm chuẩn các năm trước
Sau khi biết điểm thi và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều ý kiến phụ huynh và học sinh hoang mang không biết phổ điểm năm nay có tác động gì tới điểm chuẩn vào các trường đại học.
Chia sẻ trong Chương trình Giao lưu trực tuyến về tuyển sinh đại học trên Báo Đại biểu Nhân dân, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết, trước đây, đa số các trường đại học tuyển sinh chủ yếu bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, khi đó phổ điểm thi sẽ phản ánh rất nhiều về vấn đề tăng giảm của điểm chuẩn và thí sinh thường căn cứ vào đó để đặt nguyện vọng.
Nhưng trong 2 năm trở lại đây, phương thức tuyển sinh của các trường đại học đa dạng hơn rất nhiều, nên điểm chuẩn của các ngành tăng hay giảm có sự chi phối từ nhiều hướng khác nhau. Vậy nên thông tin từ phổ điểm chỉ mang tính tham khảo.
Phổ điểm năm 2023 có tăng giảm nhất định ở một số khối thi. Ví dụ như phổ điểm khối A có phần giảm hơn một chút so với năm 2022. Hay khối C, A1 cũng có sự giảm nhẹ; trong khi đó khối B tăng nhẹ; khối D giữ tương đối ổn định. Tuy nhiên, mức tăng giảm này không nhiều.
Theo thầy Ngọc, có một số yếu tố phụ huynh và thí sinh cần cân nhắc khi đánh giá về điểm chuẩn.
Thứ nhất, là sự điều chỉnh của điểm ưu tiên. Điểm này sau mốc 22,5 điểm sẽ bị giảm dần tuyến tính, nên những ngành học điểm chuẩn năm trước càng cao thì ảnh hưởng do sự giảm điểm ưu tiên theo đối tượng - khu vực càng nhiều. Vì vậy, trên phổ điểm chúng ta cảm giác điểm chuẩn sẽ tăng, nhưng thực tế có thể lại giảm.
Thứ hai, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT so với năm trước có bị điều chỉnh hay không. Nếu % chỉ tiêu này giảm nhiều thì điểm chuẩn cũng có thể tăng lên, % chỉ tiêu rộng ra thì có thể điểm chuẩn sẽ giảm.
Ngoài ra, có thể phổ điểm khối A hơi giảm, khối D giữ nguyên, nhưng có những trường mức điểm chuẩn lại áp dụng chung cho tất cả khối thi trong cùng một mã ngành, vậy nên khi trung hoà các khối thi với nhau cũng không có sự điều chỉnh lớn.
Ở góc độ là một người theo dõi công tác thi và tuyển sinh rất nhiều năm và theo dõi sự thay đổi, điều chỉnh trong các yếu tố kỹ thuật của Bộ GD-ĐT, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho hay, qua mỗi năm, Bộ GD-ĐT đều có những điều chỉnh theo hướng tích cực hơn để tăng thêm sự thuận lợi cho thí sinh, cũng như đảm bảo quyền lợi của các em một cách tốt nhất.
Các em học sinh hiện nay, khả năng sử dụng công nghệ thông tin đã rất thành thạo. Bởi vậy, theo thầy Ngọc, điều quan trọng nhất đối với các em chỉ là sự cẩn thận.
"Thí sinh nên cẩn thận trong từng thao tác, nên xem các hướng dẫn đăng ký nguyện vọng (hiện nay đã có rất nhiều kênh hướng dẫn chi tiết) và cố gắng theo dõi cẩn thận. Sau đó, thực hành trên Hệ thống và kiểm tra lại thông tin một cách chính xác.
Những lỗi đáng tiếc nhất lại thường là những sai sót nhỏ nhặt, mặc dù là nhỏ nhặt nhưng đôi khi lại có tác động rất lớn đến kết quả. Và nhớ kiểm tra lại kỹ các thông tin và sau khi mọi thứ đã chuẩn chỉnh hết thì phải xác nhận lại thông tin đó" - thầy Ngọc nhấn mạnh.
Thí sinh cần chiến thuật hợp lý khi xếp nguyện vọng
Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để tạo thuận lợi, cũng như tăng cơ hội cho thí sinh nhiều hơn so với năm 2022.
Theo đó, thí sinh không cần lựa chọn giữa phương thức hay tổ hợp xét tuyển, có nghĩa chỉ cần đăng ký vào trường, vào ngành mà mình mong muốn. Tuy nhiên, thí sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin về những dữ liệu, kết quả mình sử dụng để xét tuyển. Lúc đó hệ thống sẽ tự xử lý và chọn tổ hợp, phương thức nào tối ưu nhất.
Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, để có thể lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng hiệu quả nhất, thí sinh phải có chiến thuật hợp lý. Điều đầu tiên thí sinh cần làm là chọn được nhóm ngành phù hợp với năng lực của mình. Đây là vấn đề quan trọng nhất.
Quán tính của đa số thí sinh từ xưa đến nay là hay căn cứ vào điểm số, tức là thấy mức điểm của mình phù hợp với khoảng trường nào, ngành nào thì sẽ đăng ký, trong khi bản thân cũng không quá mặn mà tìm hiểu về các ngành, các trường đó. Những trường hợp lựa chọn như vậy, sau này vào học trong trường, có thêm những trải nghiệm và hiểu rõ hơn về nghề, các bạn có thể có những suy nghĩ tiêu cực hoặc cảm thấy không phù hợp.
Thầy Ngọc gợi ý, với sự ổn định của phổ điểm đã được công bố, thí sinh nên chia nguyện vọng (là các mã ngành đã lựa chọn) thành 3 nhóm.
Trong đó, nhóm thứ nhất là những nguyện vọng mà điểm chuẩn năm trước cao hơn khoảng 1 - 1,5 điểm so với mức điểm thực tế em đang có. Đó là những ngành có thể em thực sự yêu thích, nhưng cơ hội vẫn còn tương đối mong manh.
Nhóm thứ hai là những nguyện vọng có thể sẽ dao động cộng trừ 0,5 điểm giữa điểm chuẩn năm trước so với mức điểm em đang có. Đây là những nhóm ngành mà cơ hội trúng tuyển của em tương đối cao.
Nhóm thứ ba là những ngành thấp hơn so với điểm xét tuyển của em khoảng 1,5 - 2 điểm - những nguyện vọng mà độ an toàn, độ chắc chắn sẽ cao hơn.
Tất nhiên, dù xếp ở nhóm nào, đó đều phải là những ngành mà các em cảm thấy thoải mái nếu trúng tuyển, tránh tình trạng thí sinh bằng mọi giá để đỗ, đến khi đỗ rồi lại hụt hẫng, không muốn đi học thì không nên.
"Với những nguyện vọng thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện có thể xem là nhóm nguyện vọng an toàn nhất, các em có thể xếp ở nhóm dưới cùng, nhưng phía trên phải là những nguyện vọng tốt hơn" - thầy Vũ Khắc Ngọc lưu ý.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ thêm về tư duy lựa chọn trường, ngành phù hợp với mức điểm thí sinh đang có. Cụ thể, theo quan sát, phần lớn thí sinh có xu hướng tập trung nguyện vọng vào các nhóm ngành liên quan đến Công nghệ thông tin nói chung và các ngành liên quan đến Kinh tế. Hai nhóm ngành này thường có mức điểm cao hơn so với các ngành khác.
Nếu thí sinh ở mức điểm "ngấp nghé" của nhóm ngành Công nghệ, Kinh tế, các em nên cân nhắc thử mở rộng suy nghĩ của mình để tìm hiểu thêm những nhóm ngành thực tế trong xã hội.
Những nhóm ngành này xã hội có nhu cầu rất lớn và cũng rất tiềm năng, nhưng có thể chưa phải điều số đông lựa chọn như Khoa học kỹ thuật hay Nông nghiệp, tôi nghĩ cơ hội của em vẫn còn rất nhiều. Ví dụ, các ngành liên quan đến Nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản,…
Thầy Ngọc cho rằng, thành công trong cuộc sống không hẳn có mối tương quan chặt chẽ với điểm số của thí sinh ngày hôm nay. Không phải cứ học trường đại học top đầu thì sẽ thành công và các bạn học trường top dưới không thể thành công.
Bởi sự thành công còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Có những bạn rất giỏi nhưng lựa chọn hướng đi quá khó và không ra được thành quả cụ thể thì như thế không hẳn là thành công. Cũng có trường hợp rất có năng lực nhưng lại vào một tập thể không tốt sẽ không phát huy được hết khả năng của mình.