Truyền thông trường Đại học trước xu hướng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo

- Thứ Sáu, 07/06/2024, 19:13 - Chia sẻ

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong truyền thông tại trường đại học cũng vấp phải rào cản liên quan đến sự thiếu hiểu biết và kỹ năng về AI, chi phí và nguồn lực cần thiết để phát triển, duy trì các hệ thống.

Ngày 7.6, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo: "Truyền thông trường đại học trước xu hướng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo – năm 2024" với sự tham gia của nhiều trường đại học lớn trên cả nước.

Theo đại diện Ban tổ chức, hội thảo lần này là nền tảng, cơ hội để các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm truyền thông, quảng bá và xây dựng hình ảnh, uy tín học hiệu của nhà trường; Cũng như học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ AI để quản lý, biên tập, sáng tạo nội dung truyền thông, tự động quá trình sản xuất sản phẩm truyền thông.

Truyền thông trường Đại học trước xu hướng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo -0
Hội thảo truyền thông đã giành được nhiều sự quan tâm, tham dự của các trường đại học lớn trên cả nước

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, bàn luận về truyền thông, về AI và những vấn đề có liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông tại các trường đại học trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Hội thảo đã nhận được 47 bài báo của 89 tác giả đến từ 38 cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, tập trung vào 3 chủ đề chính.

Cụ thể, các tác giả trình bày và phân tích những thách thức, cơ hội khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào truyền thông và truyền thông trường đại học. Về cơ hội, áp dụng trí tuệ nhân tạo như trợ lý ảo giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng tính cạnh tranh; Sử dụng AI trong truyền thông giáo dục đại học sẽ mang lại trải nghiệm học tập được cá nhân hóa cho từng học viên, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục...

Về thách thức, trí tuệ nhân tạo cũng tiềm ẩn một số rủi ro trong việc kiểm soát thông tin, bảo mật dữ liệu, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm về đạo đức. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng AI trong truyền thông tại trường đại học cũng vấp phải rào cản liên quan đến sự thiếu hiểu biết và kỹ năng về AI, chi phí và nguồn lực cần thiết để phát triển, duy trì các hệ thống với AI...

Các tác giả cũng đã bàn luận về một số ứng dụng của AI trong truyền thông như: đánh giá thương hiệu trường đại học trên mạng truyền thông đa phương tiện thông qua sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; Sora – mô hình AI có thể tạo ra video từ những mô tả bằng văn bản, bao gồm vai trò của Sora trong việc sáng tạo nội dung, các nghiên cứu đã có về công cụ này.

DALL-E – mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh được OpenAI phát triển bằng cách sử dụng phương pháp Deep Learning (học sâu) để tạo ra hình ảnh kỹ thuật số từ các mô tả ngôn ngữ tự nhiên; Chatbot – chương trình có khả năng tự động hóa các quy trình tương tác, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.

Các chuyên gia cũng đã trình bày các kết quả nghiên cứu về thực trạng, giải pháp, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng và nâng cao hiệu quả truyền thông tại các trường đại học. Trong đó đề cập đến một số trường hợp cụ thể tại Đại học Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Cơ sở Đồng Nai.

Truyền thông trường Đại học trước xu hướng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo -0
PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng phát biểu, điều hành hội thảo

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hội thảo là cơ hội để các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ, tiếp thu những vấn đề mới và đưa vào hoạt động thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông tại mỗi đơn vị, phục vụ mọi hoạt động. Đặc biệt công tác tuyển sinh và xây dựng, phát triển học liệu của các cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng ghi nhận và cảm ơn mọi ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giảng viên, người làm truyền thông đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cho hội thảo lần này”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Toàn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, vấn đề truyền thông trường đại học đóng vai trò then chốt, không chỉ trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của nhà trường, mà còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của trường trong cộng đồng.

Đây là lần thứ hai, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo về lĩnh vực truyền thông, thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, quan hệ công chúng, marketing, công nghệ thông tin… tham gia, tạo nên uy tín trong cộng đồng khoa học.

Tấn Tài
#