Trường ĐH Ngoại thương tổ chức toạ đàm khoa học "Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới Việt Nam"

Ngày 19.5, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới Việt Nam”. 

Tọa đàm cung cấp những vấn đề liên quan đến tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút FDI, tăng trưởng kinh tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Tham dự Tọa đàm có các diễn giả: PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên, giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Ngoại thương; Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính Lưu Đức Huy; Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Văn Sử; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) GS.TSKH Nguyễn Mại và gần 200 đại biểu đại diện các tổ chức, cơ quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đã cùng nhau trao đổi những vấn đề chính liên quan tới Thuế tối thiểu toàn cầu. 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng trường PGS.TS Lê Thị Thu Thủy khẳng định, với bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Ngoại Thương là cơ sở giáo dục đầu tiên, lâu đời nhất tại Việt Nam đào tạo về kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.

PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ cho biết, nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên Nhà trường đã đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cả từ góc độ hoạch định và thực thi chính sách hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng của mình, trường Đại học Ngoại thương ngày càng thể hiện vai trò tiên phong trong việc tham vấn, hỗ trợ các bên liên quan trong xây dựng, thực thi, phân tích và đánh giá chính sách.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, những đóng góp của Nhà trường được thể hiện trong hàng loạt các đề tài, dự án và chương trình nghiên cứu đã triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương trong xây dựng và thực thi chính sách.

Từ cuối năm 2021 Trường Đại học Ngoại thương chính thức chung tay cùng Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế trong khuôn khổ Chương trình WTO Chairs giai đoạn 3.

Tại toạ đàm, PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên đã đề cập đến chủ đề: Quy định thuế tối thiểu toàn cầu: Tác động và gợi ý chính sách đối với Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên, "thuế tối thiểu toàn cầu" là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và dự kiến có hiệu lực từ năm 2024.

PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên cũng đề xuất một số gợi ý chính sách dưới góc độ kinh tế quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo tính minh bạch khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu cũng là một trong những nội dung sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV.

Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế Lưu Đức Huy cho biết, để áp dụng chính sách này, cần nghiên cứu kỹ quy định OECD về thuế tối thiểu toàn cầu, vì vấn đề này còn mới. Tiếp đó, Nhà nước cần đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tới các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Lưu Đức Huy cũng đã đưa ra một số gợi ý các bước truyền thông, công bố cho việc áp dụng loại thuế này tại Việt Nam. 

Dưới góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS.TSKH Nguyễn Mại đề xuất, cần có nghiên cứu, đánh giá 35 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà đầu tư nước ngoài, chính sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần được xem xét đầy đủ các góc độ, các bước triển khai. 

Các diễn giả và đại biểu trong Tọa đàm sau khi phân tích kỹ các khía cạnh liên quan tới Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới Việt Nam đã có sự đồng thuận với bốn nội dung. 

Thứ nhất, sự cần thiết phải nghiên cứu kỹ đề xuất của OECD về Thuế tối thiểu toàn cầu do đây là vấn đề phức tạp.

Thứ hai, Cần nhanh chóng triển khai các nghiên cứu đánh giá toàn diện tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu tới việc thu hút FDI, tới các doanh nghiệp FDI và tới sự phát triển của Việt Nam.

Thứ ba, trên cơ sở các luận cứ khoa học và thực tiễn, cần  chủ động rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy định, chính sách phù hợp nhằm thích ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để các bên liên quan hiểu rõ về Thuế tối thiểu toàn cầu và chính sách của Việt Nam.

Giáo dục

Trường Đại học Công nghệ GTVT tiếp nhận sinh viên ngoại trú tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt sơ tán về trường
Giáo dục

Trường Đại học Công nghệ GTVT tiếp nhận sinh viên ngoại trú tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt sơ tán về trường

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải vừa ban hành thông báo về việc tiếp nhận sinh viên ngoại trú tại các vùng đã và đang có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 sơ tán về 3 cơ sở đào tạo của Trường. 

Nhìn lại hành trình "Tủ sách tiếng Việt"
Giáo dục

Nhìn lại hành trình "Tủ sách tiếng Việt"

Sáng kiến Tủ sách tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNN về NVNONN) là một dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.