Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thực hiện Kế hoạch số 133-KH/TU, ngày 17/2/2023 của Thành ủy Hà Nội về “Tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đồng thời, hưởng ứng “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Ban tổ chức đã lựa chọn được 100 bài viết của các giảng viên, sinh viên; các nhà khoa học hiện công tác tại 46 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong cả nước để xuất bản kỷ yếu Hội thảo.
Các bài viết được sắp xếp theo 4 chủ đề. Thứ nhất, nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ ba là thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thứ tư là một số vấn đề có liên quan.
Tham luận tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Hoàn, Giảng viên cao cấp Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Nhiệm vụ này có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học bởi sinh viên là đối tượng trọng tâm mà các thế lực phản động hướng tới.
Các môn Lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho sinh viên, giúp họ có tri thức, có lý tưởng cách mạng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, từ đó đóng góp sức lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. Đỗ Hoàng Ánh, Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, trong bối cảnh các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phát triển nhanh chóng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần có chiến lược toàn diện và chi tiết.
Chiến lược này bao gồm cải thiện an ninh mạng, giám sát và kiểm soát thông tin, tuyên truyền và giáo dục, phủ xanh thông tin tích cực, đảm bảo luồng thông tin chính thống, hợp tác quốc tế, phát triển công nghệ và năng lực nhân sự, nghiên cứu và phát triển, xây dựng cộng đồng mạng và môi trường thể chế, luật pháp phù hợp.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, Hội thảo là cơ hội, diễn đàn quan trọng để các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại các trường đại học, cao đẳng nâng cao trình độ lý luận chính trị. Từ đó, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy cho sinh viên, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp trọng tâm để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là hoạt động có vai trò to lớn để góp phần ngăn chặn, đấu tranh với các thế lực thù địch và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến” trong nội bộ Đảng hiện nay.
Đặc biệt, ý kiến tham luận của các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã góp phần cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng thành phố Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Sơn đề nghị các trường làm tốt công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò nêu gương về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng thường xuyên chú trọng công tác bồi dưỡng cho các giảng viên đào tạo lý luận chính trị giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị để phù hợp với thực tiễn hiện nay.