Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hướng tới đại học nghiên cứu, chuẩn mực xếp hạng quốc tế

- Chủ Nhật, 01/01/2023, 14:34 - Chia sẻ

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân coi trọng và đặt vấn đề chất lượng đào tạo, chất lượng quản trị đại học là yếu tố tiên quyết, có vai trò quan trọng hàng đầu. Do đó, Trường đã và đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động kiểm định quốc tế cũng như xếp hạng đại học.

Trước thềm Xuân Quý Mão 2023, Báo Đại biểu nhân dân trao đổi với GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về định hướng phát triển của Trường trong thời gian tới. 

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tinh thần tự chủ đã lan toả mạnh mẽ tới giảng viên, các nhà khoa học.

- Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo được đánh giá là rất thành công trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, ông có thể chia sẻ về kết quả đạt được khi thực hiện tự chủ?

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được giao thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/11/2017 của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 10/2017 và là một trong 3 cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ mức cao theo Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 11/06/2019 của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 5/2019.

Sau thời gian thực hiện cơ chế tự chủ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những thành công, tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Cơ chế tự chủ đã giúp Trường chủ động linh hoạt trong việc xây dựng các chính sách, quyết sách, do đó đã thúc đẩy mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Trường.

Về đào tạo, tự chủ đã giúp Trường chủ động xây dựng nhiều chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như Kinh doanh số, Công nghệ tài chính, Khởi nghiệp, Khoa học dữ liệu... Các chương trình đào tạo mới được triển khai đã thu hút đông đảo sinh viên theo học.

Trường cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo. Từ đó làm thay đổi mạnh mẽ về nội dung và phương thức đào tạo. Trường cũng triển khai từ sớm phương thức học tập và giảng dạy theo hình thức kết hợp (blended learning), ứng dụng MicroSoft Team và các phần mềm thi kết thúc học phần, turnitin…

Kết quả là chất lượng đào tạo được nâng cao một bước rõ rệt. Các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, Chương trình Tiên tiến (CTTT), Chất lượng cao (CLC) và định hướng nghề nghiệp (POHE) cũng được Trường đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển. Trường cũng chủ động liên kết đào tạo với các trường đại học quốc tế có thứ hạng cao, từ đó tiếp nhận được công nghệ, chương trình đào tạo trong lĩnh vực mà các trường đối tác có thế mạnh đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Về nghiên cứu khoa học, Trường đã phát huy được thế mạnh và khai thác các cơ hội để đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm ảnh hưởng, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của trường trong tư vấn chính sách cho Đảng và nhà nước, tư vấn quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Tinh thần tự chủ đã được được truyền thông mạnh mẽ tới giảng viên, các nhà khoa học, từ đó thúc đẩy được lực lượng nghiên cứu của trường trong việc chủ động bồi dưỡng năng lực, khai thác các cơ hội nghiên cứu, tạo ra được khí thế chủ động trong khai thác và triển khai thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ.

Kết quả là số lượng bài báo công bố quốc tế tăng mạnh, các nhóm nghiên cứu của Trường được hình thành và nghiên cứu nhiều vấn đề kinh tế chuyên sâu. Trường cũng được chủ động trong khai thác, sử dụng các tài sản, mua sắm trang thiết bị, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thư viện điện tử dùng chung cho 45 trường đại học do Ngân hàng Thế giới đầu tư, đầu mối đặt tại Trường mới được Chủ tịch nước cắt băng khánh thành là dấu mốc đánh giá sự quan tâm, đầu tư của Đảng, nhà nước và sự tin tưởng của nhân dân cũng như các tổ chức quốc tế đối với Trường.

Một thành công đáng ghi nhận nữa của Trường trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ là thu nhập của cán bộ, giảng viên, người lao động tăng lên rõ rệt, tạo được động lực cho người lao động hăng say làm việc, giảng dạy, nghiên cứu.

- Vậy trường có gặp khó khăn gì khi thực hiện tự chủ không thưa ông?

Khó khăn lớn nhất vẫn là hệ thống văn bản pháp lý hiện nay chưa đồng bộ, đặc biệt là các văn bản ban hành giữa các Bộ, ngành còn nhiều điểm chưa thật sự rõ ràng và thống nhất.

Chất lượng đào tạo, chất lượng quản trị đại học là yếu tố tiên quyết

- Trường ĐH Kinh tế quốc dân được công nhận là trường đại học trọng điểm và tiên phong về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Vậy Trường có định hướng để tham gia công tác kiểm định quốc tế và xếp hạng đại học theo chuẩn thế giới không thưa ông?

Có thể khẳng định rằng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn coi trọng và đặt vấn đề chất lượng đào tạo, chất lượng quản trị đại học là yếu tố tiên quyết, có vai trò quan trọng hàng đầu. Do đó, Trường đã và đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động kiểm định quốc tế cũng như xếp hạng đại học.

Năm 2022, Trường liên tiếp nhận được tin vui khi 11 chương trình đào tạo của Trường đã được nhận chứng nhận kiểm định chất lượng của ACBSP, Hoa Kỳ như chương trình Tài chính tiên tiến, Kế toán tiên tiến, các chương trình chất lượng cao như: Marketing, Kiểm toán, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Kinh tế đầu tư, các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng như: Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành và chương trình Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh. Đồng thời, 01 chương trình đào tạo của Trường đạt chuẩn chất lượng của CPA (Australia). Năm 2023, Trường dự kiến sẽ có thêm 15 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của tổ chức FIBBA (Thụy Sỹ).

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đặc biệt đánh giá cao vai trò của xếp hạng đại học quốc tế. Trường đang hướng đến một trong các tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới, như tổ chức xếp hạng Times Higher Education, tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds).

Với sứ mệnh đi tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân rất vinh dự khi những nỗ lực giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ cộng đồng đã được ghi nhận trên Bảng xếp hạng đại học THE Impact Rankings của tổ chức uy tín Times Higher Education năm 2022. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 1 trong 7 trường đại học của Việt Nam tham gia bảng xếp hạng này.

Đây cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tham dự xếp hạng và đã đạt kết quả thứ hạng 601-800 trên tổng thể lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) so sánh cùng 1406 các cơ sở giáo dục đại học khác trên toàn cầu.

Để tiếp cận với các bảng xếp hạng này, Trường đang thực hiện đồng bộ các nội dung chiến lược, bao gồm đẩy mạnh năng lực, chiều sâu và chất lượng nghiên cứu, đưa tạp chí Kinh tế và Phát triển (bản tiếng Anh của Nhà trường) vào hệ thống Scopus, khuyến khích và đầu tư cho các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus.

Nâng cao vị thế khoa học trên phạm vi quốc tế thông qua việc, có số công trình khoa học công bố trên một giảng viên cao nhất trong số các trường đại học kinh tế và tiệm cận với các trường đại học lớn trong khu vực.

Lựa chọn và tiến hành kiểm định Nhà trường và các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu là đưa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành một trong những trường đại học tốt nhất châu Á trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Phát triển theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế

- Được biết, trường đại học Kinh tế Quốc dân hiện tại đang thực hiện đào tạo đa ngành và hướng tới xây dựng trường đại học thông minh đào tạo đa lĩnh vực trong bối cảnh xu thế chuyển đổi số, vậy nhà trường có định hướng gì trong thời gian tới thưa ông?

Việc mở rộng tự chủ đã tạo điều kiện để Trường mạnh dạn, chủ động trong công tác mở ngành và chương trình đào tạo. Cho đến nay Trường đã có 39 ngành đào tạo cấp IV với 72 chương trình đào tạo, thuộc 15 nhóm ngành, 10 lĩnh vực.

Chiến lược phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã xác định rõ tầm nhìn của Trường là hướng tới: “Đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu của Việt Nam. Top những trường đại học tốt nhất châu Á trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế”.

Như vậy trong cơ cấu đào tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ. Cùng với các thế mạnh truyền thống của Trường về Kinh tế, Kinh doanh, Trường cũng xác định định hướng cơ bản của Trường Khoa học công nghệ là nghiên cứu và đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Hoàng Văn Cường!

Chiến lược phát triển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã xác định rõ mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2030, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành đại học tự chủ, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Trường là trung tâm thu hút đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của các học sinh xuất sắc có hoài bão và tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội”.

Nghĩa Vũ
#