Hội thảo do Trường Đại học Laval, Canada kết hợp cùng Trường Đại học Ngoại thương tổ chức, với sự hỗ trợ từ Khoa Luật Trường Đại học Ngoại thương và Tổ chức Giáo dục thực hành pháp luật CLE - FTU.
PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đánh giá những bài viết tại Hội thảo đã thể hiện công sức, sáng tạo với những phân tích và góc nhìn đa chiều nhưng cũng không thiếu những nhận định, đánh giá thể hiện “cái tôi” của sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học.
"Những công trình nghiên cứu này có thể đóng góp cho quá trình học tập, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý thuyết hay thực tiễn cho nhiều khía cạnh trong thương mại quốc tế”, PGS.TS Đào Ngọc Tiến nhìn nhận.
Đại diện Trường Đại học Laval, Canada - TS Lý Vân Anh, Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Những thách thức mới của Toàn cầu hóa kinh tế (Chaire NEME) chia sẻ, sự hợp tác giữa Trường Đại học Laval và Trường Đại học Ngoại thương được kỳ vọng tạo ra sân chơi giao lưu học thuật cho các sinh viên, học viên đến từ nhiều khu vực, quốc gia khác nhau để cùng trao đổi về các thách thức xuyên biên giới trong thương mại quốc tế.
Trước đó, hôm 15.5, Trường Đại học Laval đã tổ chức thành công ngày Hội thảo thứ nhất tại thành phố Quebec với 20 bài viết được trình bày.
Hội thảo tại Việt Nam được phát động từ tháng 9.2023. Trải qua 8 tháng, Ban tổ chức nhận được hàng chục đề xuất từ sinh viên của nhiều cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam, Canada và Pháp. Trong đó, 15 bài viết có chất lượng tốt nhất được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo theo 5 phiên, dưới sự đánh giá của 3 vị giám khảo ở mỗi phiên.
Nội dung của các phiên gồm: Mối quan hệ giữa chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương trong thương mại quốc tế; Thương mại khu vực và một số vấn đề phi truyền thống; Thương mại điện tử trong các hiệp định thương mại khu vực, Chủ nghĩa khu vực và quy định thị trường carbon.
Các bài viết tại Hội thảo đều được đánh giá bởi những chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về lý luận và cả thực tiễn trong thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, các công trình gửi tới Hội thảo đều là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc xoay quanh những chủ đề thu hút được sự quan tâm của công chúng về thương mại quốc tế như: Các hiệp định thương mại khu vực và tác động của chúng tới nền kinh tế toàn cầu; Những thách thức và cơ hội của hợp tác kinh tế trong khu vực liên quan đến vấn đề toàn cầu; Chính sách thương mại khu vực và ảnh hưởng của chúng tới toàn cầu hóa kinh tế; Hậu quả kinh tế xã hội của các hiệp định thương mại khu vực; Chiến lược phát triển khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa thế giới; Các hình thức mới của chủ nghĩa khu vực kinh tế và ý nghĩa toàn cầu của chúng; Các sáng kiến khu vực nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như: do biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng; Phương pháp tiếp cận đa ngành để hiểu liên kết giữa chủ nghĩa khu vực và những thách thức toàn cầu.
Với triết lý “giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn; nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo”, Trường Đại học Ngoại thương xác định cần có những chương trình, hoạt động, phương pháp giảng dạy và học tập sáng tạo, giúp người dạy và người học ngày càng tâm huyết, đạt được nhiều thành công trong đời sống nghề nghiệp.
Hội thảo sinh viên quốc tế năm 2024 “Tái định hình biên giới kinh tế: Chủ nghĩa khu vực và con đường đúng đắn để giải quyết những thách thức toàn cầu” với những công trình nghiên cứu nghiêm túc xoay quanh các vấn đề đang được công chúng quan tâm được kỳ vọng đóng góp cho quá trình học tập, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý thuyết hay thực tiễn cho nhiều khía cạnh trong thương mại quốc tế.
Qua đó, góp phần lan toả hình ảnh của Trường Đại học Ngoại thương dưới vai trò là một cơ sở đào tạo uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như pháp luật thương mại quốc tế.