- Sinh viên quốc tế trường Đại học Ngoại thương thích thú trải nghiệm không khí Tết cổ truyền tại Việt Nam
- Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ về vai trò của giáo dục tại Trường Đại học Ngoại thương
- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia giao lưu với sinh viên Trường Đại học Ngoại thương
- Trường Đại học Ngoại thương công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 với 6 phương thức xét tuyển
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn 2040 với mục tiêu trở thành Đại học “Đổi mới sáng tạo, có uy tín trong khu vực”.
Nhà trường xác định việc phát triển nội lực từ bên trong thông qua việc xây dựng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) với sự tham gia của nhiều bên, trong đó có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường học trong nước và nước ngoài; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng từ nhân sự đến cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) cũng tập trung mạnh mẽ vào nhóm giải pháp liên quan đến hợp tác quốc tế như không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín nhằm mang lại trải nghiệm học tập, nghiên cứu và phát triển toàn diện, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cho sinh viên và tập thể sư phạm của Nhà trường.
Xây dựng môi trường học thuật đa ngành, đa lĩnh vực
- Trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040, Nhà trường hướng tới trở thành đại học ĐMST, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á, vậy nhà trường đã chuẩn bị thực hiện chiến lược này như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn:Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một môi trường học thuật đa ngành, đa lĩnh vực, khuyến khích sự liên kết giữa các ngành học và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển kỹ năng đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển của xã hội khi mô hình xã hội “siêu thông minh” và “siêu hiệu quả” đang cận kề.
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
Trường ĐHNT cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng học thuật và doanh nghiệp ngay từ những học kỳ đầu tiên của bậc đại học, tạo ra nhiều cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu và phát triển, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong giảng dạy và ứng dụng kiến thức vào thực tế.
Đặc biệt, chúng tôi quyết tâm có những đột phá về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng tới công tác kiểm định trường và các chương trình đào tạo nhằm đóng góp tích cực vào việc tiến dần vào trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á.
- Nhà trường có kế hoạch trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực như các trường đại học khác trong nước đang thực hiện không?
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn:Với mong muốn đồng nhất và hội nhập với hệ thống các đại học tiên tiến trong nước và trên thế giới, Trường ĐHNT đặt mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp, cung cấp các sản phẩm xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế cao trong khu vực châu Á, trên cơ sở phát triển từ các lĩnh vực là thế mạnh truyền thống như Kinh tế, Quản lý và Kinh doanh, đặc biệt là Kinh tế đối ngoại và Khởi nghiệp, ĐMST.
Việc nâng cấp mô hình quản trị từ trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực thành là 1 sự phát triển tất yếu và phù hợp với thực tiễn ở cả Việt Nam và trên thế giới. Việc đào tạo đa dạng các ngành và lĩnh vực sẽ cung cấp cơ hội cho sinh viên học nhiều lĩnh vực, phát triển nhiều kỹ năng khác nhau, tạo ra nguồn nhân lực đa màu, đa năng, linh hoạt, và có khả năng thích ứng tốt với sự biến động của thị trường lao động.
Để thực hiện mục tiêu trở thành đại học đa ngành đa lĩnh vực, Nhà trường nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chú trọng phát triển các nguồn lực quốc tế, cụ thể có thể kể đến mở rộng phạm vi hợp tác với các đối tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu.
Xây dựng đại học đổi mới sáng tạo có uy tín ở Việt Nam và quốc tế
- Nếu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực thì sự khác biệt để dẫn đầu của Trường Đại học Ngoại thương so với các trường đại học kinh tế lớn khác trong nước là gì?
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn:Điểm khác biệt lớn nhất là Trường ĐHNT xác định mục tiêu xây dựng thành một đại học đổi mới sáng tạo có uy tín ở Việt Nam và quốc tế, tiếp tục củng cố và phát huy tính chất tiên phong của đại học đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi quan điểm cần chú trọng việc đào tạo được các thế hệ sinh viên – hạt nhân ĐMST, có được tính đổi mới sáng tạo, biết ĐMST, và dám ĐMST. Triết lý giáo dục của Nhà trường là “Giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn, nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo”, cam kết giúp cho người học phát triển tối đa năng lực cá nhân, năng lực thích ứng và ĐMST.
Để đạt được mục tiêu này, Nhà trường không ngừng hợp tác với nhiều trường đại học, tổ chức nghề nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp để xây dựng và phát triển nhiều chương trình đào tạo cho sinh viên. Những hợp tác này giúp sinh viên tiếp cận và áp dụng được kiến thức vào thực tế, tăng cường trải nghiệm và tiếp xúc với những xu hướng cập nhật của thị trường, tăng cường khả năng thích nghi, khả năng đổi mới và sáng tạo.
Với triết lý giáo dục đã đề ra trong chiến lược phát triển, Nhà trường cam kết không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tạo điều kiện cho sinh viên phát triển khả năng sáng tạo, tư duy linh hoạt, và sẵn sàng đối mặt với thách thức; khuyến khích tinh thần khai phóng và tinh thần sẵn sàng ĐMST ở người học.
Đồng thời, Nhà trường là một trong số những trường đại học đầu tiên đưa học phần về đổi mới, sáng tạo vào trong toàn bộ các chương trình đào tạo. Điều này giúp trường đi theo đúng chiến lược đã đề ra, trở thành đại học vừa đa ngành, đa lĩnh vực, vừa đổi mới sáng tạo.
Nhiều ngành học mới mở ra
- Vậy nhà trường mở ra những ngành học mới nào?
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn: Liên quan đến phát triển ngành và chương trình đào tạo, Trường ĐHNT đã xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển ngành, chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính tiên phong, đáp ứng nhu cầu xã hội để đầu tư phát triển.
Bên cạnh việc phát huy, điều chỉnh cập nhật cùng xu thế nhu cầu nhân lực của các ngành truyền thống và có thế mạnh về kinh tế, kinh doanh thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi (ngành Kinh tế, ngành Kinh tế quốc tế), Kinh doanh và quản lý (ngành Quản trị kinh doanh, ngành Kế toán, ngành Tài chính - Ngân hàng, ngành Kinh doanh quốc tế), Nhân văn (ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Ngôn ngữ Nhật, ngành Ngôn ngữ Trung, ngành Ngôn ngữ Pháp), Pháp luật (ngành Luật), Du lịch và Khách sạn (Quản trị khách sạn), Nhà trường tiếp tục phát triển thêm các ngành mới thuộc các lĩnh vực trên và các ngành sang các lĩnh vực mới, như lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin; Báo chí và thông tin; Nghệ thuật và một số lĩnh vực khác.
Thực hiện chiến lược này, năm 2022, nhóm ngành Marketing chính thức được Nhà trường bổ sung vào chương trình đào tạo. Cụ thể, Trụ sở chính Hà Nội tuyển sinh chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế Marketing số; Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế Truyền thông Marketing tích hợp.
Năm 2023, Trường ĐHNT là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam triển khai tuyển sinh chương trình Kinh tế chính trị quốc tế. Và trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, Trường ĐHNT dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế và Phân tích dữ liệu kinh doanh tại Trụ sở chính Hà Nội.
Đột phá triển khai thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự
- Mục tiêu xếp hạng trong nhóm 300 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, để hội nhập được với quốc tế thì theo ông những yếu tố nào là quan trọng nhất? chiến lược thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự của nhà trường như thế nào?
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn: Trong gần 64 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường, có thể khẳng định những thành tựu của Trường ĐHNT có phần đóng góp không nhỏ của công tác hợp tác quốc tế, từ sự liên kết, hợp tác, đồng hành của các tổ chức quốc tế, các trường đại học, các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế khác. Vị thế và uy tín của Nhà trường cũng ngày càng được khẳng định trong khu vực và quốc tế là minh chứng cho chiến lược phát triển của Nhà trường.
Trường ĐHNT xác định mục tiêu trở thành một đại học ĐMST có uy tín ở Việt Nam và quốc tế. Phương châm hành động của nhà trường đó là “Khác biệt để dẫn đầu”. Động lực cho việc xây dựng và phát triển nhà trường là “Đổi mới sáng tạo”. Mục tiêu này được Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu nhà trường quán triệt, đưa vào chiến lược phát triển của Nhà trường, cũng như và triển khai trong toàn thể giảng viên, viên chức quản lý, người lao động, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và trong mọi hoạt động của Nhà trường thời gian qua.
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược này, việc xây dựng và thực hiện chiến lược và kế hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ bao gồm đội ngũ giảng viên mà cả đội ngũ viên chức quản lý được ưu tiên.
Nhà trường xác định một trong những đột phá chiến lược là việc thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự, thông qua việc đổi mới cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ để thu hút và phát triển nhân tài; phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực, triển khai các chức danh nghiên cứu mới; và Quốc tế hóa đội ngũ nhân sự.
Nhà trường nhận thức rằng, để tạo ra được các sản phẩm ĐMST, thì hơn ai hết các giảng viên, viên chức quản lý phải được đào tạo, phải đi tiên phong trong hoạt động ĐMST, vào trong từng bài giảng, trong từng chương trình, kế hoạch hoạt động của lãnh đạo nhà trường, bộ máy quản lý và từng đơn vị, từng cá nhân. Nhà trường đã xây dựng đề án đào tạo về ĐMST cho đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động toàn trường.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Bùi Anh Tuấn!