Trở thành “Đại học” trước năm 2025
Trong chiến lược phát triển Trường đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2021 – 2025, nhà trường tập trung tái cấu trúc để thành lập ba 3 trường dựa trên các lĩnh vực đào tạo truyền thống bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Khoa học và Công nghệ. Phấn đấu đưa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân trước năm 2025.
Phát triển cơ sở vật chất cho trung tâm khởi nghiệp sáng tạo (theo hướng các vườn ươm doanh nghiệp). Chuẩn bị các điều kiện để phát triển cơ sở 2 ngoài Hà Nội.
Đến giai đoạn 2025 – 2030, Nhà trường tiếp tục phát triển và xây dựng mới các môn học/ khoa/ bộ môn có liên quan nhiều đến công nghệ như: công nghệ thông tin (khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo); du lịch và khách sạn (quy hoạch du lịch, kiến trúc khách sạn, công nghệ vận hành khách sạn); công nghệ môi trường (xử lý nước thải, khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu).
Thành lập mới hai hoặc ba trường trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu. Phát triển cơ sở 2 qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của nhà trường với các địa phương.
Phấn đấu Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á
Lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Nhà trường xây dựng "Đại học" theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu của Việt Nam. Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế.
Theo đó, sứ mệnh của nhà trường là: Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước; Đào tạo ra các nhà lãnh đạo và những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam.
Đặc biệt, trở thành Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Đến năm 2030, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành đại học tự chủ, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Trường là trung tâm thu hút đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của các học sinh xuất sắc có hoài bão và tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Mô hình đại học 3 cấp
Về tổ chức bộ máy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, bao gồm:
1. Đại học;
2. Các trường thành viên, các viện/trung tâm nghiên cứu;
3. Các Khoa/ Bộ môn hoặc đơn vị chuyên môn.
Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống các đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo.
Hệ thống các Trường thành viên dự kiến bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Khoa học và Công nghệ và một số các trường khác (theo điều kiện và lộ trình phát triển).
Tăng cường tự chủ cho các đơn vị trong trường là chủ trương xuyên suốt trong mô hình tổ chức của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bên cạnh tự chủ về học thuật, các đơn vị cũng sẽ được phân cấp quản lý tài chính.
Đối với đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tập trung phát triển các chương trình giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhất cả nước về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.
Trường tiếp tục thu hút những sinh viên, học viên xuất sắc, có hoài bão và tâm huyết thay đổi cộng đồng và xã hội, đảm bảo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và mức thu nhập cao hàng đầu trong các trường đại học của Việt Nam, kết nối chặt chẽ giữa sinh viên với cựu sinh viên các thế hệ, xây dựng cộng đồng Đại học Kinh tế Quốc dân có truyền thống vẻ vang và tự hào.
Trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường hội nhập và gắn kết với thực tiễn. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh, chuẩn hóa và cung cấp đầy đủ hệ thống học liệu tiên tiến nhất cho người học, thực hiện kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo, tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo thông qua việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên kiêm giảng từ các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài.
Đặc biệt, nhà trường mở rộng sang các lĩnh vực và ngành đào tạo mới, liên ngành, xuyên ngành.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin, tập trung vào định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong quản lý, kinh tế và quản trị kinh doanh, tạo nền móng trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này.
Trường sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc giảng dạy các nội dung về công nghệ, kỹ thuật trong các ngành tài chính, du lịch và môi trường để tiến tới đào tạo toàn diện các ngành kinh tế.
Theo lãnh đạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhà trường nhanh chóng tiến tới thống nhất một chuẩn mực chất lượng không phân biệt các hình thức đào tạo, phấn đấu có tỷ lệ sinh viên/ giảng viên vào loại thấp nhất trong các trường đại học, thực hiện công nhận văn bằng, tín chỉ, liên thông với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, nhà trường xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức thực tiễn; Đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế; Xây dựng cơ cấu hợp lý giữa các trình độ đào tạo.
Theo đó, đào tạo bậc tiến sĩ mang tính chất tinh hoa sẽ hướng tới việc phát triển một đội ngũ các nhà khoa học cho các trường đại học, các viện nghiên cứu. Tỷ lệ giữa các bậc đào tạo (Tiến sĩ/ Thạc sĩ/ Cử nhân) dự kiến sẽ xoay quanh 1/20/100…
Đầu tư 110 triệu USD xây dựng trường
Lãnh đạo nhà trường cho biết, để thực hiện được lộ trình trên, nhà trường tích cực mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu. Từng bước tiến tới đồng bộ mức học phí giữa các hệ đào tạo chính quy, phi chính quy và chất lượng cao. Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và khai thác cơ sở vật chất…
Thực thiện cải cách tiền lương và các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ viên chức, người lao động với mức tăng trung bình 10%/ năm. Đảm bảo thu nhập của viên chức, người lao động Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc vào nhóm 05 trường đại học có mức thu nhập cao nhất Việt Nam.
Theo chiến lược phát triển nhà trường mà Hội đồng Nhà trường đã phê duyệt tháng 7/2021, Nhà trường xin phê duyệt và triển khai thực hiện “Dự án Phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học hàng đầu về đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp” vay vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) với tổng vốn đầu tư là 110 triệu USD, thời gian thực hiện trong vòng 5 năm 2022 - 2026.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được giao thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/11/2017 của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 10/2017 và là một trong 3 cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ mức cao theo Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 11/06/2019 của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 5/2019.
Sau 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ghi nhận những kết quan trọng thuộc top 10 trường có nguồn thu lớn của cả nước.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Trước khi thực hiện tự chủ, Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã đào tạo đa ngành. Xu thế phát triển đa ngành càng được củng cố khi Nhà trường thuộc nhóm trường đầu tiên được hưởng cơ chế tự chủ toàn diện, nhất là về đào tạo, học thuật.
Việc mở rộng tự chủ đã tạo điều kiện để Nhà trường bứt phá trong công tác mở ngành và chương trình đào tạo. Cho đến nay Trường đã có 39 ngành đào tạo cấp IV với 72 chương trình đào tạo, thuộc 15 nhóm ngành, 10 lĩnh vực.
Trong kế hoạch 5 năm tới, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.
Định hướng cơ bản của Trường Khoa học công nghệ là nghiên cứu và đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý”.