Đến năm 2025, hoàn thành việc thành lập 02 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh và Trường Ngôn ngữ và Văn hóa. Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển của Trường Đại học Hà Nội trong thời gian tới, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.
Đến năm 2025, thành lập 2 trường thành viên
- Được biết, Trường Đại học Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, định hướng ứng dụng, được các tổ chức kiểm định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học, xin bà cho biết chiến lược định hướng phát triển nhà trường trong thời gian tới như thế nào?
TS. Nguyễn Thị Cúc Phương:Năm 2022, Nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được Hội đồng trường phê duyệt tại Nghị quyết số 1345/NQ-HĐT ngày 24/5/2022. Theo Chiến lược phát triển trên, Nhà trường phấn đấu trở thành ĐẠI HỌC đa ngành định hướng ứng dụng, nằm trong tốp đầu của Việt Nam, có danh tiếng ở khu vực châu Á.
Chiến lược phát triển của Trường được chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030 với những nhiệm vụ cụ thể khác nhau nhằm từng bước thực hiện 3 mục tiêu chính.
Về tổ chức bộ máy, Trường Đại học Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành chuyển đổi từ trường đại học thành ĐẠI HỌC có mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả gồm 3 cấp: cấp đại học; cấp các trường thành viên/viện nghiên cứu/đơn vị đào tạo và quản lý thuộc đại học và cấp các đơn vị thuộc trường thành viên. Đến năm 2025, hoàn thành việc thành lập 02 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh và Trường Ngôn ngữ và Văn hóa. Đến năm 2030, hoàn thành việc thành lập 02 trường thành viên: Trường Công nghệ – Truyền thông, Trường Quốc tế (đào tạo các chương trình liên kết với nước ngoài);
Dự kiến thành lập thêm 02 trường thành viên đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động; thành lập từ 01 - 02 trung tâm nghiên cứu về các lĩnh vực có thế mạnh của Trường; thành lập 01 trường phổ thông có nhiều cấp học trực thuộc Đại học Hà Nội; phấn đấu thành lập 01 phân hiệu ở trong nước và 01 văn phòng đại diện của Đại học Hà Nội tại nước ngoài.
Về đào tạo, thực hiện mô hình đào tạo theo khung trình độ quốc gia Việt Nam phù hợp với hệ thống đào tạo quốc tế với cơ cấu giữa các trình độ đào tạo (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) đạt tỷ lệ 50:15:5. Nhà trường sẽ mở rộng quy mô đào tạo các trình độ, các hình thức đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và theo hướng hội nhập quốc tế. Ưu tiên mở các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành dạy bằng ngoại ngữ và đưa vào chương trình đào tạo các môn học mới đáp ứng nhu cầu xã hội và kỷ nguyên số.
Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận tiên tiến trên thế giới. Đổi mới toàn diện chương trình đào tạo theo hướng gia tăng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện công nhận chuyển đổi tín chỉ, tăng tính liên thông trong đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước. Thực hiện kiểm định quốc tế chất lượng chương trình đào tạo.
Về khoa học công nghệ được chú trọng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Nhà trường tiếp tục hoàn thiện, ban hành các đề án về khoa học công nghệ, xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đưa ra nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích nghiên cứu khoa học mang tính bền vững. Hoạt động KHCN được xác định phải gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu với đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ; tăng cường phát triển hợp tác quốc tế; xác lập các định hướng nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành. Tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế.
Huy động nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển nhà trường
- Theo bà, yếu tố nào là quan trọng nhất khi thực hiện Quản trị đại học?
TS. Nguyễn Thị Cúc Phương: Vấn đề quan trọng nhất trong quản trị đại học là huy động được nguồn nhân lực để thực hiện các chiến lược phát triển của Nhà trường. Theo nhận định của chúng tôi thì trong giai đoạn đầu tiên, Nhà trường cần tập trung nguồn lực để phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao với tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ đáp ứng nhu cầu phát triển của Nhà trường về quy mô đào tạo (mở ngành mới, tăng số lượng sinh viên) và về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám hiện nay của đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là cần giữ chân, đồng thời thu hút được nhân tài bằng các chính sách đột phá trên nhiều phương diện: chế độ thù lao, điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, văn hóa cơ quan...
Vấn đề tiếp theo đó là nguồn lực tài chính để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sinh viên lên 30.000 sinh viên vào năm 2030. Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014, Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, Nhà trường không còn được cấp vốn để đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là vấn đề nan giải khi Nhà trường muốn xây dựng một hoặc một vài công trình quan trọng như tòa nhà đa năng, tòa nhà giảng đường hoặc mở rộng thêm một cơ sở đào tạo nữa.
Quy mô đào tạo tăng thì cơ sở vật chất cũng phải được đầu tư tương ứng. Tuy nhiên, với nguồn thu như hiện nay, các trường đại học công lập khó có thể dùng nguồn vốn tự có để đầu tư toàn bộ kinh phí cho cơ sở vật chất. Chính vì vậy, cũng như các trường công lập khác, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cho các dự án đầu tư lớn về cơ sở vật chất.
Đưa doanh nghiệp tham gia vào chính quá trình xây dựng chương trình đào tạo
- Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch tuyển sinh như thế nào để đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế?
TS. Nguyễn Thị Cúc Phương: Trong những năm qua, Trường Đại học Hà Nội đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác cả trong và ngoài nước, trong đó có các đối tác là doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào chính quá trình xây dựng chương trình đào tạo thông qua khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp về năng lực của nguồn nhân lực hoặc tham gia hội thảo trực tiếp để đóng góp ý kiến cho một chương trình đào tạo cụ thể.
Nhờ đó, chương trình đào tạo của Nhà trường được xây dựng bám sát nhu cầu của nhà tuyển dụng và đáp ứng được thực tiễn của thị trường lao động. Không chỉ xây dựng chương trình đào tạo, doanh nghiệp cũng tham gia trực tiếp vào hoạt động đào tạo như giảng dạy một số giờ thực hành, tiếp nhận sinh viên vào thực tập, tổ chức hội chợ việc làm hoặc tuyển dụng sinh viên.
Việc mở mới một chương trình đào tạo cũng căn cứ vào nhu cầu của xã hội. Ví dụ từ năm 2017 đến nay Nhà trường đã mở mới một số chương trình đào tạo như Truyền thông doanh nghiệp, Truyền thông đa phương tiện, Marketing, Nghiên cứu phát triển và năm nay dự kiến mở ngành Công nghệ Tài chính. Tất cả các ngành này đều là xu hướng phát triển nghề nghiệp của tương lai. Tóm lại, chúng tôi đào tạo theo nhu cầu của xã hội chứ không phải đào tạo theo những gì chúng tôi có.
Về hội nhập quốc tế, Nhà trường có thế mạnh rất lớn đó là mọi ngành đào tạo của Trường đều giảng dạy bằng ngoại ngữ. Hiện nay Nhà trường đang dạy 11 ngành ngoại ngữ và 11 chuyên ngành bằng ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp). Phần lớn giáo trình được cập nhật từ giáo trình nước ngoài, giảng viên cũng được đào tạo từ nước ngoài. Đây là thế mạnh mà ít trường Việt Nam có được để hội nhập quốc tế.
Cụ thể, khi giảng viên nước ngoài đến trao đổi tại Việt Nam, họ có thể làm việc trực tiếp với toàn bộ giảng viên và sinh viên không cần qua phiên dịch. Theo chiều ngược lại, giảng viên và sinh viên của Nhà trường được cử đi trao đổi ở nước ngoài có thể hội nhập nhanh chóng với môi trường nước ngoài dù đó là ở châu Âu, châu Úc, Hoa Kỳ hay các nước thuộc khối ASEAN. Mỗi năm Nhà trường tiếp đón khoảng 30 lượt giảng viên nước ngoài tới Trường, cử khoảng 60 lượt cán bộ, giảng viên ra nước ngoài và 300 sinh viên đi học trao đổi tại các trường đối tác của nhiều quốc gia khác nhau.
Cũng nhờ thế mạnh ngoại ngữ này mà Trường có được các dự án quốc tế hỗ trợ cho việc kết nối với doanh nghiệp, tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm cho sinh viên. Minh chứng cho điều đó chính là việc Nhà trường là điều phối viên khu vực của các dự án quốc tế như dự án VOYAGE “Tăng cường cơ hội tiếp cận việc làm cho thanh niên và người tốt nghiệp ở Việt Nam” (năm 2015 - 2018), dự án MOTIVE “Theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp” (năm 2020 - 2022), dự LAB-MOVIE “Khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp tại các trường đại học của Việt Nam” (năm 2020 - 2022). Ba dự án này đều do Chương trình Eramus+ CBHE tăng cường năng lực cho các trường đại học do Ủy ban châu Âu tài trợ.
Xây dựng môi trường đa văn hóa, tôn trọng sự khác biệt
- Với thế mạnh chuyên sâu, bề dày truyền thống về đào tạo và nghiên cứu về ngôn ngữ - văn hóa, nhà trường đã thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế tới học tập. Vậy chương trình đào tạo, môi trường văn hóa được nhà trường xây dựng như thế nào để vừa phù hợp với môi trường giáo dục Việt Nam, quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam và thu hút thêm sinh viên nước ngoài tới học?
TS. Nguyễn Thị Cúc Phương: Mỗi năm Nhà trường tiếp đón gần 700 sinh viên nước ngoài, phần lớn sinh viên học Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa Việt Nam. Ngoài ra, sinh viên quốc tế còn học một số ngành khác như Ngôn ngữ Pháp, Truyền thông Doanh nghiệp, Quản trị Kinh doanh, Quốc tế học... Lý do đầu tiên để thu hút được sinh viên quốc tế lựa chọn Trường Đại học Hà Nội là chương trình đào tạo được xây dựng theo các chương trình đào tạo quốc tế tiên tiến, cho phép sinh viên học trao đổi và công nhận chương trình thuận lợi giữa 2 trường.
Lý do tiếp theo là đội ngũ giảng viên có thể giao tiếp được với sinh viên nước ngoài bằng nhiều ngoại ngữ và đặc biệt là bằng tiếng Anh. Sức hút sinh viên quốc tế của HANU còn phải nói đến là việc Nhà trường xây dựng được môi trường đa văn hóa, tôn trọng và dung dưỡng sự khác biệt của mỗi cá thể. Môi trường học tập và làm việc phong phú có sự kế thừa nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt và sự tiếp nhận tính đa văn hóa, năng động và hiện đại từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Mỗi năm, Nhà trường tổ chức gần 15 lễ hội văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới và lễ hội văn hóa Việt Nam. Vì vậy, sinh viên quốc tế đến học tại Trường luôn được mang lại cảm giác thoải mái, được tôn trọng bản sắc văn hóa riêng của đất nước, dân tộc mình cũng như được khám phá những nét riêng của văn hóa Việt Nam. Chính thế mạnh về ngoại ngữ đã giúp Trường Đại học Hà Nội tạo nên một môi trường hòa đồng về văn hóa, thuận lợi về giao tiếp đối với bất kỳ một sinh viên quốc tế nào đến đây.
- Xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Thị Cúc Phương!