Trường Đại học Giao thông Vận tải: Phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

- Thứ Sáu, 20/01/2023, 07:48 - Chia sẻ

Trường Đại học Giao thông Vận tải hướng tới mô hình đại học đa ngành về kỹ thuật, công nghệ và kinh tế; trở thành đại học trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành giao thông vận tải và đất nước…

Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển nhà trường, Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng nhà trường.

Phát triển “sân chơi khoa học” cho các giảng viên, sinh viên

- Được biết, trong những năm gần đây, trường ĐH Giao thông Vận tải đã có nhiều thành tích và giải thưởng về khoa học và công nghệ, nghiên cứu khoa học, như: giải Nhì về REV Award 2021 (không có giải Nhất) - Giải thưởng Sản phẩm khoa học công nghệ Điện tử Viễn thông Việt Nam. Xin ông cho biết, nhà trường đã làm những gì để có được những kết quả trên?

- Trường Đại học Giao thông Vận tải xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á. Vì vậy, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lộ trình thực hiện tự chủ và trong chiến lược phát triển chung của Nhà trường.

Nhà trường xác định hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ (CGCN) góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ khoa học của giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khẳng định vị trí và uy tín của nhà trường trước xã hội. Chính vì vậy, nhà trường đã tiến hành đồng bộ hàng loạt giải pháp đổi mới công tác quản trị hoạt động KHCN, đưa vào nhiều cơ chế chính sách nhằm tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, CGCN và lao động sản xuất.

Đồng thời lập dự án xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có 04 phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia, 01 phòng thí nghiệm Villas đạt chuẩn ISO/IEC 17025.

Nhà trường chú trọng việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có uy tín trên thế giới. Thông qua quan hệ hợp tác để triển khai các thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đề tài, dự án hợp tác quốc tế.

Cùng với việc tìm kiếm xây dựng các nhiệm vụ khoa học, đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, từ năm 2019, Nhà trường đã triển khai xây dựng các đề tài cấp Trường trọng điểm nhằm từng bước thiết lập các nhóm nghiên cứu, đầu tư cho công bố quốc tế có uy tín, đăng ký sở hữu trí tuệ và sản phẩm chuyển giao công nghệ.

Các nhóm nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của Nhà trường là đường sắt và đường bộ, đặc biệt về đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc và công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT).

- Trường ĐH Giao thông Vận tải đã tạo "sân chơi khoa học" như thế nào cho cán bộ, giảng viên của trường, thưa ông?

- “Sân chơi khoa học” được nhà trường đặc biệt chú trọng nhằm tạo môi trường cho các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên nghiên cứu, trao đổi, công bố các chủ đề khoa học theo định hướng của Nhà trường.

Năm 2021, Tạp chí Khoa học Giao thông Vận tải (Transport and Communications Science Journal) của Trường đã chính thức được đưa vào cơ sở dữ liệu trích dẫn Đông Nam Á (ASEAN Citation Index - ACI).

Tạp chí đã được Hội đồng xét duyệt ACI (ACI Steering Committee) đưa vào hệ thống ACI, qua đó khẳng định vị thế, uy tín trên phạm vi khu vực ASEAN và quốc tế, tiến tới gia nhập danh mục Scopus và Web of Science.

Ngoài ra, nhà trường tăng mức thưởng cho các nhóm nghiên cứu có công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus, nhờ đó các công bố khoa học thuộc danh mục Web of Science (WoS)/Scopus của Trường đã tăng lên đáng kể.

Với những hoạt động trên, trong những năm qua, trường ĐH Giao thông Vận tải đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực GTVT, thành lập được các nhóm chuyên nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn như vệt hằn bánh xe, công nghệ trộn phụ gia SBS tại trạm; sửa chữa mặt cầu Thăng Long, …

- Sinh viên được tham gia “guồng” phát triển này như thế nào, thưa ông?

- Nhà trường xác định, nghiên cứu khoa học không chỉ cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn rèn luyện cho sinh viên tác phong làm việc khoa học, cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía.

Do đó, Nhà trường chú trọng xây dựng chính sách như đầu tư tài chính, công nhận giờ khoa học cho giảng viên hướng dẫn nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Hàng năm, có hơn 500 đề tài KHCN của các nhóm sinh viên được nghiệm thu với khoảng hơn 2.500 sinh viên tham gia nghiên cứu.

Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên tích cực tham gia các cuộc thi KHCN, thi sáng tạo trong và ngoài trường như: thiết kế kết cấu mô hình cầu; đua xe lập trình; lắp giáp mạch điện; khởi nghiệp; robocon; lái xe sinh thái…Nhiều công trình KHCN của sinh viên đã đoạt được giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế.

Trong giai đoạn vừa qua, hàng năm sinh viên của Trường đều đoạt từ 8 đến 10 giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp quốc tế, quốc gia và các bộ ngành và nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khác như lái xe sinh thái, tiết kiệm năng lượng, Olympic tin học, Cơ học, Tin học, Vật lý, Toán, Ý tưởng sáng tạo trẻ...

Việc tạo môi trường và cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học của giảng viên và sinh viên của Trường đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, hướng tới các tiêu chí của bậc giáo dục đại học trong nhà trường theo định hướng nghiên cứu.

Thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế

- Thưa ông, hiện nay, các trường đại học đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia, thông qua các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo… Dự định thời gian tới nhà trường sẽ có bước đi cụ thể như thế nào?

- Nhà trường tiếp tục xây dựng các chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tìm kiếm, đề xuất, phát triển các nhiệm vụ KHCN từ các bộ, ngành, địa phương, quỹ KHCN, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế; chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KHCN…

Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, sắp xếp, phối hợp hoạt động giữa các trung tâm, công ty thuộc trường, theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tạo năng lực cho các công ty, trung tâm trong đấu thầu các dự án quan trọng quốc gia, dự án quốc tế.

Đặc biệt, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm khoa học công nghệ có khả năng độc lập, chủ động thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm khoa học có chất lượng cao, có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học - thực tiễn phức tạp có tính liên ngành, tạo thương hiệu, đem lại lợi ích cho nhà trường và xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, các cuộc thi Olympic, các cuộc thi sáng tạo các cấp, tạo cho sinh viên khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; hỗ trợ các đề tài tiềm năng và có hướng phát triển tốt để tham dự và đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo cấp quốc gia và quốc tế.

- Năm 2023, nhà trường có chiến lược gì để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế là trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải?

- Để nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng chính sách để động viên giảng viên đi học nâng cao trình độ ở các nước tiên tiến để tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của chúng tôi hiện nay khoảng 43%.

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh và xây dựng chương trình tạo tạo theo Nghị định 99, đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay 100% các chương trình đào tạo của Nhà trường đã được xây dựng đạt chuẩn quốc tế CDIO.  

Thứ ba, Tiếp tục thực hiện việc kiểm định các chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đầu tư và thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Thứ tư, Nhà trường sẽ huy động các nguồn lực để xây dựng các phòng thí nghiệm, đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm và các phòng thí nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp để phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long!

Nhật Hồng
#