Trong xu hướng tự chủ đại học và cải cách đầu tư công, Nhà nước cần có cơ chế đầu tư hiệu quả và xác định được chiến lược đầu tư từ ngân sách nhà nước. Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phân loại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong hệ thống làm căn cứ để Nhà nước đầu tư trọng điểm. Yêu cầu về phân tầng xếp hạng các cơ sở GDĐH cũng đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học.
Tuy vậy, mạng lưới các cơ sở GDĐH của nước ta chưa được phân loại rõ nét theo các định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng nhằm xác định tỉ trọng giữa đào tạo/nghiên cứu khoa học/dịch vụ, làm căn cứ xác định trọng tâm đầu tư để có sản phẩm chất lượng cao.
Quá trình quy hoạch chưa tạo ra được cơ chế để phân loại về định hướng phát triển và chất lượng giáo dục của các cơ sở, do đó chưa có căn cứ để Nhà nước đầu tư ưu tiên đối với nhóm cơ sở GDĐH hoạt động hiệu quả, có tiềm năng phát triển ngang tầm cơ sở GDĐH tiên tiến thế giới, hoặc đầu tư trọng điểm đối với các ngành nghề đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên, có đóng góp tỉ trọng cao vào sự phát triển KT - XH và khoa học công nghệ của đất nước.
Các đại học trọng điểm ngành quốc gia được quy hoạch có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, các cơ sở GDĐH này phải có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia. Các trường trọng điểm ngành, do đó cần một số đặc điểm lớn như sau:
- Có truyền thống lâu dài, có chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng đã được khẳng định để tạo ra tầm ảnh hưởng xã hội sâu sắc.
- Có tiềm lực lớn về khoa học công nghệ, đào tạo để vươn lên tầm khu vực.
Trường ĐHGTVT có tiền thân là Trường Công chính Đông Dương, được thành lập từ năm 1902 trong giai đoạn Pháp thuộc. Trường được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng năm 1945, sau một vài lần đổi tên, chia tách, sáp nhập, từ năm 1962, trường chính thức có tên gọi là Trường Đại học Giao thông vận tải (Hình 1). Trường là cơ sở giáo dục đại học có lịch sử xây dựng, hình thành và phát triển dài nhất trong các trường đào tạo về lĩnh vực giao thông vận tải của đất nước.
Trường ĐHGTVT hiện có 2 cơ sở. Trụ sở chính tại số 3 phố Cầu Giấy, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh ở địa chỉ 450 - 451 đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Trường ĐHGTVT xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á. Để thực hiện tầm nhìn này, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, Trường ĐHGTVT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được những tiến bộ vững chắc về các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng:
Về đào tạo: Trường ĐHGTVT hiện nay đang tuyển sinh và đào tạo 31 ngành trình độ đại học 12 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Ngoài các chương trình đào tạo đại trà Nhà trường đã triển khai xây dựng 10 chương trình tiên tiến và chất lượng cao, 3 chương trình liên kết quốc tế trình độ đại học và 01 chương trình liên kết quốc tế trình độ thạc sĩ. Trường đào tạo đủ các lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) gồm: đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy.
Đặc biệt, nhà trường là trường đại học duy nhất cả nước đào tạo và cung ứng nhân lực chuyên môn cho lĩnh vực đường sắt, đường sắt tốc độ cao. Trường là một trong những cơ sở GDĐH đầu tiên được kiểm định chất lượng giáo dục đại học lần 1 (năm 2016), lần 2 (năm 2021); hầu hết các chuyên ngành cốt lõi của trường, đặc biệt là các ngành liên quan đến GTVT đều đã được kiểm định quốc tế.
Quy mô sinh viên hiện nay khoảng 27.000 sinh viên, cao nhất trong khối các trường đại học đào tạo về lĩnh vực GTVT. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHGTVT được các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong ngành giao thông vận tải đánh giá cao (96%). Các cựu sinh viên của Nhà trường là các cán bộ chủ chốt, có đóng góp tích cực trong ngành GTVT của đất nước, tham gia thực hiện các công tác từ quản lý nhà nước, xây dựng, tư vấn và nghiên cứu.
Về khoa học công nghệ: Trường là 1 trong 20 cơ sở có chỉ số xuất bản hàng đầu Việt Nam. Là đơn vị có ảnh hưởng nhất trong ngành GTVT về xuất bản KHCN, về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với số lượng xuất bản KHCN quốc tế tăng dần theo các năm.
Tạp chí Khoa học Giao thông vận tải của Nhà trường là tạp chí duy nhất thuộc lĩnh vực này được chỉ mục trong danh mục Tạp chí KHCN Đông Nam Á ACI (từ 10.2021), và được đánh giá điểm cao nhất trong các tạp chí thuộc danh mục GTVT của Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Số lượng công bố khoa học quốc tế và trong nước của Trường ĐHGTVT đứng đầu trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực GTVT và có sự tăng trưởng vững chắc qua các năm (Hình 2). Đến thời điểm hiện nay, trường có khoảng 1220 công bố khoa học được trích dẫn trong cơ sở khoa học Google Scholar.
Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu của Nhà trường đã được cấp bằng sáng chế/giải pháp hữu ích, và được ứng dụng thành công góp phần thúc đẩy ứng dụng KHCN vào thực tế bao gồm:
- Các giải pháp hạn chế hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường quốc lộ;
- Các giải pháp thiết kế, thi công và sửa chữa công trình cầu bê tông đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;
- Cầu dân sinh phục vụ giáo dục vùng sâu, vùng xa khu vực phía Bắc;
- Hệ thống giao thông thông minh trên mạng lưới trục chính đô thị lớn;
- Bê tông công nghệ cao: bê tông siêu tính năng, bê tông tự đầm, bê tông nhẹ, bê tông rỗng, bê tông vi hạt,...;
- Giải pháp tổ chức giao thông cho TP. Hà Nội,...;
- Quy hoạch xây dựng TP. Hà Nội theo định hướng Giao thông (TOD).
Về phục vụ cộng đồng: trường là đại diện lớn của ngành GD - ĐT tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội trong lĩnh vực GTVT, là chỗ dựa vững chắc cho ngành GTVT về các vấn đề KHCN, giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp, trọng điểm; có tầm quan trọng với ngành GTVT như: đánh giá, xử lý cầu Cần Thơ (2007), tư vấn sửa chữa mặt cầu Thăng Long (2021).
Các Giáo sư, nhà khoa học của Nhà trường đồng thời là các chuyên gia tư vấn hàng đầu cho Quốc hội, Chính phủ trong các vấn đề kinh tế giao thông, tổ chức GTVT và phát triển KHCN ngành GTVT.
Theo kết quả công bố gần đây của tổ chức QS, Trường ĐHGTVT hiện là một trong 15 cơ sở GDĐH của Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 651 - 700 trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á. Xét trên mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tiến hành Quy hoạch mạng lưới giáo dục Việt Nam là có ít nhất 20 lĩnh vực có mặt trong bảng xếp hạng quốc tế có uy tín thì Trường ĐHGTVT là đại diện duy nhất của lĩnh vực GTVT được xếp hạng quốc tế.
Trong chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GTVT là một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đã được xác định cùng với phát triển nguồn nhân lực là hai trong ba đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế xã hội theo nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Với tầm nhìn phát triển đại học tương đồng với dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn mới và vị trí trong bảng xếp hạng QS uy tín, Trường ĐHGTVT đã khẳng định được vị thế và vươn tầm châu lục.