Chia sẻ tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ III, TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, việc tăng cường chuyên môn và nhân lực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhu cầu cấp thiết, khi tỷ lệ người cao tuổi tại nước ta hiện đang chiếm khoảng 12% dân số và dự báo con số này sẽ tăng lên 17% năm 2030, 25% vào năm 2050.
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc. Trung bình một người cao tuổi sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính.

Với các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương thường mắc 5-6 bệnh. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.
"Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.
Thế nhưng, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ…. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi", TS Trung Anh cho hay.
Theo phân tích của Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác.
Cụ thể, khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém.
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa, trong đó phải kể đến bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Đa số các bệnh này ít nhiều có liên quan đến lối sống và nói chung phải điều trị suốt đời.
Trong khi đó, thực trạng dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Tại Hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi là yêu cầu cấp thiết.