Trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là bắt buộc

- Thứ Tư, 22/05/2024, 08:38 - Chia sẻ

PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

Góp phần bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà giáo

Ngày 21.5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Trường Đại học Luật và Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Lê Thái Hưng cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.

Các cơ quan cấp phép yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn, và thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khoá đào tạo nâng cao.

Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách bảo đảm rằng họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

“Tại Việt Nam, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà giáo, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp”, PGS.TS Lê Thái Hưng nhận định.

Đồng tình với các ý kiến cho rằng cần phải có chứng chỉ hành nghề nhà giáo, theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, trên thế giới, một lĩnh vực nào đó trở thành một nghề thì đó là bước chuyển rất quan trọng cho một khái niệm. Để một việc làm trở thành một nghề thì đội ngũ phải được đào tạo ở trình độ đại học, phải có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, phải có chứng chỉ hành nghề và có tổ chức nghề nghiệp.

Khi công bố dạy học là một nghề thì đương nhiên sẽ đẩy vị thế của việc dạy học đi lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề. “Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp và giáo viên trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.

Trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là bắt buộc -0
PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Cần có điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo

Đóng góp cho dự thảo Luật Nhà Giáo đang xin ý kiến, GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần có những điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, quy định đạo đức nghề nghiệp của mọi nhà giáo cả khu vực công, khu vực tư và được áp dụng đối với cả nhà giáo nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục của Việt Nam, cơ sở giáo dục của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Không phân biệt đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học.

Đồng quan điểm và cho rằng, phải có nội dung về đạo đức nghề nghiệp thì mới ra được Luật Nhà giáo, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm và cho rằng, không phải ngẫu nhiên nhà giáo được xã hội tôn vinh. Do vậy, nhà giáo muốn hành nghề phải có đạo đức nghề nghiệp.

“Cần phân biệt giữa đạo đức xã hội với đạo đức nghề nghiệp. Nhà giáo là một nghề nên phải có quy định về đạo đức nghề nghiệp” - GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nói và đề xuất phải luật hóa vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, Luật Nhà giáo phải có sự khác biệt, nêu bật được đặc thù của nhà giáo.

Trước đó, chia sẻ tại Tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) Vũ Minh Đức cho hay, chứng chỉ hành nghề cho giáo viên sẽ là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho những người đạt tiêu chuẩn theo quy định. Như vậy, những người đương nhiên được cấp chứng chỉ không cần qua sát hạch gồm tất cả giáo viên đang giảng dạy tại các trường công lập và ngoài công lập.

Đối với các nhà giáo đã về hưu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có nguyện vọng cũng có thể xin cấp chứng chỉ này để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp. Trên thực tế, nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng sức khỏe vẫn tốt, trí tuệ minh mẫn, vẫn có thể tham gia các hoạt động giáo dục.

Đối với những giáo viên tuyển mới, sau khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức, để trở thành giáo viên có hai nguồn bao gồm: sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và người tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ theo quy định và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tất cả những đối tượng này đều phải thực hiện việc thực tập trong thời gian 1 năm, sau đó sẽ được đánh giá hoàn thành, được cơ quan tuyển dụng cho tuyển dụng.

Minh Vân
#