Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày (6- 8.12) với sự tham gia của các báo cáo viên đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Học viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng các học viên là nhóm giáo viên cốt cán đến từ 3 tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Cà Mau.
Nội dung của khóa tập huấn gồm: Cung cấp các kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, ứng dụng kiến thức này vào hoạt động tư vấn tâm lý của giáo viên chủ nhiệm; Hướng dẫn quy trình, kỹ năng tư vấn tâm lý cho học sinh; Thực hành một số nội dung, tình huống tư vấn tâm lý cho học sinh trường trung học.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Đạt nhận định: Giáo viên chủ nhiệm là một trong những lực lượng trong nhà trường có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm góp phần tích cực trong việc phòng ngừa các vấn đề tâm lý của học sinh cũng như phát hiện, hỗ trợ, hướng dẫn học sinh vượt qua các vướng mắc, khó khăn để học tập. Để hoàn thành được vai trò đó, các thầy cô cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, trong đó có kĩ năng tư vấn tâm lý học đường.
Nhằm nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Tổ chức Room to Read Việt Nam biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn thí điểm cho các giáo viên cốt cán nhằm cung cấp kiến thức một cách hệ thống về lý luận và thực tiễn, đồng thời hướng dẫn cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Tổ chức Room to Read triển khai Chương trình Hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường và Giáo dục các kĩ năng cơ bản nhằm đạt được các phẩm chất năng lực quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS và THPT, giai đoạn 2022-2030.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận, tương tác thực hành đối với các chuyên đề được các chuyên gia tập huấn đề ra. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những tình huống thực tiễn gặp phải tại các nhà trường để cùng với các chuyên gia, các thầy cô chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để tập huấn đạt hiệu quả cao.
Tham gia tập huấn, nhiều giáo viên thừa nhận, nếu giáo viên chủ nhiệm có năng lực tư vấn tốt, không chỉ tháo gỡ, giải quyết được những vấn đề học sinh đang mắc phải mà còn giúp cải thiện mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô, bạn bè, gia đình.
Tài liệu và chương trình tập huấn Nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm đã đáp ứng đúng nhu cầu, giúp tăng cường kiến thức của giáo viên chủ nhiệm về tâm sinh lý của học sinh cũng như hiểu biết về quy trình tư vấn tâm lý học đường, trang bị một số kĩ năng tư vấn tâm lý cơ bản cũng như kiến thức về một số lĩnh vực tư vấn tâm lý phổ biến trong nhà trường.
Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, các thầy cô sẽ tiếp tục tập huấn cho toàn bộ giáo viên chủ nhiệm lớp và ban giám hiệu của các trường học ở 3 tỉnh tham gia thí điểm với sự hỗ trợ của Room to Read.
Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động hỗ trợ chuyên môn hàng tháng giúp các giáo viên chủ nhiệm vận dụng, thực hành kiến thức, kĩ năng được tập huấn vào công tác chủ nhiệm. Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm, nội dung tập huấn sẽ được nhân rộng thêm ở khoảng 180 trường.