Thông tin trên được GS.TS Lê Thị Hương, Viện Trưởng, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết ngày 14.11.
“Mặc dù là chuyên ngành còn mới mẻ so với những lĩnh vực khác trong Y học, Kinh tế Y tế hết sức cần thiết đối với quá trình quản lý hệ thống Y tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên có chương trình Thạc sĩ Y tế công cộng quốc tế chuyên sâu về Kinh tế Y tế. Giải thưởng này cho thấy đội ngũ cán bộ cũng như các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về Kinh tế Y tế của chúng tôi đã được thế giới ghi nhận, tạo những tiền đề quan trọng để góp phần phát triển nguồn nhân lực Y tế chất lượng cao, cũng như đóng góp vào quá trình vận hành hệ thống Y tế", GS.TS Lê Thị Hương chia sẻ.
PGS.TS Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, là 1 trong 3 người trẻ nhất được vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm nay. Ông hiện là giảng viên cao cấp, Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Trần Xuân Bách đã có nhiều năm nghiên cứu về Kinh tế Y tế và Hiệu quả của các can thiệp Y tế, phát triển các mô hình phân tích ra quyết định trong đánh giá công nghệ y tế, và phát triển chính sách y tế.
Ông Bách có kinh nghiệm chuyên sâu trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu, tập trung vào các nghiên cứu chi phí - hiệu quả, các mô hình dịch vụ y tế và tăng cường năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực HIV/AIDS, nghiện chất, sức khỏe tâm thần và đại dịch Covid-19.
Giải thưởng quốc tế cho Nghiên cứu xuất sắc về Hiệu quả và Kinh tế Y tế của ISPOR 2023 ghi nhận cho những đóng góp của PGS.TS Trần Xuân Bách trong suốt 15 năm qua. Ông đã ứng dụng các nguyên lý kinh tế lượng nhằm đánh giá hiệu quả và tìm ra những rào cản về kinh tế-xã hội và tâm lý-hành vi trong việc mở rộng các công nghệ y tế mới, bao gồm cả Vaccine và các liệu pháp điều trị, góp phần kiểm soát các đại dịch như HIV/AIDS và Covid-19.
Ông cũng đã đưa ra những mô hình lý thuyết định hướng cho việc lượng hóa nguy cơ dịch bệnh và xây dựng các chính sách nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống Y tế đối với đại dịch Covid-19.
Ông Trần Xuân Bách đã công bố hàng loạt công trình trên các tạp chí khoa học hàng đầu của từng chuyên ngành liên quan như JMIR, Bulletin of the World Health Organization, JMIR Public Health and Surveillance, Lancet Regional Health, Brain Behavioral Immunity, Value in Health, Journal of Global Health, International Journal of Infectious Diseases, EbioMedicine,…
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có cá nhân nhận được Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc ISPOR.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải diễn ra tối 13.11 tại Đan Mạch, PGS.TS Trần Xuân Bách bày tỏ vinh dự khi được nhận Giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của ISPOR, đại diện cho các nhà khoa học ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
“Trong thế giới sau đại dịch Covid-19, nơi mà các hệ thống y tế càng trở nên rời rạc và dễ bị tổn thương, tôi tin rằng sứ mệnh của chúng ta trong việc cung cấp các sáng kiến dựa trên bằng chứng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Và giải thưởng danh giá này không chỉ là minh chứng cho thấy tầm quan trọng và tính khả thi của việc lồng ghép các nghiên cứu hiệu quả và kinh tế y tế trong quá trình hoạch định chính sách tại các địa bàn này, mà còn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trên toàn thế giới, cống hiến hơn nữa nhằm tạo ra một xã hội công bằng và khỏe mạnh hơn”, ông nói.
GS.TS. Carl Latkin, đồng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ đánh giá, giải thưởng này cạnh tranh rất cao, rất xứng đáng và ghi nhận cho sự xuất sắc cũng như vai trò lãnh đạo nghiên cứu của PGS.TS Trần Xuân Bách.
Theo GS.TS. Carl Latkin, trong đại dịch Covid-19, ông Trần Xuân Bách đã nhanh chóng xây dựng chương trình nghiên cứu, tập trung vào các vấn đề Y tế công cộng quan trọng để đảm bảo cung cấp những bằng chứng khoa học tốt nhất cho việc ra quyết định kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với những kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế công cộng, ông Bách cũng đã xây dựng được uy tín quốc tế và các mạng lưới cộng tác rộng khắp, góp phần tạo ra nhiều nghiên cứu có chất lượng cao, đáp ứng trực tiếp cho quá trình xây dựng chính sách y tế và phù hợp cho bối cảnh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
GS.TS. Laurent Boyer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chất lượng cuộc sống và Dịch vụ Y tế, Đại học Aix-Marseille, Pháp nhìn nhận, ông Trần Xuân Bách luôn có những ý tưởng đột phá trong cách tiếp cận tư duy hệ thống về nghiên cứu khoa học và đã thành công trong việc tổ chức các mạng lưới nghiên cứu, đào tạo liên tục các nghiên cứu viên xuất sắc, cũng như xây dựng được các cơ chế cộng tác và chia sẻ tri thức rộng khắp trên thế giới.
Đặc biệt, những công cụ nghiên cứu mà ông Bách đã phát triển cho phép tối ưu hóa và có thể tạo ra những thay đổi hết sức căn bản trong cách chúng ta vẫn tiến hành nghiên cứu truyền thống.
PGS.TS Trần Xuân Bách tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2011 tại Đại học Alberta, Canada; sau đó ông hoàn thành chương trình Sau Tiến sỹ (Postdoc) tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, và Tiến sĩ khoa học (Habilitation) tại Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp. Năm 2016, ở tuổi 32, ông được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Y học - là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó.
Năm 2023, sau 7 năm, ở tuổi 39, ông tiếp tục trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam, cùng với 2 nhà khoa học khác.
Ông Trần Xuân Bách được ghi nhận bởi nhiều hệ thống học thuật quốc tế, là nhà khoa học trong Top 1% có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới thông qua trích dẫn khoa học của Clarivate năm 2022. Cũng trong năm này, ông được Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trao giải Nhì Giải thưởng cho nghiên cứu về Phụ nữ khỏe mạnh - Nền kinh tế lành mạnh và Giải thưởng Ngôi sao khoa học nổi bật của hệ thống Research.com.
Ông Bách cũng là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, nhận Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng năm 2017. Năm 2019, ông được bầu làm thành viên ban lãnh đạo Viện hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu (GYA) trực thuộc Viện hàn lâm quốc gia Đức (Leopoldina).
Trong vai trò là ủy viên BCH TƯ Đoàn khóa XI, và Phó chủ tịch TƯ Hội LHTN khóa VIII, ông Trần Xuân Bách cũng đã dành nhiều tâm huyết phát triển Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, kết nối và thúc đẩy các nhà khoa học trẻ người Việt trên toàn thế giới hướng về đất nước, chia sẻ tri thức, chung tay phát triển nhiều dự án thiết thực.
ISPOR - The Professional Society for Health Economics and Outcomes Research (HEOR), là tổ chức quốc tế, đa phương, phi lợi nhuận, tập trung thúc đẩy nghiên cứu xuất sắc về Hiệu quả Y tế và Kinh tế Y tế nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định về Y tế trên toàn cầu. Hiệp hội cung cấp nguồn thông tin hàng đầu thế giới về các ấn phẩm khoa học được bình duyệt và liệt kê trên MEDLINE, các hội thảo khoa học, các hướng dẫn thực hành tốt, các nguồn lực, công cụ, hợp tác và đào tạo trong lĩnh vực này.
ISPOR là một trong những hiệp hội lớn nhất thế giới về Kinh tế Y tế nói chung và là tổ chức nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực Đánh giá Kinh tế Y tế. Được thành lập từ năm 1995, đến nay, ISPOR đã có hơn 19,000 hội viên là các nhà khoa học và các tổ chức hiệp hội vùng và quốc gia ở trên 110 nước.
Các giải thưởng khoa học ISPOR được tổ chức nhằm thúc đẩy và ghi nhận cho những thành tựu xuất sắc và nổi bật trong các nghiên cứu Hiệu quả và Kinh tế Y tế. Các giải thưởng lãnh đạo ISPOR ghi nhận những đóng góp trong việc dẫn dắt sự phát triển của lĩnh vực này. Hiệp hội ISPOR tổ chức Buổi lễ Trao giải tại Hội nghị quốc tế ISPOR Europe 2023 tổ chức vào ngày 12-15.11.2023, tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.