Tại Hội nghị triển khai bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện mô hình Trường học hạnh phúc do Sở Giáo dục-Đào tạo (GĐ-ĐT) TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 20.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, các tiêu chí đánh giá Trường học hạnh phúc bắt đầu được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm từ 2016. Tại Việt Nam, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Công đoàn giáo dục Việt Nam phát động mô hình Trường học hạnh phúc. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản về xây dựng Trường học hạnh phúc.
Trường học hạnh phúc không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất. Ngoài ra, việc xây dựng Trường học hạnh phúc được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
Theo Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, quá trình xây dựng và triển khai bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học. Khi triển khai, các cơ sở giáo dục quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa họ vào như một trong những chủ thể quan trọng, có ảnh hưởng quá trình xây dựng trường học hạnh phúc.
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện bộ tiêu chí đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, không hình thức, thành tích. Việc đánh giá Bộ tiêu chí dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học. Mỗi tiêu chí gồm 3 mức độ: cần cải thiện, khá, tốt. Trên cơ sở đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt thì cần duy trì, chưa đạt cao thì cần phải có mục tiêu, phương hướng cải thiện.
Cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, mặt bằng học tập... Đặc biệt, phải tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt.