Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 được triển khai nghiêm túc, khách quan, trung thực và an toàn, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, các đơn vị cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí từ ngân sách; bố trí nhân lực đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu, các hoạt động phục vụ công tác thi; bảo đảm an toàn tuyệt đối, thực hiện đầy đủ các quy định, biện pháp phòng chống dịch cho các kỳ thi; thực hiện công tác thi và công tác tuyển sinh đúng quy chế thi, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và các kế hoạch đã ban hành.
Các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác tuyển sinh; thống nhất một hệ thống tuyển sinh trên toàn TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đăng ký nhập học cho trẻ, quy trình công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng.
Trong đó, Sở GD-ĐT sẽ là đầu mối theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp tổ chức các kỳ thi của các sở, ban, ngành; thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo UBND TP, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP. Hồ Chí Minh năm 2024 và Ban chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025.
Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các kỳ thi cho toàn ngành; chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương; thực hiện nghiêm công tác ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt tốt nghiệp và cấp phát văn bằng theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.
Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường, các điểm thi chuẩn bị tốt cho học sinh về kỹ năng làm bài thi và tâm lý trước, trong và sau kỳ thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thông báo công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định về kỳ thi và các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên và học sinh biết để thực hiện.
Đồng thời, Sở GD-ĐT có trách nhiệm trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ cho tất cả các điểm thi, điểm in sao đề thi, điểm chấm thi, phải tính toán đến phương án dự phòng đảm bảo cho mọi tình huống phát sinh; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi.
Sở GD-ĐT chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin công khai, minh bạch về tổ chức các kỳ thi, quy chế thi, quy định về tuyển sinh. Đặc biệt lưu ý thí sinh về việc chấp hành các quy định trong phòng thi, các vật dụng không được đem vào phòng thi và các vấn đề liên quan đến bảo mật đề thi.
Bên cạnh đó, căn cứ kết quả tuyển sinh thực tế vào lớp 10 tại các trường THPT, chủ động xây dựng phương án tuyển sinh bổ sung phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu thực tế của từng trường, bảo đảm quyền lợi của học sinh…