TP. Hồ Chí Minh: Rà soát thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày tất cả trường THPT

- Thứ Năm, 12/10/2023, 16:00 - Chia sẻ

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, sắp xếp thời khóa biểu đối với các hoạt động ngoại khóa tại các trường THPT là nội dung được đề cập tại Hội nghị giao ban hiệu trưởng các trường THPT công lập năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

TP. Hồ Chí Minh: Rà soát thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày tất cả trường THPT  -0
Rà soát thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày tất cả trường THPT

Theo đại diện Trường THPT Đào Sơn Tây, đối với việc triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường, ngoài yếu tố đúng - sai căn cứ theo các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành, cần cân nhắc thêm yếu tố nên hay không nên, làm thế nào để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ huynh và học sinh.

Đại diện Trường THPT Thạnh Lộc (Quận 12) cho biết, hiện nay theo chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, các trường sẽ đồng loạt điều chỉnh thời khóa biểu không quá 9 tiết/ngày. Tuy nhiên, điều chỉnh lại theo đúng quy định thì dễ nhưng quan trọng có đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của học sinh không.

Cùng quan điểm, đại diện Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) lý giải, hiện nay chương trình chính khóa quy định trung bình 30 tiết/tuần đối với cấp THPT. Cùng với đó, chương trình buổi 2 quy định từ 6-8 tiết/tuần, chương trình nhà trường (tùy tình hình thực tế ở mỗi đơn vị) từ 4-6 tiết. Như vậy, yêu cầu thời khóa biểu không quá 9 tiết/ngày rất khó thực hiện, nếu điều chỉnh theo hướng không quá 8 tiết/ngày thì buộc các trường phải xếp thời khóa biểu vào thứ 7.

Về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục-Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, làm sao để vừa thực hiện đúng quy định vừa hợp tình hợp lý, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh là nghệ thuật của người hiệu trưởng. Dạy học quá tải sẽ không mang lại hiệu quả cho học sinh, mà chỉ nên vừa sức. Hiện nay, quy định thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày, dạy học từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định chung trong cả nước nên các trường cần chấp hành, không nên tăng tải cho học sinh. Thay vào đó, các trường cân đối thời khóa biểu, giảm hoạt động trong chương trình nhà trường đối với học sinh cuối cấp (khối 12).

Ngoài ra, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều đề án quan trọng về nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học cho học sinh phổ thông, chưa kể chỉ đạo từ các bộ ngành về tăng cường hoạt động giáo dục STEM, kỹ năng sống… Do đó, các trường cần cân đối dung lượng và khi triển khai phải có sự đồng thuận của phụ huynh. Trong đó, công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhật Phương
#