Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non sáng 14.8, tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn thành phố có 474 trường mầm non công lập, 774 trường dân lập - tư thục. Trong đó, trẻ theo học tại các trường công lập chiếm tỷ lệ 38,7%, còn lại 61,3% trẻ học tại trường dân lập - tư thục.
Ngoài ra, trên địa bàn TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện còn có 1.955 nhóm lớp độc lập tư thục đang hoạt động, tăng 219 nhóm lớp so với cuối năm học 2022-2023.
Năm học 2023-2024, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, sửa chữa các công trình trường mầm non với tổng kinh phí hơn 294 tỷ đồng.
Theo Phòng Giáo dục mầm non, một trong những khó khăn của bậc học này là số lượng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm tỷ lệ cao nhưng gặp vướng mắc trong việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp.
Trong khi đó, với cơ sở giáo dục mầm non công lập, việc chi trả lương cho đội ngũ nhân viên diện hợp đồng gặp khó khăn vì ngân sách nhà nước không cấp để chi trả lương cho đối tượng này.
Đánh giá cao nỗ lực của các cơ sở giáo dục, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh Lê Thụy Mỵ Châu, dù áp lực gia tăng dân số cơ học khá cao nhưng các cơ sở giáo dục nói riêng, chính quyền địa phương nói chung đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm chỗ học cho người dân trên địa bàn. Trong đó, năm học 2023-2024, số lượng trường chuẩn quốc gia và trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế đều tăng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị, cơ sở giáo dục quan tâm công tác đón trẻ đến trường đầu năm học mới, tăng cường các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần. Toàn ngành đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện chương trình giáo dục, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và tăng cường công tác truyền thông.