1. Chuyển đổi số đóng vai trò là nền tảng cơ bản đổi mới giáo dục
Năm 2023 đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh trong chuyển đổi số giáo dục. Cụ thể, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Đề án 06 đạt tỷ lệ 90%.
Từ nền tảng chuyển đổi số đã thực hiện, ngành đã áp dụng bản đồ GIS để thực hiện tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn thành phố. Đây được xem là đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, công bằng, minh bạch, bảo đảm hiệu quả bố trí học sinh học ở các trường gần nhà, tạo thuận tiện cho phụ huynh đưa đón.
Cùng với đó, toàn ngành triển khai phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho học sinh tại những nơi có điều kiện khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật theo mô hình Lớp học số.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục còn đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại (tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LCMS, LMS...), xây dựng và phát triển học liệu số ở tất cả các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Toàn ngành phấn đấu thực hiện công trình xây dựng 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).
2. Nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện
Ngành giáo dục mầm non thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đổi mới các bài tập vận động.
Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai thành công sự kiện “Năng lượng mới - cả ngày vui” góp phần nâng cao tầm vóc Việt cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời. Việc đổi mới các hoạt động giáo dục hướng đến phát triển thể chất để trẻ có thể lực tốt, năng lượng tích cực, hướng đến rèn luyện thể chất góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ một cách toàn diện.
3. Đổi mới phương pháp dạy học
Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, chú trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Cụ thể, giáo dục tiểu học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng như tổ chức Hội thi nhạc kịch lịch sử bằng tiếng Anh, Ngày hội “Em yêu sử Việt”... giúp học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, vui tươi.
4. 100% học sinh THCS được hỗ trợ học phí
Học sinh THCS ở TP. Hồ Chí Minh đã được miễn học phí từ năm học 2022-2023. Mới đây, nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND quyết định tiếp tục miễn học phí cho học sinh THCS năm học 2023-2024.
Như vậy, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng sớm 2 năm so với lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS.
Tổng kinh phí thực hiện miễn học phí cho học sinh THCS là 1.114 tỷ đồng.
5. Thực hiện “Trường học hạnh phúc”trong các cơ sở giáo dục
TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ tiêu chí với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường; dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: kết nối với bản thân - kết nối với người khác - kết nối với thế giới tự nhiên.
Mục tiêu của trường học hạnh phúc là góp phần xây dựng hình ảnh con người TP. Hồ Chí Minh “sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”. Từ đó, hình thành mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường, tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực.
6. Ngành giáo dục và đào tạo đồng hành cùng doanh nghiệp
Lần đầu tiên ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục và đào tạo vào đầu năm học 2023-2024. Mục tiêu của buổi đối thoại nhằm lắng nghe doanh nghiệp trình bày những vấn đề khó khăn, thắc mắc cần giải đáp.
108 doanh nghiệp tham gia và đăng ký đối thoại tại hội nghị. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn vướng mắc về đất đai, đội ngũ, cơ sở vật chất, sử dụng lao động người nước ngoài, chuyên môn trong giảng dạy, thực hiện chế độ chính sách...
7. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục
Năm 2023, các trường học ở TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đây là một dấu ấn quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên thành phố.
100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách trang trọng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế cả về văn hóa vật thể, phi vật thể, trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện.
8. Tuyển dụng viên chức, thu hút nhân tài
Sở GD-ĐT đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tìm kiếm nguồn cán bộ quản lý chất lượng cho cơ sở giáo dục trong năm học 2023 - 2024.
Đồng thời, triển khai tuyển dụng viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định hiện hành. Qua đó, khuyến khích được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tham gia tuyển dụng với chế độ đãi ngộ, phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng.
9. Xã hội học tập
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố phục vụ công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Với chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 đã lan tỏa đến các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các cấp học.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã gửi hồ sơ cho UNESCO để trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
10. Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn Thành phố
Năm 2023, Hội đồng hiệu trưởng TP. Hồ Chí Minh được kiện toàn và mở rộng thành viên tham gia là các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Công an.
Các trường đại học thành viên Hội đồng hiệu trưởng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp thành phố và quốc tế; Khai thác góc nhìn học thuật của các nhà khoa học đối với những vấn đề thực tiễn, làm cơ sở để thành phố nghiên cứu, ban hành các chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.