Thủ tướng chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21.12 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Theo Chỉ thị, trong những năm qua, việc bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh.

Theo Thủ tướng, tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách.

Chính phủ sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Bộ GD-ĐT được yêu cầu chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh và yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm. Đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm.

Bộ Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy đua xe.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học; Khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng...

Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị gửi thông báo về trường -0
Học sinh tại Lâm Đồng học về an toàn giao thông

Trước đó, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ trì Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông  đối với học sinh. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, từ ngày 15.12.2022 đến ngày 14.10.2023, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người. Tỷ lệ TNGT xảy ra từ khoảng thời gian 18-24h, chiếm tỉ lệ cao nhất, chiếm 40,25%; từ 12-18h chiếm 31,61%; từ 6-12h chiếm 21,97%, và từ 0-6h chiếm 6,15%.

Tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh do nhiều nguyên nhân, gồm đi không đúng phần đường, làn đường quy định (chiếm 21,41%); không chú ý quan sát (19,39%); chuyển hướng không đúng quy định (11,77%); tránh, vượt không đúng quy định (7,06%); không nhường đường (4,71%); không giữ khoảng cách an toàn (3,36%); sử dụng rượu bia (2,69%); không chấp hành biển báo đường bộ (3,14%), đi bộ qua đường không đúng quy định (3,14%).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đánh giá, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe.

Đáng chú ý, trong 10 địa phương có tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cao nhất cả nước, có 8 địa phương là các tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, và Bến Tre.

Giáo dục

Món quà mừng năm mới - trái ngọt được tạo nên từ những con số biết nói của Trường Phổ thông liên cấp Newton
Giáo dục

Món quà mừng năm mới - trái ngọt được tạo nên từ những con số biết nói của Trường Phổ thông liên cấp Newton

Những chương trình ký kết quan trọng mang đến nhiều cơ hội học tập và phát triển cho học sinh; hàng trăm giải thưởng mà học sinh và giáo viên nỗ lực gặt hái; hàng chục sự kiện, hoạt động ngoại khóa và chương trình trải nghiệm… đã cùng tạo nên một học kỳ rực rỡ và đáng nhớ của Trường Phổ thông liên cấp Newton (Vĩnh Phúc), thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest.

Thông tư 30: Tuyển sinh lớp 10, không lặp lại một môn thi quá 3 năm liên tiếp
Giáo dục

Thông tư 30: Tuyển sinh lớp 10, không lặp lại một môn thi quá 3 năm liên tiếp

​Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 30/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT). Theo đó, môn tự chọn tại kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn. Đồng thời môn thi này không lặp lại ba năm liên tiếp. 

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ phương thức xét tuyển đại học sớm
Giáo dục

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ phương thức xét tuyển đại học sớm

Xét tuyển đại học sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.