Tại đây, Đoàn công tác số 1 đã đến kiểm tra tại điểm thi Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm), địa điểm in sao, điểm chấm thi và làm việc với Ban Chỉ đạo thi TP. Hà Nội.
Gần 109.000 thí sinh dự thi, điều động trên 15.000 cán bộ tham gia công tác coi thi
Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm nay, toàn thành phố có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi tại 196 điểm thi thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Trong đó, có 94.935 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT và 13.638 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Sở GD-ĐT TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, giao nhiệm vụ cho Hiệu trưởng trường THPT, phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phổ biến, tập huấn, quán triệt về Quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
TP. Hà Nội đã điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi cùng gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.
Sở GD-ĐT thành lập Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi ở các khâu của kỳ thi, thành lập các điểm thi, các đoàn/tổ thanh tra, giám sát kỳ thi. Sở GD-ĐT cũng chuẩn bị các phương án bố trí cơ sở vật chất cho công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi đảm bảo đúng Quy chế thi, thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các điểm thi, địa điểm chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm, làm phách bài thi tự luận, địa điểm in sao đề thi đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế thi.
Trong thời gian chuẩn bị, diễn ra kỳ thi, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã hoàn thiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi. Chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi tình hình diễn biến của dịch bệnh, mưa bão, cấp điện,... để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị và các phương án đảm bảo tổ chức kỳ thi tại các quận, huyện, thị xã và các Điểm thi trên địa bàn thành phố theo đúng quy định, Quy chế của kỳ thi.
Là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn, phức tạp, TP. Hà Nội kiến nghị với Bộ GD-ĐT quy định về thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học, giúp cho các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương. Đồng thời, quy định rõ hơn về danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi, tránh gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, dễ tạo cho thí sinh có sự lợi dụng sử dụng công nghệ cao trong việc gian lận thi.
Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP. Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Công an TP. Hà Nội đã triển khai, xây dựng kế hoạch từ rất sớm; chủ động các phương án rà soát, chuẩn bị trang thiết bị, phân công lực lượng chủ chốt ở các điểm thi, các khâu của kỳ thi.
Công an TP. Hà Nội cũng đã triển khai tập huấn các nội dung về phát hiện thiết bị gian lận thi cử đối với nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi.
Tất cả mọi chủ thể tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác số 1 đã lưu ý với TP. Hà Nội về các nội dung phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại điểm thi, điểm in sao, điểm chấm thi; rà soát, phòng chống nguy cơ sử dụng thiết bị cao gian lận trong kỳ thi; tập huấn đội ngũ nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi; công tác hỗ trợ thí sinh, đặc biệt là các thí sinh yếu thế, khuyết tật, đảm bảo quyền lợi cho của học sinh; xây dựng các phương án xử lý tình huống bất thường xảy ra.
Nhấn mạnh vai trò công tác truyền thông về kỳ thi, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Huy Nam nhận định, trong thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền về kỳ thi. Tuy nhiên, từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông.
“Truyền thông không chỉ cho thí sinh dự thi, cán bộ thực hiện công tác thi mà cần cả sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và toàn xã hội để kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, theo đúng quy định, Quy chế của kỳ thi”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Huy Nam nói.
Kiểm tra thực tế và qua báo cáo của thành phố, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động của TP. Hà Nội trong việc chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành liên quan để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Tuy số lượng thí sinh dự thi đông, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi lớn nhưng các khâu của kỳ thi được Hà Nội thực hiện bài bản, nghiêm túc.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong rằng, với kết quả đạt được của những năm qua, của nhiều kỳ thi, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy, chủ động, khẩn trương, quyết liệt, rõ vai, rõ việc trong công tác chỉ đạo trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Nhấn mạnh vai trò, tính nghiêm túc, bảo mật của kỳ thi, Thứ trưởng lưu ý, tất cả mọi chủ thể tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn; tập huấn ở tất cả các khâu để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, tránh xảy ra sai sót ở bất kỳ khâu nào kỳ thi.
Thứ trưởng cũng lưu ý với Ban Chỉ đạo thi TP. Hà Nội về công tác phối hợp với các sở, ban, ngành. Phối hợp phải nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt cho cả kỳ thi.
“Để kỳ thi đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, thực hiện đúng quy định, Quy chế kỳ thi. Ngoài ra, công tác truyền thông phải theo đúng tinh thần chủ động, kịp thời, khách quan, chính xác”, Thứ trưởng lưu ý.
Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc và những lưu ý của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, kỳ thi đang đến rất gần, vì vậy tất cả các khâu, các địa điểm, các nhân sự đều phải quán triệt, rà soát, thận trọng.
"Với tính chất quan trọng của kỳ thi, TP. Hà Nội sẵn sàng, chủ động các phương án, triển khai kỹ lưỡng, trách nhiệm để kỳ thi diễn ra đạt kết quả cao, đúng Quy chế và quy định của pháp luật", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP. Hà Nội, năm 2024, toàn thành phố có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 94.935 thí sinh (trong đó có 4.175 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.638 thí sinh (trong đó có 446 thí sinh tự do).
Số thí sinh đăng ký dự thi theo từng môn như sau: Môn Toán có 107.232 thí sinh, môn Vật lí có 29.576 thí sinh, môn Hóa học có 29.516 thí sinh, môn Sinh học có 29.144 thí sinh, môn Ngữ văn có 107.271 thí sinh, môn Lịch sử có 77.447 thí sinh, môn Địa lí có 77.361 thí sinh, môn Giáo dục công dân có 63.061 thí sinh, môn tiếng Anh có 88.424 thí sinh, môn tiếng Nga có 2 thí sinh, môn tiếng Pháp có 185 thí sinh, môn tiếng Trung có 681 thí sinh, môn tiếng Đức có 83 thí sinh, môn tiếng Nhật có 288 thí sinh và môn tiếng Hàn có 142 thí sinh.
Thành phố bố trí 4.532 phòng thi, trong đó có 201 phòng thi ghép; số phòng chờ là 176 phòng, số phòng thi dự phòng là 392 phòng. Bố trí 196 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Về phương án điều động cán bộ, giáo viên coi thi: Thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi. Theo Quy chế thi, cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình, Trưởng điểm thi và Phó Trưởng điểm thi không cùng một đơn vị, mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau. Để đảm bảo Quy chế thi, tại mỗi điểm thi, cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THPT đến từ quận/huyện/thị xã lân cận và cán bộ coi thi là giáo viên của các trường THCS tại quận/huyện/thị xã nơi đặt điểm thi.
Hà Nội đã bố trí 566 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi (trong đó điểm thi dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra; từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra; tăng cường thêm thanh tra ở những điểm thi có phòng thi bố trí không tập trung). Đồng thời, thành lập Tổ giám sát gồm 14 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên là Lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở GD-ĐT và Thanh tra Thành phố.