Thu Hường từng là cựu học sinh lớp chuyên Địa của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc. Em tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực Duyên hải đồng bằng Bắc bộ, Trại hè Hùng Vương và đều giành giải Nhất hoặc Huy chương vàng.
Sau khi giành giải Ba vào năm lớp 12, Hường đạt giải Nhì học sinh Giỏi quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Đông phương học.
Thu Hường cho biết, việc lựa chọn ngành học được cho là "hot" nhất của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bởi muốn học thêm một ngôn ngữ mới, cũng như hiểu biết hơn về đất nước mới. Trong các ngôn ngữ, Hường hứng thú nhất với tiếng Trung và đất nước Trung Quốc bởi có nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt.
Tại đại học, ngay từ năm đầu tiên, nữ sinh Vĩnh Phúc đã đạt danh hiệu "Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất ngành Đông phương học năm 2020 - 2021"; giành học bổng khuyến khích học tập của trường. Em cũng liên tục duy trì điểm số tích cực trong suốt 4 năm.
Để đạt được các thành tích này, Hường cho biết không có chiến lược học cụ thể. Bí kíp duy nhất của em đó là luôn cố gắng và chăm chỉ. Tuy trong lớp rất nhiều sinh viên giỏi, nhưng bằng sự quyết tâm và nỗ lực, Hường tự tin bản thân không thua kém các bạn.
"Trong quá trình học, em luôn cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất. Em quan niệm đã làm sẽ phải chỉn chu và cẩn thận. Bài làm trước hết phải khiến bản thân hài lòng thì khi nộp mới có khả năng làm thầy cô hài lòng", Thu Hường nhấn mạnh.
Chọn chuyên ngành Trung Quốc học, Hường phải học tiếng Trung từ đầu. Do tính chất ngành học khá nặng, để đảm bảo có thể hiểu và nắm vững bài, em thường tập trung nghe giảng trên lớp, ghi chép lại kiến thức thầy cô dạy và dành thời gian ôn tập tại nhà. Bài tập, tiểu luận thường được em hoàn thành trước hạn nộp 1-2 ngày để có thời gian kiểm tra lại.
"Việc biết thêm một ngôn ngữ như sống thêm một cuộc đời. Bởi ngôn ngữ không chỉ là công cụ bổ trợ mà còn là "vũ khí" giúp sinh viên hội nhập quốc tế, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và gia tăng mức thu nhập. Việc học ngôn ngữ quan trọng là phải thực hành nhiều thì mới có thể tiến bộ được", Hường nêu quan điểm.
"Yêu" học.... đến mức "cuồng" học
Với thành tích học tập thường xuyên đạt top đầu, Thu Hường được các bạn cùng lớp đánh giá là một người thích học, yêu học... đến mức "cuồng" học. Tuy vậy, Hường cho biết không phải lúc nào cũng học một cách điên cuồng. Chỉ khi đứng trước một kỳ thi lớn, thực sự quan trọng, em mới dành nhiều thời gian cũng như toàn bộ công sức vào việc học. 2 kỳ thi nữ sinh học "điên cuồng" nhất là Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vào năm cấp 3 và thi chứng chỉ HSK6, KSKK cao cấp.
Hường nhớ lại giai đoạn ôn thi chứng chỉ tiếng Trung quốc tế (HSK) để thuận lợi cho công việc sau này. Em dành thời gian cả ngày để ôn thi. Buổi sáng sẽ luyện Nghe, Đọc, Viết, phấn đấu mỗi ngày làm một đề. Buổi tối, em xem lại các lỗi sai và học từ vựng.
Hường cũng dán giấy nhớ khắp phòng trọ, để màn hình điện thoại với lời nhắc nhở "Học đi" và ôn theo lịch thi HSK. Quy trình đó diễn ra liên tiếp trong 1 tháng, và Hường dành toàn bộ thời gian để học. Sau hơn hai tháng ôn tập, nữ sinh đã đạt HSK 6 (cấp cao nhất) và HSKK 65/100 điểm.
"Dù làm bất kỳ việc gì khác như nấu cơm, ăn uống,.. em cũng cảm thấy mình đang lãng phí thời gian. Em thường tranh thủ làm mọi thứ một cách nhanh chóng, để có thêm nhiều thời gian học", nữ sinh Vĩnh Phúc nói.
Hiện Thu Hường đang cân nhắc ứng tuyển học bổng chính phủ Trung Quốc để học lên cao hoặc đi làm. Dù theo định hướng nào, em cũng cố gắng tận dụng tốt nhất những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được trong thời gian vừa qua để không ngừng phát triển và đạt thêm nhiều thành tích.