Tăng tốc, nỗ lực để đồng hành cùng học trò
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 27.6-30.6, như vậy, chỉ còn gần 3 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi quan trọng. Kết quả của kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà còn được các trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển.
Dự định dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), TrườngĐH Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Phương Nhi (Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cảm thấy khá lo lắng khi đây đều là những trường có mức điểm trúng tuyển cao, bởi vậy, áp lực trước kỳ thi càng lớn hơn nữa.
Thời điểm này, lịch học mỗi ngày của Nhi đều bắt đầu từ 5-6h sáng và kết thúc vào đêm muộn. Ngoài thời gian học chính khóa tại trường, Nhi còn tham gia ôn thi lại nhiều lớp luyện thi khác nhau bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp với mong muốn chuẩn bị kiến thức chắn chắn trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để không quá tải kiến thức, Nguyễn Phương Nhi thường tự lập 1 thời khóa biểu ôn tập, phân chia thời gian cho từng môn học vào đầu tuần. Ngoài việc học thêm tại các trung tâm luyện thi, em cũng dành thời gian để tự học ở nhà.
Không chỉ học sinh, các thầy cô giáo cũng đang tăng tốc, nỗ lực để đồng hành cùng học sinh, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh, không khí dạy và học ở khối 12 cũng đang khẩn trương, sôi nổi hơn bao giờ hết.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh lớp 12 năm nay trải qua thời gian dài học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những em không tự giác học, kiến thức bị hổng khá nhiều, do đó, nhà trường phải tăng thời lượng ôn tập, giúp các em củng cố kiến thức trong giai đoạn ôn thi nước rút để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Cũng theo thầy Bình, trong giai đoạn nước rút, cả thầy và trò đều tập trung cao độ, dồn sức cho việc ôn tập. Đến nay, các lớp 12 đã gần hoàn thành chương trình học chính khóa, chủ yếu tập trung củng cố nâng cao kiến thức. Ngoài việc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi giáo viên trong trường đều chủ động tìm hiểu thông tin về các kỳ thi riêng của các trường đại học để tư vấn, hướng dẫn tốt nhất cho học sinh.
Lắng nghe và giải tỏa những tâm tư, lo lắng của học sinh
Ngay từ đầu học kỳ 2, bên cạnh việc hoàn thành chương trình theo khung thời gian của năm học, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạo tại tài khoản trên Hanoistudy để học sinh dễ dàng làm các bài khảo sát và phụ huynh có thể theo dõi kết quả học tập của con, từ đó phối hợp hiệu quả hơn với nhà trường, hỗ trợ học sinh trước kỳ thi.
Bên cạnh đó, Trường THPT Hoàng Văn Thụ cũng đã tiến hành khảo sát, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phân loại học sinh theo từng nhóm để có kế hoạch và nội dung ôn tập phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng những học sinh có khả năng và nguyện vọng thi vào các trường đại học chất lượng cao và nhóm học sinh yếu kém.
Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ Nguyễn Minh Phi cho biết, ngay từ đầu tháng 3, ở từng môn học, nhà trường đã chọn ra những em có học lực kém hơn để cử giáo viên giảng dạy, hỗ trợ các em. Các lớp học này hoàn toàn miễn phí.
“Hiện tại các lớp vẫn thực hiện đúng phân phối chương trình, tuy nhiên vào trung tuần tháng 5, khi kết thúc chương trình chính khóa, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn thi cho học sinh trên tinh thần tự nguyện với mức học phí 7.000 đồng/tiết học. Cũng vào giữa tháng 5, học sinh khối 12 toàn trường sẽ tham dự 1 kỳ thi thử khác, các kỳ thi được thực hiện miễn phí với mục đích đánh giá năng lực và giúp các em làm quen dần với kỳ thi”, thầy Nguyễn Minh Phi nói.
Hiểu rõ những căng thẳng, áp lực của học sinh cuối cấp đang gặp phải, bên cạnh việc giáo dục kiến thức, Trường THPT Hoàng Văn Thụ còn rất chú trọng đến việc tư vấn tâm lý, giúp các em giải tỏa những nỗi lo mùa thi.
Việc tư vấn tâm lý không chỉ diễn ra trong phòng tham vấn tâm lý học đường, trong các tiết sinh hoạt lớp, các thầy cô giáo trong ban giám hiệu còn luân phiên để dự giờ, lắng nghe những tâm tư, lo lắng của học sinh, từ đó kịp thời tư vấn, động viên các em để ôn thi hiệu quả và bớt áp lực.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, PGS,TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) lưu ý các nhà trường, học sinh lớp 12 năm nay dù không còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng các em cũng có 2 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, chương trình lớp 11 đã được tinh giản sẽ không đưa vào nội dung đề thi, các nhà trường cần giảm bớt kiến thức trong việc ôn tập cho học sinh.
Ông Thành cũng khẳng định, trong quá trình ôn tập, học sinh cần nắm vững kiến thức, kỹ năng theo mức độ cần đạt của chương trình một cách có hệ thống; trong đó tập trung ôn tập, hệ thống hóa kiến thức của chương trình lớp 12 và những kiến thức có liên quan, tiếp nối từ lớp 10, lớp 11 để nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12. Học sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập đối với từng môn học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.