Theo chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đồng sáng lập và Giám đốc điều hành học viện G.A.P, trên thế giới, những định nghĩa đầu tiên về dạy tích hợp đã được đưa ra từ những năm 1970.
Chẳng hạn, người ta nói rằng việc dạy tích hợp là kết hợp về mặt nội dung của nhiều môn học, “đầu ra” phải dùng để giải quyết toàn diện một vấn đề nào đó trong cuộc sống, học sinh dùng những lăng kính khác nhau của các môn học để nhìn vào vấn đề đó.
Giáo sư John Dewey (1859-1952) nói rằng, việc dạy học tích hợp là kết hợp nhiều môn, liên môn, đa ngành, từ đó làm tăng trải nghiệm học tập của học sinh. Chỉ khi học sinh được tăng trải nghiệm, mối quan tâm của họ đến việc học được thúc đẩy, tăng lên, lúc đó học sinh mới học được tốt nhất.
Hay Giáo sư Vygotsky - nhà xã hội học, “người cha đẻ” của rất nhiều lý thuyết về giáo dục cũng nói: Học sinh sẽ có quá trình tự xây dựng được những tri thức của họ một cách tích cực khi có cơ hội học một cách độc lập và hợp tác, tức là có những môn học sinh cần học độc lập, có những môn cần hợp tác, kết hợp nhiều thứ lại. Lúc đó, học sinh sẽ tự xây dựng được tri thức.
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu cho biết, trên thế giới có nhiều mô hình dạy tích hợp được đánh giá rất toàn diện. Nhìn vào cách thế giới triển khai các mô hình này, chúng ta có thể sẽ thấy được những điểm rất ưu việt, từ đó rút ra bài học nhất định cho thầy cô phổ thông tại Việt Nam khi triển khai dạy tích hợp.
Chương trình tú tài quốc tế (IB)
Theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, tú tài quốc tế là chương trình rất lâu đời, tính phổ biến rất cao. Chương trình tú tài quốc tế có mặt trên thế giới hơn 50 - 60 năm nay và đã được 150 quốc gia công nhận. Những trường đại học xếp hạng xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới (những trường lớn tại Mỹ, Anh, Singapore,…) đều công nhận chương trình tú tài quốc tế, coi đây là một chuẩn của giáo dục bậc phổ thông.
Lấy ví dụ về môn Toán trong chương trình tú tài quốc tế, chuyên gia Lê Đình Hiếu cho biết, chương trình này có 12 mục tiêu đầu ra ở môn Toán.
Trong đó, mục tiêu đầu ra số một hoàn toàn không nói đến kiến thức về môn Toán, thay vào đó là “phát triển được trí tò mò, sự yêu Toán ở học sinh; làm sao để học sinh cảm thấy trân trọng sự tinh tế và sức mạnh của môn Toán”.
Các mục tiêu khác được hướng tới là học sinh có khả năng giao tiếp, giải thích, trình bày, thuyết trình các vấn đề Toán học một cách rõ ràng, súc tích, tự tin trong nhiều bối cảnh khác nhau; Phát triển được khả năng logic và sáng tạo, phát triển được sự kiên trì của trẻ, phát triển được sự kiên tâm, kiên định, nỗ lực trong quá trình giải quyết vấn đề.
Một mục tiêu đầu ra khác trong môn Toán của chương trình này là làm sao giúp học sinh cảm thụ được những câu hỏi liên quan đến đạo đức, liên quan đến xã hội, liên quan đến các vấn đề về tinh thần đến từ việc áp dụng môn Toán trong cuộc sống.
“Rõ ràng, chúng ta nhìn thấy ở chương trình tú tài quốc tế, chuẩn đầu ra của môn Toán bao gồm rất nhiều kỹ năng mềm, bộ năng lực cốt lõi. Họ xem môn Toán là một công cụ được sử dụng và kết hợp với nhiều môn khác để dẫn đến việc phát triển những kỹ năng, năng lực này cho học sinh”, ông Hiếu nhận định.
Chuyên gia Lê Đình Hiếu đưa ra dẫn chứng về một bài tập Toán trong sách giáo khoa của chương trình tú tài quốc tế.
Cụ thể, người ta đưa ra một biểu đồ thể hiện thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia và yêu cầu học sinh nêu 4 loại thông tin được thể hiện trong biểu đồ này; hỏi học sinh nghĩ rằng những dữ liệu này đã được thu thập như thế nào, có chính xác hay không, khả năng chính xác là bao nhiêu phần trăm? Những câu hỏi đầu tiên được gợi mở hầu như không hề liên quan đến môn Toán, mà liên quan đến những kiến thức xã hội, vấn đề về kinh tế, tài chính.
“Chúng ta có thể thấy, cách tiếp cận, xây dựng môn Toán ở chương trình tú tài quốc tế tích hợp rất nhiều những lĩnh vực khác nhau”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, một đặc trưng khác của chương trình tú tài quốc tế là trong môn Toán, học sinh phải viết luận văn rất nhiều và có một bài luận văn cuối năm. Tức là bên cạnh các bài thi, bài tập tự luận hoặc trắc nghiệm để làm bài cuối học kỳ, người ta còn yêu cầu học sinh phải làm một báo cáo nghiên cứu sử dụng Toán với đề tài rất rộng. Chẳng hạn như: dùng kiến thức của môn Toán để phân tích về các vấn đề của nước sạch.
Báo cáo nghiên cứu này được viết vào cuối học kỳ, dài khoảng 5.000 đến 7.000 từ, tương đương khoảng 10 - 15 trang giấy. Khi viết luận văn, kỹ năng viết cũng như kỹ năng tìm hiểu, nghiên cứu của học sinh được tăng lên rất nhiều.
Mô hình 4 bước của dạy học tích hợp phát triển bởi Đại học Utrecht, Hà Lan
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu cũng chia sẻ về mô hình 4 bước của dạy học tích hợp, được phát triển bởi Đại học Utrecht, Hà Lan.
Theo mô hình này, bước 1 của việc dạy học tích hợp là phải xác định được những nhóm kiến thức, nền tảng của từng môn học; phải hiểu, xác định được ở cấp, lớp học này thì những kiến thức nền tảng nào của các môn học có liên quan mà học sinh cần có.
Bước 2, khi xây dựng mô hình học tập tích hợp, phải tập thói quen đưa ra một vấn đề và nhìn vấn đề đó bằng nhiều lăng kính của từng môn học. Ví dụ, với vấn đề về nước sạch thì Toán học sẽ nhìn nhận như thế nào? Vật lý sẽ nhìn về vấn đề này như thế nào? Xã hội học sẽ nhìn vấn đề này như thế nào? Hóa học sẽ nhìn vấn đề này như thế nào? Chúng ta nhìn cùng một vấn đề, từ những lăng kính khác nhau của từng môn học.
Bước 3, tìm kiếm những điểm chung, hướng tiếp cận chung trong các môn học.
Bước 4, tìm cách giao thoa và kết hợp các góc nhìn này để giúp học sinh phát triển được sự hiểu biết và đưa ra được những giải pháp mới để giải quyết vấn đề.
“Như vậy, rõ ràng trong dạy học tích hợp, một trong những kỹ năng quan trọng của thầy cô là phương pháp dạy học bằng dự án. Bởi dạy học bằng dự án mới giúp chúng ta tích hợp được nhiều vấn đề lại”, ông Hiếu cho hay.
Mô hình dạy học tích hợp ở bậc phổ thông của Phần Lan
Chuyên gia Lê Đình Hiếu cũng giới thiệu về cách đất nước Phần Lan triển khai dạy học tích hợp ở bậc phổ thông, thông qua mô hình được sử dụng trong chương trình giáo khoa toàn quốc dành cho bậc học cấp 3 tại Phần Lan, ban hành vào năm 2019.
Theo đó, chuẩn đầu ra trong dạy học tích hợp bao gồm 6 năng lực cốt lõi mà học sinh phổ thông học thông qua phương pháp dạy học tích hợp phải phát triển được. Cụ thể:
Thứ nhất, khả năng tự nhận thức, tự thấu hiểu, tự chăm sóc bản thân.
Thứ hai, khả năng tương tác và giao tiếp (thông qua việc giao tiếp, làm việc nhóm, thảo luận, trình bày, phát biểu trước đám đông,…)
Thứ ba là sáng tạo liên ngành. “Có thể trong bối cảnh của ngành này, ý tưởng đó là không sáng tạo. Nhưng khi chúng ta lấy ý tưởng đó đưa sang một ngành khác, có thể nó lại mới. Đó là sáng tạo liên ngành. Như vậy, một trong những năng lực cốt lõi có thể phát triển được cho học sinh thông qua việc dạy học tích hợp là các em đem được những nét mới từ nhiều môn khác nhau đan xen, đối chiếu lẫn nhau để tạo ra sự sáng tạo liên ngành”, chuyên gia Lê Đình Hiếu phân tích.
Thứ tư là năng lực cốt lõi về xã hội - những vấn đề về xã hội, cộng đồng.
Thứ năm, phát triển được năng lực ở những vấn đề liên quan đến đạo đức, bền vững môi trường.
Thứ sáu là những năng lực liên quan đến các vấn đề quốc tế, văn hóa.
Chuyên gia Lê Đình Hiếu nhấn mạnh, trong giáo dục bậc phổ thông của Phần Lan, những tiêu chuẩn đầu tiên được đưa ra cho học sinh là 6 bộ năng lực cốt lõi nói trên. Sau đó, người ta mới bắt đầu lồng ghép những năng lực này với các môn học khác nhau.
“Ví dụ, người ta kết hợp 2 môn Hoá học và Lịch sử. Câu hỏi đặt ra là: đâu là những kiến thức nền tảng bắt buộc phải biết trong Hóa học, đâu là những kiến thức nền tảng bắt buộc phải biết trong môn Lịch sử, đâu là những kiến thức mở rộng ở 2 môn học này? Khi đã xác định được những vấn đề trên, họ sẽ đặt ra câu hỏi làm sao để tương tác, kết hợp kiến thức của môn Hóa học và môn Lịch sử với nhau? Họ đặt ra các vấn đề liên quan đến 2 môn này, để đồng thời phát triển được 6 bộ năng lực cốt lõi cho học sinh”, ông Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, những người làm giáo dục Phần Lan cũng đưa ra lưu ý rất quan trọng: bất cứ một nội dung lõi nào trong giáo dục, để hay và hấp dẫn nhất thì phải gắn liền với bối cảnh của thực tiễn. Như vậy, khi có nội dung lõi, câu hỏi đặt ra là đặt lên bối cảnh thực tiễn nào để làm cho bài học trở nên hấp dẫn và mang tính thực tiễn, thú vị đối với học sinh.
Dự án dạy học tích hợp được sử dụng trong chuẩn giáo khoa của Mỹ
Tại Mỹ, theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, trong dự án dạy học tích hợp được sử dụng ở chuẩn giáo khoa của đất nước này, cách đặt ra vấn đề không phải là “dạy cái gì trong môn Toán” hay “dạy cái gì trong môn Vật lý”. Thay vào đó, người ta đưa ra một dự án và chuẩn bị những kiến thức ở các môn học có liên quan đến dự án.
Ví dụ, với dự án về vấn đề “ô nhiễm không khí tại thành phố New York (Mỹ)”. Trong quá trình chuẩn bị dự án, thầy cô cần lên kế hoạch: Để học sinh tiến hành dự án và giải quyết được bài toán là ô nhiễm không khí tại thành phố New York, cần bao nhiêu thời gian? Cần những giáo viên nào phối hợp với nhau để xây dựng bài giảng? Cần những nguồn tài liệu nào? Cần dùng những cơ sở vật chất nào? Cần công cụ nào để hỗ trợ cho các em trong quá trình học? Đặc biệt, vấn đề rất quan trọng là nên mời thêm chuyên gia nào để cùng tham gia, hỗ trợ?
Sau đó, từ góc độ của các môn học: Trong những môn học xã hội, môn nào có liên quan đến dự án này? Trong những môn học về ngôn ngữ, kiến thức nào có liên quan đến dự án này? Trong những môn học về toán và khoa học, kiến thức nào có liên quan đến dự án này? Các thầy cô sẽ phải liệt kê ra các danh mục về kiến thức, khái niệm để chuẩn bị cho học sinh.
“Như vậy, cái chúng ta trình bày ra cho học sinh là một dự án các em cần nghiên cứu, đánh giá, đưa ra giải pháp để giải quyết. Để làm được, các em sẽ cần sử dụng những kiến thức ở một số môn học”, ông Hiếu nói.
Với mô hình nói trên, thầy cô được khuyến khích nên phát triển một bộ những câu hỏi dẫn dắt để khi bước vào quá trình dự án, trong từng giai đoạn đoạn sẽ xác định được việc đặt những câu hỏi nào sẽ giúp học sinh tiến hành dự án tốt hơn.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, so sánh Chương trình GDPT 2018 của Việt Nam với các mô hình trên thế giới về dạy học tích hợp, có thể thấy, những năng lực trong mục tiêu đầu ra và cách tiếp cận không có sự khác biệt quá lớn.
Đưa ra vấn đề rất nhiều người cho rằng tại sao không dùng lại chương trình giáo dục phổ thông những năm 1990, 2002 hay 2006, PGS Thơ chia sẻ, Việt Nam đã tham gia vào hội nhập quốc tế, đã cam kết với những mục tiêu giáo dục thiên niên kỷ, trong đó điều quan trọng nhất là kiên trì mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng cho người học bước vào cuộc sống.
“Do đó, tôi cho rằng chúng ta không thể đi lại con đường cũ, vì như thế chỉ làm hài lòng một số người đang quen với cách dạy cũ, nhưng không thể chuẩn bị cho tương lai”, PGS Thơ nêu quan điểm.