Thầy giáo Hà Nội "mách nước" ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Vật lý đạt điểm cao

- Thứ Hai, 24/06/2024, 07:50 - Chia sẻ

Theo thầy Vũ Thế Anh, Tổ trưởng Tổ Vật lý - Công nghệ - Thể dục, Trường Trung học phổ thông (THPT) Khoa học Giáo dục (HES), để đạt điểm cao môn Vật lý Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần nắm chắc các kiến thức trọng tâm, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy và dành nhiều thời gian để luyện, giải đề. 

Đã có nhiều năm ôn luyện cho sinh viên, thầy Vũ Thế Anh cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Bởi vậy, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 các môn trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên/Khoa học Xã hội nói chung và môn Vật lý nói riêng cũng bám sát định hướng trong giai đoạn trên.

448930129_993800135455993_4608149205009374731_n.jpg -0
Thầy Vũ Thế Anh, Tổ trưởng Tổ Vật lý - Công nghệ - Thể dục, Trường Trung học phổ thông (THPT) Khoa học Giáo dục (HES)

Trong giai đoạn ôn thi "nước rút" để hoàn tất kiến thức trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, học sinh cần tham khảo một số lưu ý sau để đạt được kết quả tốt, tối ưu hoá điểm số trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học. 

Nắm chắc các nội dung trọng tâm

Với nội dung lý thuyết Vật lý, học sinh cần nắm được nội dung trọng tâm, chủ yếu gồm 7 chương trong chương trình Vật lý 12 (36 câu, tương đương 90%), kiến thức lớp 11 cũng chỉ ra ở mức độ cơ bản, chiếm khoảng 04 câu, tương đương 10% trong đề thi. Các em nên tránh việc học tràn lan, dàn trải, không học những kiến thức đã được tinh giản theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học phổ thông môn Vật lý.

Ma trận đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024

Bài thi: KHOA HỌC TỰ NHIÊN

Môn thi thành phần: VẬT LÝ

TT

Nội dung kiến thức theo chương/bài

Cấp độ nhận thức/tư duy

Tổng

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Vận dụng cao

I

LỚP 12

1

Dao động cơ

4

1

1

1

7

2

Sóng cơ

3

1

1

1

6

3

Dòng điện xoay chiều

4

1

2

1

8

4

Dao động và sóng điện từ

1

1

1

0

3

5

Sóng ánh sáng

3

1

0

1

5

6

Lượng tử ánh sáng

2

1

0

0

3

7

Hạt nhân nguyên tử

2

1

1

0

4

II

LỚP 11

1

Điện tích – Điện trường

1

0

0

0

1

2

Dòng điện không đổi

1

0

0

0

1

3

Dòng điện trong các môi trường

1

0

0

0

1

4

Từ trường

0

1

0

0

1

TỔNG:

22

8

6

4

40

TỈ LỆ PHẦN TRĂM:

55%

20%

15%

10%

100%

Hệ thống kiến thức đã học thông qua việc lập sơ đồ tư duy 

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh nên hệ thống kiến thức đã học thông qua việc lập sơ đồ tư duy, lập bảng tóm tắt, bảng so sánh (ví dụ như bảng sự tương đương của các đại lượng cơ và đại lượng điện, phục vụ cho việc làm các bài toán liên quan đến hệ thức độc lập với thời gian,…), ghi chú các công thức hay mẹo tính nhanh. Các phương thức này sẽ giúp học sinh nhớ sâu bài học, từ đó giải quyết nhanh các dạng toán liên quan.

Đồng thời, các em cần nắm vững lý thuyết trong sách giáo khoa. Các bài tập mức độ cơ bản phải làm thật chính xác, kỹ càng, không được chủ quan, hạn chế tối đa những sai sót có thể, đặc biệt với những câu hỏi “định tính” xuất hiện thường xuyên trong đề thi như: Đặc điểm của dao động cưỡng bức; đặc trưng sinh lí của âm; cấu tạo sơ đồ khối của máy phát thanh, máy thu thanh dùng sóng điện từ & công dụng của từng bộ phận; cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của máy phát điện xoay chiều; các loại quang phổ và các loại tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia X,…

nen-ly-thang-3_15320222017.jpg -0
Việc lập sơ đồ tư duy hay lập bảng tóm tắt sẽ giúp học sinh nhớ sâu bài học (Ảnh: ITN)

Tập trung luyện đề, chú ý kiến thức quan trọng ở phần Vận dụng và Vận dụng cao

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần dành nhiều thời gian luyện tập giải đề, tham khảo các đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD-ĐT hay các trường THPT trên cả nước để củng cố kiến thức đã học một cách đầy đủ và hệ thống. Qua đó biết cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý và rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho bản thân. 

"Trong quá trình ôn thi, các em cần kết hợp giữa việc học và nghỉ ngơi một cách hợp lý, tạo tâm lý thoải mái tự tin trước khi thi để đạt được kết quả tốt nhất", Thầy Thế Anh nhấn mạnh. 

Cũng theo thầy Thế Anh, một số kiến thức của môn Vật lý sẽ giúp tăng điểm số khi làm bài tập ở phần Vận dụng và Vận dụng cao. Cụ thể: 

Đối với chương Dòng điện xoay chiều, cần lưu ý các kỹ năng đọc đồ thị; Kỹ năng sử dụng biểu diễn phức (phức hoá) trong các bài toán liên quan đến viết phương trình của cường độ dòng điện, điện áp đối với đoạn mạch điện bất kỳ; kỹ năng vẽ giản đồ véctơ (Phương pháp Fre-nen); kỹ năng vận dụng các hệ quả khi hai đại lượng vuông pha nhau; kỹ năng chuẩn hoá số liệu và lập bảng, quy đổi với những bài toán về truyền tải điện năng đi xa, máy biến áp,…

Hay như đối với chương Hạt nhân nguyên tử, cần lưu ý các dạng bài tập nhà máy điện hạt nhân; Bài toán tỉ lệ số hạt nhân/tỉ lệ khối lượng hạt nhân hay những bài toán sử dụng đến khái niệm “độ phóng xạ” để tính niên hạn sử dụng của một lượng chất phóng xạ trong điều trị bệnh nhân ung thư (Câu 37, mã đề 201, đề thi Tốt nghiệp THPT 2021, nhóm câu Vận dụng cao) giúp bài toán được tính toán một cách đơn giản, ngắn gọn hơn.

Trang Nhung
#