Theo Công văn số 2158/BGDĐT-TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng Quy chế thi, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, khách quan.
Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GD-ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi và chỉ đạo của Bộ.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp phòng ngừa, phát hiện hạn chế, bất cập để xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có), kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm tiếp theo.
5 nội dung thanh tra, kiểm tra gồm các công tác: Chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Về công tác chuẩn bị thi, các bên liên quan tập trung thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, liên lạc tại địa điểm in sao đề thi, Hội đồng thi và Điểm thi; phương án vận chuyển đề thi, bài thi: Phương án bố trí các phòng tại Điểm thi; việc thực hiện quy định về đăng ký dự thi, đối tượng dự thi, xếp phòng thi.
Về công tác coi thi, chú trọng thanh tra, kiểm tra việc thành lập, điều kiện, tiêu chuẩn, thành phần của Ban coi thi, Ban thư ký và các ban có liên quan; việc bố trí, sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất tại Điểm thi; việc bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi; vận chuyển và bàn giao bài thi…
Công tác chấm thi cần chú ý thanh kiểm tra khu vực chấm thi, khu vực làm phách, khu vực bảo quản bài thi, việc nhập điểm bài thi tự luận; việc thực hiện quy trình về xử lý bài thi trắc nghiệm, chấm điểm, việc nhập điểm bài thi trắc nghiệm…
Trong việc phúc khảo bài thi, các đơn vị chức năng chú ý về thẩm quyền thành lập, điều kiện, tiêu chuẩn, thành phần của Ban phúc khảo và các ban có liên quan; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; bảo đảm an ninh an toàn tại khu vực phúc khảo; việc thực hiện quy trình phúc khảo bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm.
Về công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT, công tác thanh tra tập trung vào các đối tượng miễn thi, đặc cách tốt nghiệp; đối tượng bảo lưu điểm thi; việc cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích; quy trình tổng hợp và duyệt công nhận tốt nghiệp.
Bộ GD-ĐT đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn của người tham gia thanh tra, kiểm tra. Người tham gia thanh tra, kiểm tra là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục của địa phương đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD-ĐT; là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục hoặc người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, viên chức, giảng viên cơ hữu của đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng đối với đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT.
Người tham gia công tác thanh tra là cán bộ của Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường và được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2022; có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; đã tham dự tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài đánh giá sau tập huấn.
Bộ GD-ĐT quy định, những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức Kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Hội đồng thi nơi có người thân dự thi hoặc tham gia tổ chức thi.