Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học khi AI và ChatGPT “trỗi dậy”

- Thứ Ba, 10/10/2023, 14:18 - Chia sẻ

Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức Tọa đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học”. Toạ đàm là dịp để các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục đại học.

Toạ đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” thu hút hàng trăm đại biểu tham dự là các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên; đại diện các trường đại học có chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp có liên quan; đại diện các đối tác nước ngoài của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam: ĐH West of England, ĐH Coventry, ĐH Huddersfield, ĐH Lincoln, ĐH Leeds Beckett, ĐH Koblenz, ULB Solvay Brussels School, TMC Singapore, RMIT, BUV.

Toạ đàm là một trong những hoạt động của chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập Viện đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học khi AI và ChatGPT “trỗi dậy” -0
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các diễn giả tham dự Toạ đàm

5 diễn giả trình bày tại Toạ đàm gồm: PGS.TS Phạm Văn Hải, Chuyên gia AI & BigData, Trường Công nghệ Thông tin -Truyền Thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội; TS. Trần Thế Trung, Giám đốc khoa học FPT Smart Cloud; TS. Michal Bobula, Trường Kinh doanh và Luật, ĐH West of England;  TS. Reem Muaid, Trường Marketing và Quản lý, ĐH Coventry, UK và GS.TS Harald Von Korflesch, ĐH Koblenz, CHLB Đức.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong cuộc sống nói chung cũng như trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục đại học nói riêng, AI, ChatGPT tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng có rất nhiều thách thức.

Nếu chúng ta quản lý không tốt, những mặt tiêu cực sẽ luôn hiện hữu và làm giảm vai trò của giáo dục đào tạo là nâng cao trí tuệ, nâng cao kiến thức, nâng cao kỹ năng của đội ngũ học sinh, sinh viên hiện nay - chính là những người lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức và đất nước ngày mai.

Toạ đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” được tổ chức với mục tiêu giúp mọi người nhận thức rõ hơn cơ hội, tiềm năng của ChatGPT, AI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở bậc đại học, cũng như những mặt trái chúng có thể đem lại. Từ đó, chủ động phát huy tối đa mặt tích cực của AI và ChatGPT trong giáo dục đại học.

“Chúng tôi mong muốn sau chương trình Toạ đàm này, mọi người từ người học, người dạy tới những người quản lý giáo dục đại học sẽ nhìn nhận rõ hơn để phát huy tối đa vai trò của AI cũng như ChatGPT.

Đặc biệt, với những người vận hành, quản trị các cơ sở giáo dục đại học, chúng ta phải làm sao cùng với đội ngũ giáo viên đưa ra những công cụ hướng dẫn, những cách thức để một mặt vẫn tận dụng tối đa AI và ChatGPT, mặt khác cũng có những cách thức đánh giá, kiểm soát, đảm bảo tính liêm chính học thuật, chống các hiện tượng gian dối trong suốt quá trình học tập, giảng dạy, thi cử”, PGS.TS Lê Trung Thành cho hay.

Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học khi AI và ChatGPT “trỗi dậy” -0
Toàn cảnh Toạ đàm
Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học khi AI và ChatGPT “trỗi dậy” -0
Đại biểu tham dự Toạ đàm

Tại chương trình Toạ đàm, 5 diễn giả đã trình bày những tham luận đóng góp rất nhiều thông tin giá trị như “AI, Dữ liệu và Công nghệ trợ lý ảo trong giáo dục đại học” của PGS.TS Phạm Văn Hải; “Ảnh hưởng của AI đối với giáo dục và đào tạo tại các trường đại học” của TS. Trần Thế Trung;

“AI trong giáo dục đại học: Thách thức, cơ hội và tiềm năng” của TS. Michal Bobula; “Chuyển đổi giáo dục: Cuộc cách mạng AI sáng tạo” của TS. Reem Muaid; “AI và ứng dụng AI tại ĐH Koblenz, CHLB Đức” của GS.TS Harald Von Korflesch.

Trong phần trình bày của mình, PGS.TS Phạm Văn Hải, Chuyên gia AI & BigData, Trường Công nghệ Thông tin - Truyền Thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đưa ra các khái niệm về AI.

Theo PGS Hải, AI được chia thành 4 nhóm: hệ thống tư duy giống con người, hệ thống tư duy logic, hệ thống hành động như con người, hệ thống hành động lý trí. AI có chức năng học và sáng tạo như hành vi của con người. PGS Hải cũng đưa ra ví dụ áp dụng AI vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ.

Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học khi AI và ChatGPT “trỗi dậy” -0
PGS.TS Phạm Văn Hải, Chuyên gia AI & BigData, Trường Công nghệ Thông tin - Truyền Thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận

TS. Michal Bobula, Trường Kinh doanh và Luật, ĐH West of England đã đưa ra các cơ hội và thách thức của AI trong giáo dục đại học như vấn đề đạo văn; thiết kế cách đánh giá bài thi/bài tập; vấn đề liêm chính học thuật. TS. Michal Bobula đưa ra một vài gợi ý như sử dụng một số phần mềm để kiểm soát sự gian lận, thiết kế các bài đánh giá đòi hỏi kỹ năng về sáng tạo và phản biện,…

Ngoài ra, các diễn giả, các đại biểu tham gia Toạ đàm cũng tham gia Thảo luận mở để cùng chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục đại học.

Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học khi AI và ChatGPT “trỗi dậy” -0
Các đại biểu tham dự  Tọa đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học"

Nguyễn Liên
#