Chương trình thu hút gần 100 giảng viên đến từ gần 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia.
PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, chương trình là hoạt động đầu tiên VALOMA tổ chức, nằm trong Chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo về logistics của hiệp hội.
Cũng theo đại diện VALOMA, logistics là một ngành học mới được đưa vào giảng dạy, học tập ở các trường đại học, cao đẳng trong thời gian gần đây, thu hút được sự quan tâm của xã hội, thể hiện qua việc số lượng sinh viên tuyển sinh đầu vào liên tục tăng cao, điểm tuyển sinh ở cũng mức cao.
Giảng viên là yếu tố trung tâm, trọng tâm trong hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo về logistics nói riêng. Thực tế cho thấy, đa số giảng viên logistics hiện nay được chuyển sang từ các ngành khác (quản trị kinh doanh, quản lý công nghiệp, marketing, luật, công nghệ thông tin...). Các giảng viên này vừa thiếu thông tin cơ bản về logistics, vừa thiếu kinh nghiệm giảng dạy ngành học này, vừa thiếu thông tin thực tế về ngành. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giảng dạy, sự nhất quán trong cách hiểu, cách truyền đạt các khái niệm, nội dung về logistics.
Mặt khác, do không được đào tạo chuyên sâu về logistics, các thông tin giảng dạy của giảng viên có thể xa rời, lạc hậu với thực tế diễn biến của ngành, đặc biệt trong bối cảnh dịch vụ logistics đang có thay đổi nhanh chóng dưới tác động của chuyển đổi số và xanh hóa chuỗi cung ứng.
Do vậy, việc tổ chức khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các giảng viên về logistics là rất cần thiết. “Trong nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi đào tạo về logistics, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu”, đại diện VALOMA chia sẻ.
Thông qua chương trình tập huấn lần này, gần 100 giảng viên trẻ đến từ gần 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước được bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin về ngành logistics; chuẩn hóa, đưa ra cách hiểu đồng nhất các khái niệm cơ bản về logistics; định hướng sơ bộ cho các trường về chương trình đào tạo liên quan logistics. Các giảng viên cũng được cập nhật thông tin về thực tiễn pháp luật, quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các học viên được đi thực tế tại một số doanh nghiệp, trung tâm logistics, qua đó trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, tầm nhìn toàn diện theo dòng xu hướng và sự biến động của logistics nói riêng cùng chuỗi cung ứng nói chung trong tình hình thị trường hiện nay.
Phó Chủ tịch VALOMA Trịnh Thị Thu Hương cho biết thêm, với vai trò là tổ chức tập hợp, thu hút các trường, các giảng viên và nhận lĩnh sứ mệnh nâng cao chất lượng đào tạo về logistics, VALOMA sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn tương tự để giúp giảng viên nâng cao kiến thức, kỹ năng cùng xu hướng logistics, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao trong thời gian tới.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045; trong đó xác định mục tiêu đến 2035, 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 30% có trình độ đại học trở lên.