Các quy định cụ thể về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong Dự thảo Luật Nhà giáo
Việc đưa quy định về chứng chỉ hành nghề dạy học vào trong Dự thảo Luật Nhà giáo hiện đang đối diện một số ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng còn ý kiến e ngại rằng quy định này thực chất là một kiểu giấy phép con, có khả năng khiến nhà giáo rơi vào vòng xoáy của cơ chế “xin-cho”.
Về lý thuyết, e ngại này là có cơ sở nếu không tính đến các quy định cụ thể về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong Dự thảo Luật Nhà giáo.
Điều 15 của Dự thảo Luật Nhà giáo quy định như sau:
a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề.
b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo thì được cấp chứng chỉ hành nghề.
Với quy định như vậy thì hiển nhiên việc cấp chứng chỉ hành nghề không tạo ra bất kỳ áp lực nào đối với nhà giáo đương nhiệm. Riêng đối với người mới được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục thì yêu cầu cần đạt để được cấp chứng chỉ hành nghề cũng chỉ ở mức độ hiện nay về yêu cầu cần đạt để được công nhận hoàn thành giai đoạn tập sự.
Như vậy, quy định về chứng chỉ hành nghề không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với nhà giáo kể cả nhà giáo đương nhiệm và nhà giáo sau này. Trong khi đó, tác động tích cực là rất đáng kể.
Trước hết, xét ở góc độ quản lý thì quy định về chứng chỉ hành nghề tạo ra cơ sở pháp lý để Nhà nước và xã hội phân định được nhà giáo chính danh với nhà giáo tự xưng trong bối cảnh thị trường giáo dục ngày càng trở nên phức tạp dưới tác động của công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là tình trạng không chỉ riêng đối với giáo dục. Trong lĩnh vực y tế hiện nay đã có khá nhiều bác sĩ tự xưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Đặc biệt đáng quan ngại là trong lĩnh vực báo chí truyền thông, khi bên cạnh các nhà báo chính danh được cấp thẻ nhà báo, hiện đang có rất nhiều nhà báo tự xưng trên mạng xã hội, đặc biệt là các tiktoker, facebooker,…
Để khắc phục tình trạng này hiện nay mới chỉ có giải pháp bảo đảm chất lượng chuyên môn của các hoạt động nghề nghiệp thông qua chứng chỉ hành nghề. Trong tương lai, rất cần có khảo sát, giám sát, đánh giá và tổng kết thực tiễn của tình trạng này để có các quy định pháp lý cần thiết và phù hợp.
Tiếp nữa, xét ở góc độ hội nhập quốc tế, khi chúng ta chủ động và tích cực đẩy mạnh tiến trình trao đổi nhà giáo trong khu vực và quốc tế thì một điều kiện tiên quyết là nhà giáo nước ngoài cũng như nhà giáo Việt Nam đều phải có chứng chỉ hành nghề.
Cuối cùng, xét ở góc độ vị thế và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo thì chứng chỉ hành nghề là văn bản pháp lý không chỉ khẳng định vị thế nhà giáo mà còn tạo điều kiện để nhà giáo phát huy được các quyền của nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, bao gồm quyền tự chủ, quyền thăng tiến, quyền phát triển nghề nghiệp liên tục, quyền được làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hướng tới đổi mới sáng tạo.
Quan trọng hơn cả là quyền tự chủ của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Vì thế, trong Dự thảo Luật Nhà giáo, tại Điều 6, một trong các nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo là: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo”.
Nguyên tắc này tiếp đó được cụ thể hóa trong Điều 8 về quyền nhà giáo, theo đó nhà giáo có quyền tự chủ và chủ động trong việc lựa chọn và sử dụng tài liệu giảng dạy, phân phối thời lượng và sắp xếp nội dung giáo dục, lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục đảm bảo mục tiêu giáo dục và kế hoạch của cơ sở giáo dục.
Các quy định này là một bước tiến quan trong so với các quy định về quyền nhà giáo trong Luật Giáo dục 2019.
Điều đó kéo theo các quy định cần thiết về môi trường làm việc và chế độ làm việc để bảo đảm nhà giáo được phát huy đầy đủ quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp.
Khuyến nghị nâng cao vị thế và phẩm giá nghề dạy học
Dự thảo Luật Nhà giáo đã lưu ý có những quy định phù hợp về môi trường làm việc tại Điều 9 và về chế độ làm việc tại Điều 27. Tuy nhiên, rất cần xem xét bổ sung như sau:
1. Về môi trường làm việc, khoản 8 Điều 9 quy định nhà giáo “được tạo điều kiện để làm việc trong môi trường thuận lợi, an toàn”. Điều này đúng là quan trọng và cần thiết nhưng chưa đủ.
Nhà giáo chuyên nghiệp cần một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tức là một môi trường hướng tới những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa học đường;
2. Về chế độ làm việc, quy định tại Điều 27 mới chỉ chú trọng tới yếu tố thời gian trong chế độ làm việc của nhà giáo. Một loạt các yếu tố quan trọng khác chưa được đề cập tới, bao gồm các yếu tố về sĩ số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quan hệ ứng xử.
Trong đó, ngày nay khi mà vấn đề bạo lực học đường đang có nguy cơ trở thành vấn nạn, thì ở nhiều nước trên thế giới đã lưu ý có thêm quy định về một yếu tố mới trong chế độ làm việc của nhà giáo, đó là bảo vệ nhà giáo.
Bên cạnh đó, mới đây, trước các thách thức mới đang được đặt ra với giáo dục, Hội đồng cấp cao của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã thông qua Khuyến nghị về nghề dạy học nhằm tạo cơ sở về nhận thức và hành động để chuyển đổi nghề dạy học thành một nghề có vị thế cao, trình độ cao, được hỗ trợ tốt, được trả lương xứng đáng và được tôn trọng cao, có khả năng dẫn dắt và thúc đẩy việc học tập phù hợp, hiệu quả và bao trùm.
Trong các khuyến nghị về nâng cao vị thế và phẩm giá nghề dạy học, có khuyến nghị sau đây:
“Vị thế và phẩm giá của nhà giáo cũng liên quan trực tiếp đến khả năng của nhà giáo trong việc tác động đến các chính sách liên quan đến công việc của họ, bao gồm chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm. Các chính sách cần đảm bảo quyền tự quyết và quyền tự chủ của nhà giáo dựa trên kiến thức, năng lực và trách nhiệm trong các mục tiêu giáo dục, đồng thời cần thúc đẩy bầu không khí tin cậy và tôn trọng giữa chính quyền nhà trường, cộng đồng, người học và nhà giáo. Chính phủ cũng cần đảm bảo rằng nhà giáo và tổ chức của họ có thể tham gia đối thoại xã hội, bao gồm thương lượng tập thể và đối thoại chính sách về mọi vấn đề ảnh hưởng đến nghề nghiệp”.
Dự thảo Luật Nhà giáo với những quy định hiện nay về chứng chỉ hành nghề, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, chế độ làm việc của nhà giáo đã thực sự góp phần để tạo ra khung pháp lý kiến tạo, hướng đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo trên cơ sở nâng cao vị thế và phẩm giá nghề dạy học theo khuyến nghị nêu trên.