Tham dự buổi gặp mặt luân phiên có đại diện Ban điều phối hiện thời của SPAFA (Trung tâm Đông Nam Á về Kiến thức Giáo dục và Nghệ thuật (Southeast Asian Ministers of Education Organization Regional Centre for Archaeology and Fine Arts - SEAMEO SPAFA) và đại diện của 8 quốc gia thành viên.
Phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT, đại diện Ban Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); đại diện Viện Khảo cổ học và các thầy cô, nhà nghiên cứu trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội có quan tâm đến lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết: "Năm 2023, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn vinh dự là đơn vị tổ chức buổi gặp mặt luân phiên của SEAMEO SPAFA.
Đây là một trong những hoạt động của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhằm tăng cường và mở rộng chặt chẽ hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức trong khu vực trong nghiên cứu và đào tạo ở lĩnh vực khoa học Xã hội và nhân văn.
Tiếp nối buổi gặp mặt luân phiên được tổ chức tại nhiều quốc gia, buổi gặp mặt năm 2023 của SEAMEO SPAFA do Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học về giáo dục, khoa học, văn hóa của các quốc gia Đông Nam Á cùng thảo luận và thúc đẩy hợp tác khu vực trong các lĩnh vực này".
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch của Hội đồng Quản trị SPAFA ông Khemchat Thepchai gửi lời cảm ơn đến GS.TS Hoàng Anh Tuấn và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chuẩn bị rất tốt cho sự kiện này, đồng thời dành cho đoàn sự đón tiếp rất nồng nhiệt.
Chủ tịch SPAFA mong muốn rằng, trong các cuộc thảo luận tại cuộc gặp lần thứ 38, ban điều hành sẽ nhận được nhiều trao đổi cởi mở và mang tính xây dựng, đề xuất những ý tưởng mới cho hoạt động của SPAFA trong thời gian tới.
Phát biểu tại sự kiện, đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn PGS.TS Bùi Thành Nam cho biết, cơ hội hợp tác với SEAMEO SPAFA là một cơ hội rất quan trọng.
Các thế mạnh bổ sung của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có thể mở đường cho các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu độc đáo, phát triển chương trình giảng dạy cũng như các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên. Những sáng kiến này có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Đông Nam Á, đồng thời đóng góp vào khối kiến thức toàn cầu trong các lĩnh vực này.
PGS.TS Bùi Thành Nam tin tưởng, buổi gặp mặt này sẽ đóng vai trò là nền tảng của một mối quan hệ hiệu quả và lâu dài, chắc chắn sẽ thúc đẩy sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các thành viên trong nghiên cứu và học thuật.
Tổng kết về thành tựu của SPAFA, Tổng thư ký SEAMEO SPAFA cho biết: "Cuộc họp Hội đồng Quản trị là một nền tảng quan trọng để đại diện các Bộ đảm bảo rằng các chương trình và sáng kiến mà chúng ta thực hiện đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của khu vực.
SEAMEO SPAFA liên tục tăng cường và đẩy nhanh các nhiệm vụ của mình trong việc thúc đẩy khảo cổ học và mỹ thuật trong khu vực, từ đó đảm bảo rằng chúng ta thực sự thấu hiểu về di sản văn hóa phong phú và đa dạng của Đông Nam Á, đồng thời phát huy sự bảo tồn vì lợi ích của các thế hệ tương lai.
SPAFA đã tổ chức các hội nghị và hội thảo đào tạo, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án khảo cổ học và tổ chức các cuộc triển lãm về mỹ thuật và khảo cổ học, tất cả đều nhằm mục đích quảng bá văn hóa và di sản Đông Nam Á.
Cuộc họp Hội đồng Quản trị năm nay có ý nghĩa quan trọng khi Đông Nam Á, cùng với thế giới, đã vượt qua đại dịch, được trang bị những bài học và công cụ cần thiết để trở nên kiên cường hơn khi chúng ta thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực ưu tiên của mình là giáo dục, khoa học và văn hóa.
Ngoài việc điều hướng trạng thái bình thường mới, chúng ta cũng đang trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời hiểu rõ các vấn đề mới nổi trên toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, cùng với những mối quan tâm khác mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt".
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết: "Cuộc gặp mặt luân phiên của SEAMEO SPAFA lần thứ 38 đánh dấu vị thế quan trọng trong công tác hợp tác quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn nói riêng và các đơn vị liên quan trên toàn thế giới nói chung. Từ trước đến nay, nhà trường đã có nhiều hợp tác với cộng đồng SEAMEO, đơn vị tiên phong trong kết nối hợp tác lĩnh vực di sản, khảo cổ.
Sự kiện đánh dấu bước tiến mới, đóng góp mới cho nền giáo dục nước nhà trong hợp tác này. Thông qua cuộc gặp các chuyên gia đến từ các nước trong khu vực sẽ cùng nhau chia sẻ các sáng kiến trong nghiên cứu của đơn vị mình để tạo nên diễn đàn giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực học thuật.
Nơi để các nhà nghiên cứu chuyên môn của nhà trường có thể hợp tác, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau".
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung kỳ vọng qua diễn đàn này, sẽ tạo cơ hội lớn cho các thành viên tham gia, tạo nên sự lớn mạnh trong nghiên cứu cho đội ngũ nhân lực nghiên cứu trẻ ở lĩnh vực này, nhằm hướng tới nhiều hành động, sản phẩm khảo cổ thiết thực hơn cho xã hội.
Năm 2023, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội vinh dự là đơn vị tổ chức buổi gặp mặt luân phiên của SEAMEO SPAFA.
Trung tâm Đông Nam Á về Kiến thức Giáo dục và Nghệ thuật (Southeast Asian Ministers of Education Organization Regional Centre for Archaeology and Fine Arts - SEAMEO SPAFA) là một tổ chức giáo dục khu vực chuyên về lĩnh vực khảo cổ học và nghệ thuật.
SEAMEO SPAFA được thành lập bởi Hội đồng các Bộ trưởng Bộ giáo dục của các Quốc gia trong khu vực, với tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên và phát triển di sản văn hóa của khu vực thông qua giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ chuyên môn.