Con số 2 thí sinh vi phạm là trường hợp cá biệt nếu chia tỷ lệ
Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đặt câu hỏi về vấn đề vì sao các vụ việc gian lận thi cử bằng thiết bị di động vẫn xuất hiện và “để lọt”, mặc dù Bộ GD-ĐT đã tập huấn rất nhiều cho đội ngũ cán bộ coi thi? 2 vụ việc “lọt đề thi” trùng hợp xảy ra ở 2 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, vậy công tác tập huấn cho cán bộ coi thi những địa phương này có đảm bảo?
Trả lời câu hỏi trên, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, phòng chống gian lận là thi cử là vấn đề Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cùng Bộ Công an đã phòng từ xa qua các văn bản, qua việc tập huấn những kỹ năng để phát hiện việc này.
“Chúng ta đã biết, đã phòng, đã cảnh báo, đã truyền thông mạnh và cũng đưa đến nhận thức. Chúng tôi đi kiểm tra thì các sở ban, ngành đều đã nhận thức việc này. Tuy nhiên, với quy mô kỳ thi lớn như vậy thì vẫn có một vài trường hợp cá biệt xảy ra. Con số 2 thí sinh vi phạm trên hơn 1 triệu thí sinh là trường hợp cá biệt nếu chia tỷ lệ”, PGS Chương chia sẻ. Ông nhấn mạnh, đến nay, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an khẳng định 2 trường hợp này không làm ảnh hưởng đến kỳ thi, vì chỉ là trường hợp cá thể.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương cũng cho biết, Bộ GD-ĐT tiếp tục cầu thị, lắng nghe ý kiến về vấn đề trên và cũng đã kịp thời chia sẻ với Bộ Công an để tiếp tục nghiên cứu giải pháp, bên cạnh những quy chế như hiện nay.
“Chúng tôi kỳ vọng truyền thông cũng là một kênh giúp sức, để Nhà nước có thêm những phương án cải thiện việc chống gian lận. Vấn đề này dự báo trên thế giới cũng như Việt Nam sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường”, PGS Chương nói.
Ông cũng thông tin, 2 thí sinh nói trên sẽ bị xử lý theo trường hợp “vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT” là sử dụng điện thoại trong phòng thi. Hiện 2 em này đã bị đình chỉ thi và sẽ xử lý theo quy chế.
2 vụ việc “lọt đề thi” xảy ra ở 2 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có trùng hợp?
Nói về sự “trùng hợp” khi 2 vụ việc “lọt đề thi” xảy ra ở 2 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, PGS Chương cho rằng đây có thể là ngẫu nhiên. Bộ GD-ĐT luôn chỉ đạo cho tất cả 63 tỉnh thành về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; tập huấn cho cán bộ coi thi.
Công điện tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 Bộ GD-ĐT gửi tới các địa phương tối 28.6 cũng một lần nữa nhắc nhở các tỉnh thành chấn chỉnh việc này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường việc này. Đây cũng là một khâu trọng yếu cần lưu ý mà Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với nhiều bên liên quan, đặc biệt là lực lượng công an để tiếp tục cải thiện”, PGS Chương khẳng định.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới vụ việc “Trưởng Điểm thi THCS Yên Hoà, (Cầu Giấy, Hà Nội) đánh trống sớm 5 phút, sau đó bù giờ làm bài cho thí sinh”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định Ban chỉ đạo cấp quốc gia đã nắm được thông tin trên.
Về vấn đề xử lý vụ việc lại thuộc về trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thi TP. Hà Nội (đã phân cấp trong quy chế).
“Hiện nay, chúng tôi đề nghị Hà Nội tiếp tục báo cáo việc này theo đúng quy định. Nếu có vấn đề phát sinh mới về vụ việc, chúng tôi sẽ thông tin thêm”, PGS Chương cho hay.
Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT theo lộ trình, không gây "sốc" cho học sinh
Về vấn đề đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT (năm 2025 sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018), PGS Chương cho biết Cục Quản lý chất lượng đã tính toán, cân nhắc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, Thứ trưởng về việc này; làm thế nào có lộ trình hợp lý nhất, phù hợp nhất mà không gây "sốc" cho học sinh.
"Quá trình đổi mới phải đi từ lộ trình dần dần, đây chính là điều chúng tôi đang cần nghiên cứu. Trong quá trình làm đề thi hiện nay, Thứ trưởng, Bộ trưởng đã chỉ đạo để tiếp cận dần việc thay đổi trong điều kiện khung Chương trình 2006, nhưng thí sinh có thể làm quen dần trong khung Chương trình 2018. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để đến 2025, bắt đầu thi theo Chương trình 2018", PGS Chương nói.
Ông nhấn mạnh, tới nay, chương trình và phương án đã công khai, đã kết thúc việc lấy ý kiến xã hội. Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia đã tiếp tục xử lý tất cả hơn 200 ý kiến để phân tích, sau đó báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng, Thứ trưởng để đưa ra phương án thi phù hợp nhất cho năm 2025.
Về cách thức ra đề thi, theo PGS Chương, thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đánh giá diện rộng, với quy mô hơn 1 triệu thí sinh. Do vậy, khi ra đề phải cân nhắc tính tác động xã hội. Bên cạnh đó, với kỳ thi diện rộng, đề thi phải đánh giá được 4 mức độ, đảm bảo kiến thức, khung chương trình, điều kiện cho phép hiện nay.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cả nước có 1.012.398 thí sinh tham gia dự thi, đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký. Trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%.
Có 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ 3 thí sinh. Trong đó, có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi). Số cán bộ coi thi dừng thực hiện nhiệm vụ là 6 người.