Tự lập từ sớm để trưởng thành
Sinh ra và lớn lên ở xã Ka Lăng - một xã thuộc biên giới vùng cao của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số người dân sống bằng nghề làm nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn cao.
Với địa hình ở vùng núi cao, đường đất đỏ nên vào mùa mưa, đường tại bản làng của Pờ Cá Mư luôn trơn trượt, sạt lở dẫn tới phương tiện khó đi lại.
Gia đình của Pờ Cá Mư, nằm trong diện hộ nghèo, sống dựa vào nương rẫy. Em là con út trong đại gia đình có 6 anh chị, đa số các anh chị của em chưa học hết Trung học phổ thông bởi điều kiện kinh tế khó khăn.
“Do vắng bóng bố từ thuở nhỏ, nên gánh nặng về kinh tế và trách nhiệm “đè nặng” trên vai mẹ. Mẹ phải làm nương rẫy từ sáng sớm đến tối muộn mới trở về. Hình ảnh nhọc nhằn và vất vả của mẹ, luôn in sâu vào tâm trí trở thành động lực học tập cho bản thân em”, Pờ Cá Mư xúc động chia sẻ.
Thấu hiểu được những nhọc nhằn, vất vả của mẹ. Pờ Cá Mư luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng, nỗ lực học tập tốt để có thể giúp đỡ gia đình, vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Từ nhỏ, Pờ Cá Mư đã bộc lộ tinh thần hiếu học, trường tiểu học cách nhà hơn 12km, do đi lại vô cùng khó khăn, nhiều bạn cùng trang lứa bỏ học giữa chừng để ở nhà làm nương rẫy.
Nhưng với cô gái nghị lực luôn khao khát được đến trường, em đã vượt qua nhiều khó khăn, tạm xa gia đình để tới trường nội trú học tập. Pờ Cá Mư bày tỏ: “Xa gia đình, nhiều lúc em cũng cảm thấy buồn, nhưng rồi lại nghĩ chỉ có học mới có thể thoát nghèo, từ đó em cũng lấy đó làm động lực cho bản thân để học tốt hơn nữa, để sau này lớn lên có việc làm, kiếm được nhiều tiền phụ giúp cho mẹ”.
Ngay từ tiểu học, Pờ Cá Mư đã đã khẳng định tài năng vượt trội trong môn văn, em đã giành giải ba và giải khuyến khích cấp huyện ở lớp 4 và lớp 5. Đến năm lớp 9, em quyết định tập trung ôn tập chuyên sâu vào khoa học kỹ thuật. Với sự nỗ lực đầy kiên trì, Pờ Cá Mư đã đạt giải ba cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh.
Tuyên truyền nét đẹp văn hóa của người dân tộc
Với dự án quảng bá nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Pờ Cá Mư đã đạt giải nhì khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Dự án của Pờ Cá Mư tập trung vào việc tuyên truyền vẻ đẹp đặc sắc của văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì thông qua phương tiện truyền thông.
“Ý nghĩa của dự án không chỉ là việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cầu nối giao lưu văn hóa giữa dân tộc Hà Nhì với các cộng đồng dân tộc khác”, Pờ Cá Mư cho hay.
Theo đó, mục tiêu chính của dự án, em sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Hà Nhì. Đồng thời, tạo cơ hội để chia sẻ, lan tỏa giá trị văn hóa đến nhiều ngóc ngách, nâng cao nhận thức và sự đa dạng về nét đặc sắc trong văn hóa trong cộng đồng.
Để chân thực và sâu sắc hóa dự án tuyên truyền văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì, Pờ Cá Mư không ngần ngại xuống những bản làng hẻo lánh, nơi cuộc sống vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống của dân tộc.
Những gia đình tại đây, mặc dù đối diện với những thách thức từ thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt, vẫn kiên trì giữ vững nền văn hóa truyền thống. Mọi chi tiết tinh tế về trang phục dân tộc, những giây phút thiêng liêng trong lễ hội truyền thống, luôn được Pờ Cá Mư ghi lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc và sâu sắc về đời sống của dân tộc Hà Nhì.
Chính vì vậy, tâm sự về ước mơ trong tương lai, Pờ Cá Mư chia sẻ: “ Từ bé em đã ước mơ trở thành người chiến sĩ công an, góp sức bảo vệ sự bình yên biên cương Tổ quốc.
Để biến ước mơ thành hiện thực, em vẫn đang nỗ lực ôn luyện, học hành chăm chỉ, mục tiêu thi đỗ vào Trường Đại học Công an Nhân dân, sau này trở về cống hiến cho địa phương, góp sức xây dựng quê hương trở nên văn minh giàu đẹp hơn”.