Theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi, 3,8% viêm họng và viêm amidan cấp, 3,1% viêm phế quản. Đáng lo ngại là những người trong độ tuổi lao động lại thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất. Đặc biệt, số ca bệnh bụi phổi silic chiếm tới 74,5% trong tổng số ca bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thực tế, tỷ lệ người bị các bệnh đường hô hấp tại những thành phố lớn có tốc độ phát triển kinh tế cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... đang cao gấp 4 - 5 lần những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế chậm. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây tổn hại kinh tế trung bình khoảng 729 đồng/người/ngày ở TP Hồ Chí Minh và 1.538 đồng/người/ngày ở Hà Nội do phải chi phí khám chữa bệnh, giảm thu nhập do nghỉ ốm...
Gs.Ts Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường sống nhiễm bẩn tại các thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng. Các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều do ô nhiễm vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước khiến cho dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát.
Tại Hà Nội, kết quả quan trắc môi trường từ đầu năm 2013 tới nay cho thấy, hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí tại một số nơi đã vượt quá 11 lần tiêu chuẩn cho phép. Qua cuộc khảo sát thực tế, các chuyên gia y tế cho biết, những người có thời gian sống trên 10 năm ở Hà Nội có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính về tai mũi họng cao gần gấp đôi so với những người sống ở đây dưới 3 năm. Đối với các bệnh cấp tính như cảm cúm, người sống trên 10 năm mắc bệnh chiếm tới 11,5%; sống dưới 3 năm là 6,8% và xu hướng tiếp tục tăng cao.
Gs.Ts Hiển nhấn mạnh, sự gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn, lao, hen… những năm gần đây là tiếng chuông báo động về điều kiện sống kém, trong đó có yếu tố không khí bẩn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên thế giới dao động khoảng 5% đến 15% dân số, thậm chí có quốc gia hơn 20% dân số mắc bệnh, và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, khói bụi nhiều. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Hô hấp ở các Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Cần Thơ thì tỷ lệ dân số mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở nước ta lên đến 7% và đang có xu hướng tăng nhanh.
Để chống ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN - MT cho biết: từ đầu năm 2013, đã tăng cường 2 điểm quan trắc bán tự động. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không cải thiện được chất lượng của các thông số ô nhiễm không khí đo đạc được. Điều quan trọng là cần kiểm soát từ gốc tình trạng ô nhiễm không khí. Cụ thể: cần thắt chặt hơn công tác cấp phép đầu tư xây dựng các công trình, nhà máy - những nhà máy khi đầu tư ở một quy mô lớn nhất định phải trang bị hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi đi vào vận hành; các phương tiện tham gia giao thông phải đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 2. Có như vậy mới mong sớm cải thiện mức độ ô nhiễm khí thải hiện nay tại những thành phố lớn…