15 năm nay, cô Hoàng Thu Bình đều đặn có mặt tại các Điểm thi để động viên học trò an tâm bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
- Minh à. Sáng nay thi thế nào con?
Nghe tiếng gọi của cô Bình trước cổng điểm thi Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội), nữ sinh bất chợt oà khóc vì xúc động.
Cô bé tâm sự với cô Bình về việc đã hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn trong buổi sáng và rất vui với kết quả này. Ôm động viên học trò, cô Bình nhắn nhủ nữ sinh giữ sự bình tĩnh và cố gắng để tiếp tục hoàn thành tốt các môn thi còn lại.
Cô giáo Hoàng Thu Bình là giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).
Vừa làm công tác chủ nhiệm một lớp khối 12, vừa là giáo viên bộ môn nên suốt 15 năm nay, năm nào cô Bình cũng có mặt tại các Điểm thi để động viên học trò an tâm bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này xuất phát từ mong muốn giúp những đứa trẻ có thêm nguồn động lực, sự tự tin trước kỳ thi rất quan trọng.
“Tôi nghĩ rằng có lẽ nhiều thầy cô cũng đang làm như vậy, không chỉ riêng mình tôi. Tất cả đến từ lo lắng, quan tâm tới học trò thôi”, cô nói.
Sáng 28.6, cô Bình có mặt tại Điểm thi Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; buổi chiều di chuyển tới Điểm thi Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cùng Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Cô giáo trẻ tâm sự, do học sinh thi ở các Điểm thi khác nhau nên trong 2 ngày thi, cô cố gắng phân chia thời gian để có thể có mặt ở thật nhiều địa điểm, động viên tinh thần các em. Trong 2 ngày, cô Bình dự định sẽ đi tới 8 Điểm thi, ở lại vào lúc trước buổi thi hoặc sau khi các em ra khỏi phòng thi.
Đêm trước môn thi đầu tiên của học trò, cô Bình gần như không ngủ. “Năm nào môn Văn cũng là môn thi đầu tiên, nên hầu như tôi không ngủ được. Có lẽ cũng chung cảm xúc như cha mẹ các con, tôi thấy hồi hộp, lo lắng dù rất hiểu và tin vào học trò của mình”, nữ giáo viên chia sẻ.
Buổi sáng, 2h đi ngủ thì 4h đã dậy, cô Bình có mặt tại Điểm thi đầu tiên - Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh lúc hơn 5h. Khi ấy, chưa có thí sinh tới, cô lặng lẽ ngồi chờ tới khi tất cả các em di chuyển vào Điểm thi. Chỉ sau khi tính giờ làm bài 30 phút, cô Bình mới ra về vì lo các em có vấn đề gì cần hỗ trợ.
“Tôi luôn động viên học trò hãy bình tĩnh, cố gắng hết sức mình thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả xuất sắc nhất. Sự bình tĩnh rất quan trọng, bởi kiến thức và kỹ năng thì các em đã được trang bị trong suốt quá trình ôn luyện rất dài rồi”, cô Bình chia sẻ.
Năm 2023, Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Thành phố bố trí 189 Điểm thi trên địa bàn 30 quận/huyện/thị xã với 4.263 phòng thi; điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Ngoài ra, điều động 600 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi; bố trí 532 thanh tra cắm chốt tại các Điểm thi.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, cùng với Ban Chỉ đạo cấp thành phố, 30 quận/huyện/thị xã đều thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Việc phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, ban hành các kế hoạch tổ chức, hướng dẫn tổ chức kỳ thi của TP Hà Nội bảo đảm chỉ đạo xuyên suốt từ cấp thành phố đến cơ sở.
Ban chỉ đạo thi thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến của dịch bệnh, mưa bão, cấp điện để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi.