Nữ sinh Hải Phòng xuất sắc đứng vị trí top đầu tốt nghiệp sớm của Trường Đại học Ngoại thương

Với bảng điểm 47/48 môn đạt A, Trương Thị Hà Ninh (sinh năm 2002, Hải Phòng), Lớp Pháp 1 - K59, Khoa Kinh tế Đối ngoại xuất sắc trở thành một trong những sinh viên đứng top đầu đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường Đại học Ngoại thương năm 2024.

Đạt điểm GPA gần tuyệt đối với bảng thành tích toàn A

Trương Thị Hà Ninh nằm trong top 3 sinh viên có điểm cao nhất đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường Đại học Ngoại thương năm 2024 với điểm trung bình 3,98/4 và điểm rèn luyện 96/100.

z5382539196097_23d506c8fb66cb9d3da8520a2df32e78.jpg -0
Trương Thị Hà Ninh, sinh viên Lớp Pháp 1 - K59, Khoa Kinh tế Đối ngoại (Ảnh: NVCC)

Để hoàn thành chương trình đại học, Hà Ninh cần học 48 học phần, trong đó có 47/48 học phần xuất sắc đạt điểm A. Môn học duy nhất nữ sinh không đạt điểm A (từ 8.5 - 10 điểm, theo thang điểm 10) là Pháp luật đại cương, học vào kỳ II năm 1. 

Hà Ninh cũng đặt mục tiêu tốt nghiệp sớm nửa năm để có thời gian làm hồ sơ du học thạc sĩ. Do đó, em đăng ký học 8 - 10 môn/ học kỳ cùng một kỳ học hè, nhiều hơn 2-3 môn so với tiến độ chuẩn. 

z5374868574095_19b0e718c9e60b76c72b43c6f509d360.jpg -0
Hà Ninh nằm trong top 3 sinh viên có điểm cao nhất đợt xét tốt nghiệp sớm của Trường Đại học Ngoại thương năm 2024 với điểm trung bình 3,98/4 và điểm rèn luyện 96/100 (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về GPA và bí kíp cải thiện điểm số khi học đại học, Hà Ninh cho biết mình không có phương pháp học nào cụ thể. Trên lớp, Ninh tập trung nghe thầy cô giảng bài để nắm chắc kiến thức. Đặc biệt, em sẽ chọn ngồi bàn đầu để tiếp thu bài giảng một cách trọn vẹn nhất. 

"Em áp dụng phương pháp ngồi bàn đầu tạo cho bản thân thói quen tập trung, nghiêm túc trong các tiết học. Việc ngồi đầu cũng giúp em chăm chú nghe giảng hơn, vấn đề nào chưa rõ có thể trực tiếp trao đổi lại với giảng viên bộ môn", nữ sinh nói. 

Ngoài việc chăm chú học trên lớp, Hà Ninh cũng dành nhiều thời gian để tự học ở nhà. Trước mỗi kỳ thi, để tăng khả năng ghi nhớ, em thường cùng bạn bè học nhóm, ôn luyện lại câu hỏi vấn đáp hay các dạng đề bài khác. Việc học nhóm giúp quá trình ôn tập nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. 

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, nữ sinh liên tiếp đạt Danh hiệu Sinh viên 5 Tốt cấp Trường năm học 2022, 2023 và nhận 6/6 kì học bổng Khuyến Khích học tập tại Trường Đại học Ngoại thương. 

Ngoại ngữ - "Chìa khóa" mở cánh cửa hội nhập quốc tế

Từ bé, Trương Thị Hà Ninh đã được tiếp cận và học tiếng Pháp. Đến năm cấp 3, em theo học chương trình Song ngữ tại Trường THPT Chuyên Trần Phú (Hải Phòng). Với chương trình này, Ninh sẽ học môn Toán, Vật Lý và văn bằng tiếng Pháp song song với tiếng Việt.

z5372688636606_bd6e863b45d2ca7b361ab602bff6e2eb.jpg -0
Hà Ninh yêu thích việc học ngoại ngữ và có thể nói thành thục tiếng Pháp và tiếng Anh (Ảnh: NVCC)

Tiếng Pháp cũng là lý do nữ sinh Hải Phòng lựa chọn học tại Trường Đại học Ngoại thương. Hà Ninh trúng tuyển vào trường nhờ đạt Giải Ba Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp.

"Tiếng Pháp đến với em rất tự nhiên, như ngấm vào máu vậy. Do gắn bó từ nhỏ nên em có nhiều tình cảm và muốn duy trì, phát triển ngôn ngữ này. Em đăng ký học tại Ngoại thương bởi muốn chọn một môi trường có đào tạo tiếng Pháp, đồng thời mạnh về kinh tế", Hà Ninh cho biết. 

Cũng theo Hà Ninh, tiếng Pháp có nhiều từ vựng, công thức khá giống tiếng Anh. Tuy nhiên, ngôn ngữ này lại có cách viết và đọc khó hơn tiếng Anh, đòi hỏi người học cần có sự kiên trì và bền bỉ nếu muốn học tốt. Trong quá trình học, tuy gặp khá nhiều khó khăn nhưng em luôn tích cực rèn luyện và nâng cao các kỹ năng ngoại ngữ. 

Không chỉ thành thục tiếng Pháp, Hà Ninh còn xuất sắc ở môn tiếng Anh. Nữ sinh chinh phục thành công 2 tấm bằng: DALF C1 tiếng Pháp và bằng tiếng Anh IELTS 7.0.

Tuy vậy, Ninh quan niệm không học song song 2 ngôn ngữ cùng lúc, mà tập trung hoàn thành mục tiêu tiếng Pháp, tiếp đó mới chuyển sang tiếng Anh. Nữ sinh cho rằng việc thông thạo hai hay nhiều ngôn ngữ là thế mạnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

"Em sẽ trau dồi tiếng Anh bằng cách nghe clip trên youtube, xem video hoặc đọc các bài báo nhỏ bằng tiếng Anh. Vì đã có sẵn nền tảng kiến thức từ tiếng Pháp, nên việc học tiếng Anh với em không quá khó", Hà Ninh nói

Cũng theo Ninh, ngoại ngữ là cầu nối giúp mỗi người bước ra khỏi giới hạn bản thân để tiếp cận, chinh phục nguồn tri thức của nhân loại. Muốn học tốt ngoại ngữ cần nhiều sự kiên trì và có phương pháp học đúng đắn. Đồng thời tạo thật nhiều cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ, biến việc học và sử dụng ngoại ngữ trở thành thói quen trong cuộc sống. 

Đam mê học hỏi để phát triển bản thân toàn diện

Trương Thị Hà Ninh là sinh viên Lớp Pháp 1 - K59, Khoa Kinh tế Đối ngoại. Trong suốt quá trình học, bên cạnh mục tiêu trở thành sinh viên xuất sắc, Ninh còn tích cực tham gia các phong trào Đoàn, hội. Nữ sinh cho biết với quỹ thời gian 24 tiếng/ngày, sẽ dành 8 tiếng để nghỉ ngơi; 4-6 tiếng cho học tập. Thời gian còn lại thì tập trung phát triển kỹ năng mềm, mở rộng vòng tròn kết nối thông qua các hoạt động ngoại khóa. 

Nhớ lại những ngày đầu mới nhập học, Hà Ninh khá nhút nhát. Tự nhận thức được điểm yếu của bản thân, nữ sinh tham gia hoạt động Icebreakers (phá băng) nhằm cải thiện khả năng giao tiếp. Sau đó, em ứng cử làm lớp trưởng Lớp Pháp 1 - K59, Khoa Kinh tế Đối ngoại để thêm cơ hội kết nối với bạn bè, thầy cô; từ đó cũng trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. 

Để duy trì khả năng tiếng Pháp, Ninh hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ tiếng Pháp của trường, hỗ trợ dạy tiếng Pháp cho bạn bè và dự thi các cuộc thi. Nữ sinh Ngoại thương tham gia cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ năm 2022 và xuất sắc đạt Giải Nhì với bài viết "La langue française face aux défis" - Ngôn ngữ Pháp đối mặt với những thách thức trong bối cảnh hiện nay.  

z5374899242999_cf3d5fdd55d00ffeb3bda48deee0316b.jpg -0
Hà Ninh đạt Giải Nhì cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ năm 2022 với bài viết "La langue française face aux défis" (Ảnh: NVCC)

Trong bài báo, Ninh chia sẻ quá trình học và gắn bó với tiếng Pháp, đặc biệt là cơ hội được học tập tại 2 ngôi trường top đầu là Trường THPT Chuyên Trần Phú và Trường Đại học Ngoại thương. Bài viết cũng chỉ ra những thách thức đối với tiếng Pháp trong nền giáo dục Việt Nam; đồng thời kêu gọi sự bình đẳng khi phát triển và giảng dạy các ngôn ngữ. 

Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, một trong những hoạt động Hà Ninh dành nhiều sự quan tâm là nghiên cứu khoa học. Nữ sinh tạo ấn tượng mạnh mẽ khi là đồng tác giả bài đăng Kỉ yếu hội thảo khoa học VJCC "The Restrictions To The Companies' Implementation Of Green Logistics Via Sustainable Transportation"; Đồng tác giả bài viết "Digital Transformation: The opportunities for International trade of Vietnam" được đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế "Technological Advancement and The New Context for International Trade and Investment"; Trưởng nhóm bài kỉ yếu hội thảo khoa học quốc tế sinh viên nghiên cứu khoa học 2023 (SR-ICYBER 2023): "Evaluation And Propositions For The Development Of Export Insurance In Vietnam". 

Các bài viết của Hà Ninh nghiên cứu xoay quanh nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ đánh giá về chuyển đổi số trong thương mại quốc tế, tập trung phân tích bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam và những tác động lên thương mại quốc tế mà còn nghiên cứu sâu về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Gần đây nhất, Dự án về du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định, hướng tới phát triển du lịch bền vững và khám phá văn hoá địa phương của Hà Ninh cùng nhóm nghiên cứu cũng xuất sắc lọt Top 30 dự án toàn cầu cuộc thi Social Business Creation (SBC). 

1672a48b4abce4e2bdad-1913-1713720874 (1).jpg -0
Hà Ninh chụp ảnh cùng bố mẹ tại lễ tốt nghiệp (Ảnh: NVCC)

Tiếp xúc với Trương Thị Hà Ninh, dễ dàng nhận thấy nữ sinh gen Z có tinh thần cầu thị cao, ham học hỏi và luôn muốn phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ninh cho biết, bản thân không ngại khi đối diện với một lĩnh vực mới.

Tuy giai đoạn đầu còn nhiều bỡ ngỡ và stress, nhưng sau khi đã vượt ra khỏi vùng an toàn thì thành quả nhận lại vô cùng xứng đáng. Nội lực của bản thân cũng từ những thách thức mà trở nên mạnh mẽ và kiên định hơn.

"Không phải bài báo nào em gửi cho các cuộc thi hay nghiên cứu khoa học cũng sẽ được đăng luôn. Có nhiều bài viết vẫn bị trả về, nhận góp ý và yêu cầu chỉnh sửa. Sau mỗi lần bị từ chối, em đúc rút được kinh nghiệm, kiến thức và xem đó là động lực để tạo nên những sản phẩm tốt hơn trong tương lai. Quan trọng nhất vẫn là đặt niềm tin vào bản thân và không bao giờ bỏ cuộc", Hà Ninh tâm sự. 

Cũng theo nữ sinh Hải Phòng, trong kinh tế, mỗi ngành nghề hay lĩnh vực đều có  sự liên quan mật thiết với nhau. Nếu biết cách làm chủ kiến thức, bạn sẽ trở nên toàn diện và năng động hơn.

Chia sẻ về mục tiêu của bản thân, Trương Thị Hà Ninh đề cao mong muốn trở thành người giúp ích cho xã hội ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nữ sinh luôn cố gắng trau dồi kiến thức và ngoại ngữ để hoàn thiện và phát triển bản thân. 

"Em nghĩ chỉ cần mỗi ngày mình tốt hơn 1% đã vô cùng tuyệt vời. Em dành nhiều thời gian đầu tư cho bản thân, hàng ngày sẽ kiểm nghiệm lại những điều đã đạt hoặc chưa đạt để rút ra bài học. Từ các bài học đó, em tích lũy được kiến thức để trở nên toàn diện hơn", Hà Ninh bộc bạch. 

Trước khi tốt nghiệp, Trương Thị Hà Ninh đã ứng tuyển ngành Kinh doanh quốc tế tại các trường đại học ở Anh và Pháp. Hiện đã có một số trường phản hồi. Nữ sinh đang cân nhắc các lựa chọn trước khi lên đường du học vào tháng 9 năm nay.

Trong tương lai, Hà Ninh mong muốn trở thành một giảng viên đại học để góp sức mình xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày càng vững mạnh.

Giáo dục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII

Sáng 20.4, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII và Tổng kết Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665). Ngày hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Liên kết với nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn
Giáo dục

Liên kết với nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trường ĐH Giao thông Vận tải khánh thành tòa nhà trung tâm điều hành có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng
Giáo dục

Trường ĐH Giao thông Vận tải khánh thành tòa nhà trung tâm điều hành có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng

Sáng 19.4, Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức lễ khánh thành tòa nhà trung tâm điều hành và làm việc của cán bộ, giảng viên. Đây là dự án trọng điểm của nhà trường, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục để trở thành văn hóa học tập suốt đời
Giáo dục

Xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục để trở thành văn hóa học tập suốt đời

Theo các chuyên gia, để tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số” một cách hiệu quả, chất lượng, trước hết cần nâng cao nhận thức. Mỗi người dân, học sinh, giáo viên phải nhận thức được rằng việc trang bị năng lực số là phục vụ chính mình. Phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục, trở thành văn hóa học tập liên tục, xã hội học tập. 

7.200 học sinh tham gia khảo sát PISA trên máy tính toàn quốc
Giáo dục

7.200 học sinh tham gia khảo sát PISA trên máy tính toàn quốc

Năm 2025 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện khảo sát PISA trên máy tính tại 60/63 tỉnh, thành phố, ở 195 trường với 7.200 học sinh tham gia. Cùng với đánh giá các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam được tham gia đánh giá năng lực học tập trong thế giới số.

Tọa đàm: "Bình dân học vụ số - làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả? "
Tọa đàm - Talkshow

Tọa đàm: "Bình dân học vụ số - làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả? "

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức cuộc Tọa đàm: “Bình dân học vụ số - Làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả?”, với mong muốn làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của phong trào “Bình dân học vụ số”; phân tích những khó khăn, rào cản trong quá trình phổ cập tri thức số tới toàn dân; gợi mở và đề xuất những giải pháp khả thi, sáng tạo và phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, người cao tuổi, người lao động phổ thông…

Tham dự Tọa đàm có các khách mời: Cục Phó Cục Khoa học Công nghệ và Thông tin (Bộ GD-ĐT) Tô Hồng Nam; PGS.TS. Hà Minh Hoàng, Trưởng Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học kinh tế Quốc dân và ông Nguyễn Nhật Quang Hội đồng Sáng lập VINASA -Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam.