Nữ cử nhân ngành điều dưỡng có 9 công bố quốc tế, trong đó nhiều bài thuộc nhóm Q1

Ngọc Trân gây ấn tượng với thành tích nổi bật khi là đồng tác giả của 15 bài báo nghiên cứu khoa học, trong đó có 9 bài đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, 2 bài ở vị trí first author (tác giả chính). 2 công bố khoa học do Ngọc Trân là đồng tác giả đã được đăng trên tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1.

Trần Ngọc Trân (sinh năm 2002) là một trong những tân cử nhân xuất sắc vừa tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni.

Ngọc Trân gây ấn tượng với thành tích nổi bật khi là đồng tác giả của 15 bài báo nghiên cứu khoa học, trong đó có 9 bài đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có 2 bài ở vị trí first author (tác giả chính). 2 công bố khoa học do Ngọc Trân là đồng tác giả đã được đăng trên tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1. Hướng nghiên cứu chính của nữ sinh là y tế công cộng, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe phụ nữ, quản lý bệnh mãn tính và sức khỏe hành vi.

Trong 4 năm đại học, Ngọc Trân đã giúp nhóm nghiên cứu Sức khỏe phụ nữ của Viện Khoa học sức khỏe giành 6 khoản tài trợ, riêng em có 1 khoản để tự thực hiện nghiên cứu của bản thân. Em cũng tham gia báo cáo tại 5 hội nghị trong nước và quốc tế; nhận được tài trợ để tham gia một chương trình trao đổi với Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS ở Nam Phi (CAPRISA), cho phép nghiên cứu sâu hơn về các thử nghiệm lâm sàng và hiểu biết sâu hơn về những thách thức liên quan đến các hội chứng HIV, lao và Covid-19.

Bên cạnh thành tích trong nghiên cứu khoa học, Ngọc Trân cũng duy trì thành tích học tập xuất sắc khi điểm trung bình môn đạt 3.75/4.0, lọt vào danh sách Dean’s list (danh sách danh dự của Viện trưởng) 7/8 học kỳ, được vinh danh với Giải thưởng EXCEL về khả năng học tập xuất sắc, vào danh sách President’s list (danh sách danh dự của Chủ tịch trường) và Champion of Change. Em cũng tham gia làm trợ giảng, hỗ trợ sinh viên khóa dưới về môn bệnh học - dược học và trên lâm sàng.

 Kiên trì không mệt mỏi

Từng là thành viên câu lạc bộ Khoa học Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, sau đó nhận được học bổng 100% vào ngành điều dưỡng, Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni, Trần Ngọc Trân (sinh năm 2002) đã trở thành một trong những tân cử nhân tốt nghiệp xuất sắc của nhà trường với nhiều công bố quốc tế thuộc lĩnh vực y tế. 

- Chúc mừng Ngọc Trân đã có nhiều thành tích trong học tập, đặc biệt với nhiều công bố quốc tế đã được đăng tải. Theo Trân, trong số các công bố này thì bài báo nào khiến em tự hào nhất, tâm huyết nhất?

Trần Ngọc Trân: Bài báo em dành nhiều tâm huyết nhất liên quan tới chứng rối loạn sử dụng rượu. Hiện nay, vẫn có rất nhiều đánh giá về người sử dụng rượu, rằng họ không có khả năng kiểm soát bản thân. Nhưng thật ra không phải thế. Việc uống rượu lần đầu có thể là lựa chọn của họ, tuy nhiên việc não bộ, cơ thể phản ứng với rượu ra sao lại không phải là lựa chọn của họ. Mỗi người có một khả năng khác nhau, có những người bị phụ thuộc mà không muốn, nhưng không thể thoát ra. Việc điều trị sớm lại rất rào cản bởi những quan niệm như vậy.

Trong nghiên cứu này, em đã lấy dữ liệu trên 2 bệnh viện lớn là Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, từ đó phân tích, đưa ra một số đề xuất về mặt điều trị cho cộng đồng. 

- Cảm xúc của Ngọc Trân như thế nào với công bố quốc tế đầu tiên được đăng tải, em mất thời gian bao lâu để "ra lò" được một công bố quốc tế?

Trần Ngọc Trân: Đó là một cột mốc đặc biệt với em. Công bố quốc tế đầu tiên của em tập trung vào việc truy dấu vết tiếp xúc Covid-19 - một chủ đề quan trọng trong thời kỳ đại dịch.

Từ khi nhóm em hoàn thành bài cho đến khi được đăng trên báo quốc tế phải mất khoảng 2 năm, trải qua 10 lần bị từ chối bởi 10 journal (tạp chí) khác nhau. Cứ mỗi lần thất bại, em lại xuống tinh thần một chút. Đã có những lúc rất nản và căng thẳng, vì bài liên quan đến Covid-19 cũng mang tính thời điểm, nếu chậm trễ sẽ không còn liên quan (relevant) nữa.

Nhưng sau mỗi lần như vậy, em lại có thêm kinh nghiệm. Em tự thấy bản thân có thể nắm bắt yêu cầu của báo nhanh hơn và viết cover letter khi gửi bản thảo cho tạp chí cũng tự tin hơn. Em xác định được rằng, bản thân mình phải yêu thích và tin là bài báo của mình có ý nghĩa mới có thể thuyết phục được họ đưa bài mình tới các giai đoạn tiếp theo.

Đến khi được chấp nhận rồi và nhìn lại, em không quá nhớ về những lúc bản thân nản lòng, mà chỉ thấy may mắn vì mình đã cố đến cùng và không bỏ cuộc.

Việc này áp dụng được trong mọi cách em tiếp cận vấn đề. Em nghĩ rằng khi gặp một vấn đề khó, vì mình còn trẻ và chưa quen, căng thẳng hay nản lòng là cảm xúc đúng và dễ hiểu. Mình nhận thức bản thân đang có những cảm xúc nghi ngờ, “bàn lùi” đó, nhưng đồng thời cũng biết rồi những cảm xúc này sẽ hết và em sẽ lại làm được những thứ mà trước đó tưởng như không thể làm được.

Nữ sinh ngành điều dưỡng có 15 công bố quốc tế trong 4 năm đại học -0
Em Trần Ngọc Trân, tân cử nhân ngành điều dưỡng, Viện Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUni

Không thể so sánh năng lực hay tầm ảnh hưởng của nghiên cứu chỉ bằng số lượng xuất bản

- Một số ý kiến cho rằng, lĩnh vực y tế công cộng có vẻ việc công bố quốc tế dễ dàng và thuận lợi hơn các lĩnh vực khác nên mới có nhiều bài báo được công bố như vậy. Em nghĩ sao về điều này?

Trần Ngọc Trân:Em nghĩ đây là điều không thể tránh khỏi. Nghiên cứu y tế công cộng thường mang lại những kết quả hữu hình, có thể tác động trực tiếp và nhanh hơn đến cộng đồng, khiến việc xuất bản quốc tế trở nên thuận lợi hơn so với một số lĩnh vực STEM (khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) - khi kết quả có thể mang tính lý thuyết nhiều hơn hoặc yêu cầu xác nhận thực nghiệm sâu rộng.

Em nhận thức được điều này vì có nhiều người bạn bên mảng STEM. Các bạn rất mạnh về mảng quy trình nghiên cứu, thậm chí hơn em rất nhiều, nhưng có khi mất tới 4 năm chỉ để ra được một bài công bố quốc tế. Em cho rằng mỗi ngành có những đặc thù khác nhau nên không thể so sánh năng lực hay tầm ảnh hưởng của nghiên cứu chỉ bằng số lượng xuất bản.

Nữ sinh ngành điều dưỡng có 15 công bố quốc tế trong 4 năm đại học -0
Ngọc Trân cùng GS.BS. David Bangsberg, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe trong buổi lễ tốt nghiệp 

Em nghĩ với các bạn sinh viên khối ngành Sức khỏe mong muốn xuất bản trên phạm vi quốc tế thì cần có tính kiên nhẫn và cẩn thận bởi từng bước trong quy trình nghiên cứu làm rất lâu. Đặc biệt, việc tìm thầy cô hướng dẫn sẵn sàng, dìu dắt mình rất quan trọng, đồng thời phải có một đội nhóm cùng làm nghiên cứu.

Bài báo đầu tiên em mất 2 năm để thực hiện, song song thời gian này em vẫn làm các bài khác và 2 năm sau đó tổng cộng số công bố quốc tế của em lên tới 15. Điều này chính là nhờ đồng đội trong nhóm nghiên cứu ở trường, một mình em chắc chắn không thể làm được.

- Ngọc Trân vừa nhắc tới vai trò quan trọng của thầy cô trong việc ủng hộ, dìu dắt để em có được những công bố quốc tế. Em có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Trần Ngọc Trân:Em lúc nào cũng thấy biết ơn vì có thầy cô sát sao, nâng đỡ và chắp cánh cho em ngay từ năm nhất đại học. Lớp em có 8 bạn thôi nên chúng em rất thân với 4 thầy cô giảng viên chính của chương trình.

Em luôn cảm thấy biết ơn vì công sức định hướng, dạy bảo của thầy cô với chúng em ở mọi khía cạnh, không chỉ riêng mảng nghiên cứu. Đó là lý do em chăm chỉ cố gắng để phát triển bản thân cả về lãnh đạo, lâm sàng và lý thuyết, để công sức của thầy cô không bị phí hoài.

Khi chọn học ngành điều dưỡng, em liên tục nhận được câu hỏi “tại sao không phải là ngành khác?” và những trải nghiệm khi bị nhìn nhận một cách chưa đúng đắn về nghề. Nếu so sánh với thầy cô, em nghĩ có lẽ điều mình trải qua không là gì cả.

Niềm tin của thầy cô vào tiềm năng của chúng em là động lực to lớn nhất để em cố gắng giữ vững lòng tự tôn nghề nghiệp, giúp em có thể phát triển về cả nghiên cứu - lâm sàng - lãnh đạo. Em hy vọng trong tương lai có thể đóng góp một cách có ý nghĩa cho ngành điều dưỡng và rộng ra là nền y tế của nước nhà và thế giới.

Chọn ngành điều dưỡng vì khát khao muốn trực tiếp chăm sóc cho mọi người

- Những khi liên tục nhận được câu hỏi “tại sao không phải là ngành khác?”, có khi nào em nản lòng và nghĩ đến chuyện rẽ hướng?

Trần Ngọc Trân: Em muốn chia sẻ về lý do em yêu thích và quyết tâm lựa chọn ngành điều dưỡng. Em sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ bên hồ Tây (Hà Nội), bà của em là giáo viên cấp 2.

Em nhớ như in những ngày đi học mẫu giáo về, bà đều mua cốm rồi hai bà cháu cùng ngồi ghế mát bên hồ, bà kể cho em từ sự tích thời Vua Hùng đến bao la là câu chuyện về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau này, học chuyên văn cấp 2 rồi chuyên Anh Hà Nội - Amsterdam, em cũng rèn thói quen đọc và xem phim nhiều hơn. Em nhận ra những câu chuyện liên quan đến lịch sử (không chỉ của đất nước mình) có sức lay động em nhất.

Nói đến đây, có lẽ mọi người sẽ không hiểu những điều trên thì có liên quan gì đến việc em yêu ngành điều dưỡng. Nhưng chính những cảm xúc “tuyệt vọng” mà em có ngày đó khi cảm nhận nỗi đau của giao tranh, của những mất mát khó lòng đong đếm đã khiến em nhen nhóm khát khao muốn trực tiếp chăm sóc cho con người.

Hồi đó, em tự tìm hiểu chứ không có ai hướng nghiệp. Khi bà bị ốm, em chỉ thấy các chị điều dưỡng là sát sao ra vào nhiều nhất trong bệnh phòng. Em nhận ra ở các đất nước phát triển, bên cạnh hiệu quả điều trị, họ coi trọng chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và quản lý triệu chứng, vì thế mà điều dưỡng rất được tôn trọng. Em đã quyết định sẽ lựa chọn ngành điều dưỡng để theo đuổi.

Trong 4 năm của chương trình Điều dưỡng tại VinUni, chúng em được học về khoa học của giải phẫu bệnh lý, tâm lý học, hóa sinh, lý sinh, sinh lý bệnh, dược lý học, vi sinh, thống kê sinh học,... cùng với nghệ thuật chăm sóc người bệnh, lòng trắc ẩn, cách giao tiếp với những nhóm người bệnh có nhu cầu sinh lý xã hội, đặc trưng văn hóa và tâm linh khác nhau. Chúng em học cách thiết kế kế hoạch chăm sóc, tổ chức chăm sóc, thực hành kỹ năng và tự chăm sóc người bệnh.

Chăm sóc người bệnh có nghĩa là đối xử với họ như một con người toàn diện với sức khỏe tâm lý và bối cảnh xã hội của họ, không phải là một ca bệnh y tế đơn thuần. Đối với điều dưỡng, công việc không chỉ liên quan đến bệnh tật, mà còn là các mối quan hệ trị liệu được xây dựng khi sự tôn trọng, sự đáp ứng, lòng trắc ẩn, sự đáng tin cậy và chính trực được thể hiện.

Nữ sinh ngành điều dưỡng có 15 công bố quốc tế trong 4 năm đại học -0
Sau khi tốt nghiệp, Ngọc Trân dự định tiếp tục làm nghiên cứu, đi thực hành lâm sàng ít nhất 2 năm đầu và lấy chứng chỉ hành nghề quốc tế NCLEX trước khi đi du học về mảng ung bướu (oncology) và chăm sóc giảm nhẹ (pallitative care)

Câu hỏi “tại sao không phải là ngành khác?”, em được nghe nhiều lắm. Thời gian đầu, em còn thấy khó hiểu “vậy tại sao không phải là điều dưỡng?”. Nhưng dần dần, em chọn cách chia sẻ để mọi người hiểu đúng ngành nghề của mình.

Em nghĩ rằng bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ của họ sau khi ra yều cầu điều trị, còn trách nhiệm của điều dưỡng là đưa ra chẩn đoán điều dưỡng (khác với chẩn đoán y khoa) và thực hiện bước tiếp theo trong luồng công việc đó.

Đam mê là một phần, nhưng em thấy may mắn vì mình đã lựa chọn con đường ít người đi, thậm chí tại “ngôi trường 0 tuổi”. Bởi em sẽ có nhiều cơ hội hơn để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình và có cơ hội được góp phần đặt nền móng cho thế hệ sau.

Như Lỗ Tấn đã nói: “Trên đời vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, em hiểu bản thân mình thích gì, trân trọng từng trải nghiệm em có được, cố gắng hết sức thì tự khắc lựa chọn của em sẽ phải đúng. Đến giờ những người thân thiết nhất, hiểu em nhất đều nói không thể tưởng tượng được nếu em theo học ngành khác và em cũng đã thuyết phục được gia đình em như thế.

- Em có thể chia sẻ về dự định, kế hoạch tương lai của bản thân sau khi tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng tại Trường Đại học VinUni?

Trần Ngọc Trân: Sau khi tốt nghiệp, em dự định tiếp tục làm nghiên cứu, đi thực hành lâm sàng ít nhất 2 năm đầu và lấy chứng chỉ hành nghề quốc tế NCLEX trước khi đi du học về mảng ung bướu (oncology) và chăm sóc giảm nhẹ (pallitative care). Em cũng muốn có thêm bằng về tin học y tế (health informatics) và y tế công cộng (public health).

Em cũng nhận thấy bản thân có khả năng truyền tải đam mê và kiến thức của mình cho người khác, nên hy vọng sau này có thể tham gia giảng dạy cho thế hệ điều dưỡng tiếp theo, song song việc tạo ra nghiên cứu có tác động thực sự lên cộng đồng của mình.

Em nghĩ rằng mình không cần vội vàng, bởi em có tất cả thời gian để trở thành phiên bản mình mong muốn. Việc được lựa chọn con đường mình đi và được học với em đã là đặc ân rất lớn mà không phải ai cũng may mắn có được.

- Cảm ơn Ngọc Trân đã chia sẻ!

Giáo dục

Hệ thống Trường Liên cấp Newton kỷ niệm 15 năm thành lập: Hành trình tiên phong đổi mới
Giáo dục

Hệ thống Trường Liên cấp Newton kỷ niệm 15 năm thành lập: Hành trình tiên phong đổi mới

Hệ thống Trường liên cấp Newton (thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập với chủ đề “Hành trình 15 năm – Tiên phong đổi mới”. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng, không chỉ ghi nhận hành trình phát triển vượt bậc của nhà trường mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực giáo dục tư nhân Việt Nam.

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước luôn trong tình trạng quá tải
Giáo dục

Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước luôn trong tình trạng quá tải

Từ số liệu kết quả kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục cho thấy, dù có đến 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hơn 10 tổ chức kiểm định nước ngoài, nhưng các trung tâm trong nước đang trong tình trạng quá tải. Lý do, nguồn lực kiểm định viên chưa phát triển theo yêu cầu thực tế, thiếu về số lượng theo từng nhóm, khối ngành và hạn chế về kinh nghiệm.

EQuest ba năm liên tiếp nhận giải thưởng ESG vì nỗ lực thu hẹp khoảng cách giáo dục vùng miền
Giáo dục

EQuest ba năm liên tiếp nhận giải thưởng ESG vì nỗ lực thu hẹp khoảng cách giáo dục vùng miền

Tập đoàn Giáo dục EQuest vừa được Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) vinh danh tại lễ trao giải ESG Impact Showcase năm 2024, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp EQuest được ghi nhận vì những đóng góp xuất sắc trong thúc đẩy các sáng kiến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). 

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện quốc tế hóa giáo dục
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện quốc tế hóa giáo dục

Theo Chỉ thị của UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu và thực tiễn của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi thư tay tới học sinh lớp 8 sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"
Giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi thư tay tới học sinh lớp 8 sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

Trong buổi tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 tại Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), em Nguyễn Trần Bảo Thức, học sinh lớp 8A5, Trường THCS Lương Thế Vinh đã vinh dự nhận được món quà của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tặng từ Hà Nội.

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.