Giảm 2 đợt thi so với năm 2023
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi Đánh giá năng lực (HAS) 2023 đã diễn ra với 8 đợt thi tại 8 tỉnh thành, 67 địa điểm thi, 661 phòng thi, 7.127 máy tính thi, 3.859 lượt cán bộ tham gia.
Hội đồng thi HSA năm 2023 đã tổ chức 87.095 lượt thi, 64 thí sinh vi phạm Quy chế thi Đánh giá năng lực, 2 cán bộ bị khiển trách.
Ngân hàng câu hỏi đề thi được xây dựng đảm bảo chất lượng và bảo mật, độ tin cậy các đề thi ở mức phù hợp với tính chất và quy mô đánh giá của kỳ thi. Các câu hỏi liên quan đến thí sinh vi phạm quy chế thi đều được rút ra khỏi ngân hàng câu hỏi ngay sau đợt thi.
Phân tích điểm thi HSA năm 2023 ghi nhận phổ điểm bài thi HSA phân bố chuẩn, đánh giá tốt năng lực của thí sinh dự thi, phù hợp với mục tiêu đánh giá của đề thi và sử dụng làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học.
Điểm trung bình là 77,1/150 điểm; trung vị là 77/150; độ lệch chuẩn ở mức 14,0. Hệ số tương quan Pearson giữa điểm thi HSA và kết quả học tập THPT của thí sinh (r) là 0,38 - 0,42. Điểm bài thi và phổ điểm của các đợt thi khá tương đồng. Kết quả bài thi đánh giá tốt năng lực của thí sinh dự thi, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi.
Dữ liệu kỳ thi HSA năm 2023 được tổng hợp phân tích báo cáo theo đợt thi, tỉnh thành, trường THPT có nhiều thí sinh dự thi. Điểm trung bình chung của các học sinh tỉnh Vĩnh Phúc cao nhất, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) có điểm trung bình chung cao nhất trong số các tỉnh thành phía Bắc.
Từ những thành công đạt được trong kỳ thi năm 2023, kết hợp tình hình thực tiễn, Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi HSA năm 2024 với 6 đợt thi (giảm 2 đợt thi so với năm 2023) từ tháng 3 đến 6, phục vụ 75.000 lượt thi.
Cấu trúc và kiến thức của bài thi
Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, dạng thức (đề cương) bài thi Đánh giá năng lực học sinh THPT năm tới được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.
Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực chính học sinh đạt được sau khi tốt nghiệp chương trình THPT.
Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỷ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%.
Cấu trúc bài thi bao gồm 3 phần thi. Trong đó: Phần 1 - Tư duy định lượng (Toán học, 50 câu hỏi – 75 phút), Phần 2 - Tư duy định tính (Ngữ văn – Ngôn ngữ, 50 câu hỏi – 60 phút), Phần 3 - Khoa học (Tự nhiên - Xã hội, 50 câu hỏi – 60 phút).
Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi, gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học.
Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm, nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.
Kiến thức trong phần 1 và 2 được phân bổ như sau: Phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11: 20%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%. Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.
Về hình thức làm bài thi, thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn.
Về phương pháp làm bài thi, thí sinh thực hiện bài thi theo hướng dẫn làm bài của Đại học Quốc gia Hà Nội: Đối với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn: Thí sinh lựa chọn một đáp án đúng duy nhất (A, B, C, D) cho mỗi câu hỏi. Đối với các câu hỏi điền đáp án: Thí sinh điền đáp án tìm được vào ô trống có sẵn tương ứng của câu hỏi thi.
Về phương pháp chấm điểm, điểm của bài thi được chấm tự động bằng phần mềm thi Đánh giá năng lực. Kết quả bài thi được hiển thị trên màn hình máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi theo quy định. Tổng điểm của toàn bài thi là 150 điểm dựa trên tổng số câu trả lời đúng của thí sinh.
Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm (các câu hỏi thử nghiệm không tính điểm). Điểm của bài thi là tổng điểm của ba phần thi, trong đó mỗi phần thi tối đa 50 điểm. Bảng điểm kết quả bao gồm điểm tổng (tối đa 150 điểm) và 3 đầu điểm thành phần: Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học.
Lịch thi Đánh giá năng lực năm 2024
Về lịch thi, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2024, thời gian dự kiến cụ thể như sau:
Đợt thi | Ngày thi (Thứ bảy & Chủ nhật) | Quy mô |
HSA 401 | 23-24/3/2024 | 8.000 |
HSA 402 | 06-07/4/2024 | 15.000 |
HSA 403 | 20-21/4/2024 | 15.000 |
HSA 404 | 11-12/5/2024 | 15.000 |
HSA 405 | 25-26/5/2024 | 15.000 |
HSA 406 | 01-02/6/2024 | 7.000 |
Kỳ thi năm 2024 dự kiến tổ chức thi tại 10 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Quy mô dự kiến tổ chức cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi.
Cổng đăng ký dự thi tiếp nhận thí sinh đăng ký từ 18.2.2024. Thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm và thời gian đăng ký dự thi giữa 2 ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, cuối tuần) tùy theo nguyện vọng của thí sinh.
Lệ phí dự thi Đánh giá năng lực năm 2024 là 500.000 đồng/lượt.