Mong được giảm tải hồ sơ sổ sách, có bảng lương riêng cho nhà giáo
Cô Lê Thị Phương Châu, Trường Tiểu học An Cựu (Thừa thiên Huế) bày tỏ, về việc tạo ra bảng lương riêng cho nhà giáo, tương tự như quân đội, công an,... đang được nhiều nhà giáo mong chờ. Điều này giúp nâng cao vai trò, vị thế nghề giáo trong các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Hiện nay, tình trạng giáo viên "bỏ nghề" bởi mức lương không đủ để đáp ứng nhu cầu trang trải cuộc sống gia đình khá nhiều. Việc cân nhắc và thực hiện tăng lương cho giáo viên không chỉ là một biện pháp hợp lý mà còn thu hút, giữ chân những người có tâm huyết với nghề giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho xã hội.
Bên cạnh đó, việc giảm bớt gánh nặng về hồ sơ sổ sách, tập trung cho chuyên môn giảng dạy là điều giáo viên rất mong muốn. Do giáo viên rất cần tập trung hoàn toàn vào việc giảng dạy học sinh và nghiên cứu các phương pháp, hình thức dạy học hiệu quả.
Cô Lê Thị Phương Châu chia sẻ, “nếu một lớp có nhiều học sinh, khoảng từ 36 em đến 40 em học sinh thì các thầy các cô phải luôn theo dõi, đánh giá thường xuyên để điều chỉnh các phương pháp dạy học được phù hợp nhất.
Do đó, giáo viên cần có thêm thời gian để chuẩn bị bài dạy, học hỏi chuyên môn. Tuy nhiên, với số lượng hồ sơ sổ sách và áp lực về các tiết dự giờ, thanh tra, kiểm tra thật sự khiến bản thân mình cũng như các giáo viên rất căng thẳng, tâm lý”.
Chính vì vậy, việc giảm tải hồ sơ sổ sách sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên thực hiện công việc giảng dạy một cách hiệu quả và sáng tạo hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và học tập cho học sinh.
Mong ước được cung cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ giảng dạy
Cô Ma Thị Bạch, giáo viên Trường Tiểu học Minh Quang (Tuyên Quang) chia sẻ, các em học sinh của nhà trường hầu hết đều đến từ những gia đình dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Đa phần các em sống cùng ông bà do bố mẹ phải đi làm xa, dẫn đến việc thiếu đi sự quan tâm và hỗ trợ trong việc học tập nên việc tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các em học sinh và gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đã cố gắng công khai thông tin về chương trình giáo dục mới và tổ chức các buổi họp với phụ huynh, nhưng việc triển khai thực sự vẫn rất bất cập.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nguồn lực giáo viên chất lượng vẫn là thách thức lớn. Mặc dù, nhà trường nhận được tài trợ một số máy tính để tạo điều kiện học môn Tin học, nhưng việc thiếu giáo viên dạy môn này dẫn tới việc triển khai môn học cũng còn nhiều khó khăn.
Trong đó, một giáo viên phải đảm nhận nhiều vị trí giảng dạy khác nhau. Đối với môn tiếng Anh, nhà trường thậm chí phải nhờ sự hỗ trợ từ giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông để đảm bảo cho toàn bộ 25 lớp học.
Để giải quyết tình hình trên, Cô Ma Thị Bạch bày tỏ mong ước, nhà trường được tạo điều kiện nhiều hơn về cơ sở vật chất, cung cấp thêm các trang thiết bị và đồ dùng học tập cần thiết phục vụ trong nghiên cứu và giảng dạy. Đồng thời tăng cường nguồn nhân lực giáo viên, đặc biệt với môn tiếng Anh và Tin học giúp tạo môi trường học tập thuận lợi và chất lượng cho các em học sinh.
Mong muốn được tôn trọng và chia sẻ đối với nghề giáo
Cô Nguyễn Ngọc Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Hòa Bình LaTrobe School (Hà Nội) tâm sự, trong sự phát triển, thay đổi không ngừng của hệ thống giáo dục. Là một giáo viên trẻ, tôi luôn kỳ vọng vào sự ổn định và tiến bộ của chương trình học mới.
Đây có lẽ là cơ hội để cải thiện chất lượng giáo dục, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước thông qua việc nuôi dưỡng thế hệ trẻ trí thức và có kỹ năng. Bên cạnh đó, mong muốn của mỗi giáo viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn mở rộng việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với học sinh và phụ huynh.
“Giáo viên mong muốn thiết lập mối quan hệ đồng cảm và tôn trọng với học sinh. Họ muốn học sinh cảm thấy thoải mái và tự tin trong việc chia sẻ ý kiến, đặt câu hỏi và thảo luận vấn đề. Bằng cách này, giáo viên có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích và khả năng của từng học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của các em”, Cô Linh chia sẻ.
Đồng thời, giáo viên cũng mong muốn xây dựng cầu nối mạnh mẽ với phụ huynh. Bởi chính sự hỗ trợ và hợp tác từ phía phụ huynh rất quan trọng đối với sự thành công của học sinh. Qua việc trao đổi với phụ huynh về tiến trình học tập và các vấn đề liên quan đến con em, sẽ giúp giáo viên tạo ra môi trường học tập tích cực và hiệu quả cho từng em.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Thùy Linh bày tỏ mong muốn sự tôn trọng nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” không còn bị lung lay, người thầy vẫn được sự quan tâm đúng mực của xã hội. Hy vọng các bạn học sinh hiểu được phần nào đó công sức - tình cảm - sự tự rèn không ngừng của các thầy cô để luôn là “người thầy - người bạn lớn - người dẫn đường” của các em.