Những giáo sư tuổi Thìn nổi tiếng

- Thứ Ba, 13/02/2024, 07:36 - Chia sẻ

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giáo sư Trần Danh Cường, Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng là những giáo sư tuổi Thìn nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (sinh năm 1940 - Canh Thìn)

Nhà giáo nhân dân GS.TS Võ Tòng Xuân sinh ngày 6.9.1940 tại xã Châu Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ (nay là Trường Đại học Cần Thơ). Năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nông học tại Đại học Kyushu, Nhật Bản và về nước tiếp tục giảng dạy tại Viện Đại học Cần Thơ. Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư.

Những giáo sư tuổi Thìn nổi  -0
Năm 2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh”

Giáo sư Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt, những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.

Với tư cách là người tiên phong trong giao lưu học thuật giữa Nhật Bản và Việt Nam lĩnh vực nông học, ông cũng góp phần xây dựng nền móng đầu tiên cho nhiều mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu gạo trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới. Thành tích nghiên cứu lúa gạo của ông không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Ông được bạn bè quốc tế yêu mến đặt là “Dr. Rice” (Tiến sĩ Lúa gạo). Năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đã trao tặng “Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” cho Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Võ Tòng Xuân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân từng đảm nhiệm vị trí Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Ủy viên Hội đồng Chức Danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam; là đại biểu Quốc hội các Khóa VII, VIII, IX.

Giáo sư Võ Tòng Xuân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (1985), Nhà giáo ưu tú (1990), Nhà giáo nhân dân (1999). Cuối năm 2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh”.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm (sinh năm 1952 - Nhâm Thìn)

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học và Văn hóa học nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh năm 1952 tại xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Toán tại Leningrad (Liên bang Nga) năm 1974; nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Leningrad (Liên bang Nga) năm 1987; nhận bằng Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Leningrad (Liên bang Nga) năm 1988. Ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991, Giáo sư năm 2002.

Ông nguyên là Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Ngành Ngôn ngữ học; nguyên Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Việt Nam. Giáo sư Trần Ngọc Thêm cũng từng là Trưởng Khoa Văn hóa học, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Những giáo sư tuổi Thìn nổi  -0
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học và Văn hóa học nổi tiếng của Việt Nam

Giáo sư Trần Ngọc Thêm là người thành lập và phụ trách bộ môn Châu Á học trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 1992 - khởi đầu cho việc hình thành ngành Đông phương học ở Việt Nam. Năm 1995, đề cương môn Cơ sở văn hóa Việt Nam do ông xây dựng cho khối đại học ngoại ngữ từ năm 1990 đã được thông qua làm một môn học chung cho toàn khối kiến thức đại học đại cương; đồng thời, cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam dày 500 trang của ông cũng được Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản vào tháng 10 cùng năm.

Sự ra đời của cuốn sách này trở thành một sự kiện quan trọng, đón nhận hàng chục bài giới thiệu, phê bình cả trong và ngoài nước; một Hội thảo riêng bàn về cuốn sách này đã được tổ chức.

Năm 1996, trên cơ sở cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam ban đầu, ông phát triển thành hai cuốn là giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam dành cho sinh viên (300 trang) và chuyên khảo Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (670 trang). Cả hai cuốn sách này đều đã được tái bản nhiều lần, trong đó “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” đã được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính cho Nhà xuất bản Thế giới tổ chức dịch sang tiếng Pháp và đến nay cũng đã tái bản ba lần.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm là tác giả của hơn chục cuốn sách chuyên khảo, hơn 100 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, 2 đề tài khoa học cấp Nhà nước và 4 đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2009 và Huân chương Lao động hạng II năm 2016 về những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công tác giáo dục - đào tạo.

Giáo sư Trần Danh Cường (sinh năm 1964 - Giáp Thìn)

GS.TS Trần Danh Cường - Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội; nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong những giáo sư nổi tiếng tuổi Thìn. Sự nghiệp Y khoa của ông nổi tiếng với thành tích trong lĩnh vực chẩn đoán và sàng lọc trước sinh, siêu âm dị tật thai nhi; là người trực tiếp phát hiện và điều trị thành công nhiều ca sản bệnh lý khó, trong đó có nhiều ca phức tạp, trên thế giới chưa từng xuất hiện.

Những giáo sư tuổi Thìn nổi  -0
GS.TS Trần Danh Cường - Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội; nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Giáo sư Trần Danh Cường sinh ngày 29.10.1964 tại Lạng Giang, Bắc Giang. Ông tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chuyên ngành Đa khoa Ngoại sản tại Trường Đại học Y Hà Nội năm 1990. Năm 1991, ông được cấp bằng CKI ngành Y học, chuyên ngành Sản tại Trường Đại học Y Hà Nội; tới năm 2008 nhận bằng Tiến sĩ Y học ngành Sản phụ khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Trước đó, năm 2000-2002, ông đi học tại Pháp, được cấp bằng liên đại học siêu âm sản phụ khoa tại Trường Đại học Y Brest năm 2001, chuyên ngành Y học thai nhi tại Trường Đại học Limoges năm 2002. Ông được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2011, công nhận chức danh Giáo sư năm 2023.

Giáo sư Trần Danh Cường đã hoàn thành 6 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ; công bố 110 bài báo khoa học, trong đó 12 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ông đã được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; xuất bản 5 cuốn sách trong đó có 3 cuốn chuyên khảo và 2 cuốn giáo trình thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021, bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thí điểm đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1976 - Bính Thìn)

GS.TS Nguyễn Xuân Hùng sinh ngày 01.01.1976, quê Tánh Linh, Bình Thuận, hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ nghiên cứu liên ngành CIRTech, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và là thành viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Chủ tịch Hội chuyên ngành Cơ học tính toán Việt Nam.

Ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Y khoa Tai Chung (Đài Loan) và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sejong (Hàn Quốc). Ông làm việc trong ban biên tập của Composite Structures, Computers & Structures, Engineering Fracture Mechanics, CMC: Computers, Materials & Continua và cũng là biên tập viên của CMES: Computer Modeling in Engineering & Sciences, biên tập viên chủ đề của Underground Space và là phó tổng biên tập của International Journal of Hydromechatronics.

Những giáo sư tuổi Thìn nổi  -0
GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng trong dịp nhận giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức)

Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng là cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí MInh). Ông nhận bằng Tiến sĩ về Cơ học tính toán của Đại học Liège (Bỉ) năm 2008.

Nghiên cứu của ông tập trung vào các phương pháp tính toán tiên tiến trong kỹ thuật, mô hình học máy dựa trên dữ liệu và công nghệ in 3D. Ông đã xuất bản hơn 250 bài báo có phản biện, trên các tạp chí trong danh mục WoS. Các công trình xuất sắc này đã giúp ông nằm trong số 1% nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới - Clarivate trong 9 năm liên tục

Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng đã giành được một số giải thưởng danh giá, tiêu biểu The Alexander von Humboldt Foundation Digital Cooperation Fellowship (2021), The Outstanding Humboldtian (2019), và The Georg Forster Research Award - Humboldt Foundation (2015). Ngoài ra, ông đã nhận được bằng khen của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm liên tiếp (2008 - 2013) và Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo (2011).

Năm 2023, ông tiếp tục lọt top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, là một trong 47 người Việt trong danh sách này.

Nguyễn Liên
#