Áp lực đè nặng vai sĩ tử
Thành là con trai lớn trong một gia đình ở Hà Nội. Mẹ Thành phát hiện bị ung thư từ khi cậu đang là học sinh tiểu học. Trong suốt hành trình mẹ điều trị bệnh, Thành thương mẹ nên lúc nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời, chăm chỉ học tập và đạt thành tích tốt để mẹ vui lòng.
Đến năm Thành học lớp 9 thì mẹ qua đời. Trước khi mất, bà dặn dò Thành: “Con hãy cố gắng học tập thật giỏi để có một tương lai tốt, sau này chăm sóc được cho bố và hai em”. Những lời nói đó là động lực giúp cậu vượt qua nỗi đau mất mát, dành hết thời gian, tâm sức cho việc học.
Ở những thành phố lớn như Hà Nội, để thi đỗ vào một trường THPT công lập không phải chuyện đơn giản vì tỷ lệ chọi cao. Thành hiểu rõ điều này nên trước kỳ thi, cậu học ngày học đêm, không thiếu những lần ngủ gật trên bàn học.
Ngủ ít, ăn uống qua loa khiến Thành gầy sọp mất mấy cân, đầu óc nhiều khi mất tập trung, nhớ nhớ quên quên. Tuy nhiên, thấy bạn bè ai cũng đang tất bật ôn luyện, cậu lại cố gắng lao vào học.
Kỳ thi năm ấy, Thành đỗ lớp 10 nhưng thành tích không tốt như những gì cậu mong muốn nên không thể vào được lớp chọn. Những ngày sau đó, Thành luôn thất vọng về bản thân vì phụ sự kỳ vọng của mẹ. Lúc nào cậu cũng dằn vặt mình với suy nghĩ học hành tệ thế này thì tương lai không thể lo được cho bố và các em.
Và rồi cậu thu mình lại, thường xuyên ở trong phòng, không muốn nói chuyện với ai, đôi khi khóc lóc vì sợ mọi người không yêu mình, thương mình. Nhận ra những biểu hiện bất thường của Thành, bố cậu đã đưa con trai đi tham vấn tâm lý.
Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, Thành chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị trầm cảm do áp lực thi cử mà bà từng tham vấn, trị liệu tâm lý. Thậm chí, có những em còn có biểu hiện trầm cảm nguy hiểm hơn Thành khi tự rạch tay, rạch chân hoặc thường xuyên suy nghĩ về cái chết.
“Ở góc độ tâm lý, trầm cảm chính là sự lẩn trốn, sợ đối diện với kết quả. Trước mỗi kỳ thi quan trọng, học sinh phải đối mặt với rất nhiều áp lực về điểm số, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô hoặc tự gây ra áp lực cho mình.
Bên trong các em đầy những nỗi sợ, sợ mình ôn tập chưa đủ, sợ đề thi trúng vào phần mình chưa ôn, sợ thi trượt, sợ làm gia đình, thầy cô thất vọng, sợ bạn bè, mọi người xung quanh phán xét về mình…
Những nỗi sợ đó khiến các em bị rối loạn lo âu và khi không thể tự mình vượt qua nỗi sợ, cơ chế bên trong con người sẽ cố gắng tìm cách lẩn trốn, không dám đối diện với thực tại và gây ra trầm cảm”, bà Lanh phân tích.
Biểu hiện thường thấy khi các em rối loạn lo âu, trầm cảm là mệt mỏi, mất ngủ, không muốn trò chuyện với người khác, bỗng nhiên không ăn được các món quen thuộc trước đây vẫn thường ăn… Với những trường hợp nặng hơn, các em có thể có hành vi tự hủy hoại bản thân, nghĩ đến việc tự tử.
Cha mẹ cần đồng hành cùng con trong mùa thi
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, để phòng ngừa áp lực thi cử gây ra trầm cảm, các bậc cha mẹ cần đồng hành cùng con trong mỗi mùa thi. Cha mẹ là những người gần gũi nhất với sĩ tử nên có thể giúp con giải tỏa áp lực hoặc nhận biết sớm những dấu hiệu khác thường của con để có giải pháp can thiệp kịp thời.
Nữ chuyên gia tâm lý khuyến cáo cha mẹ cần làm “công tác tư tưởng” cho con trước những kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Hãy nói với con rằng dù con có thi trượt hay chỉ đỗ vào trường ít tiếng tăm thì cũng không phải chuyện quá nghiêm trọng.
Hành trình học tập cũng như hành trình cuộc đời, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ và được như bản thân mong muốn. Điều quan trọng là con cần bồi đắp cho mình sức mạnh nội tại để bình tĩnh đón nhận và vượt qua thất bại, học được bài học, trưởng thành từ chính những thất bại.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy trở thành những người quan sát tốt, để ý đến những hành vi nhỏ nhất của con. Nếu thấy con có các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, buồn bã, chán ăn, đau đầu, ngại giao tiếp… thì cần hỏi han, trò chuyện để nắm bắt được vấn đề con đang gặp phải.
Từ đó, chia sẻ, động viên, giúp con hiểu rằng cha mẹ là một chỗ dựa tinh thần an toàn, bất cứ khi nào con cảm thấy việc ôn luyện quá căng thẳng, áp lực thì hãy nói với cha mẹ vì cha mẹ luôn ở đây, sẵn sàng đồng hành cùng con để tìm cách tháo gỡ.
Trong một nghiên cứu năm 2019 - 2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi cho thấy: 55,6% học sinh có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%). Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học.