Hội thảo do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thông qua Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh VietTESOL làm đầu mối tổ chức, phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia và Trường Đại học Phenikaa thực hiện.
Mục tiêu chính của Hội thảo hướng đến xây dựng một diễn đàn cho các đại biểu có chuyên môn trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh nhằm chia sẻ, thảo luận về vấn đề giảng dạy tiếng Anh trong giáo dục phổ thông ở các khu vực khó khăn, hẻo lánh; những đóng góp tích cực và tiêu cực của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy tiếng Anh để xây dựng một kế hoạch tổng thể phục vụ cho công tác thiết kế học tập và xu hướng giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh (EMI).
Qua đó, đề xuất những chính sách mang tính toàn diện cho các thách thức đang gặp phải trong việc giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam.
Việc dạy và học tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia - Bộ GD-ĐT chia sẻ về báo cáo chuyên đề Giảng dạy tiếng Anh tại các vùng khó khăn của Việt Nam.
Theo đó, tổng hợp kết quả thảo luận của Hội thảo ngày 15-16.12.2022 tại Lào Cai, bà Hữu cho biết, chúng ta đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên tiếng Anh tại các cấp học phổ thông. Năng lực của đội ngũ cũng là một vấn đề. Thực tế điều kiện hạ tầng, các điểm trường cách xa nhau, lớp học kép, các thiết bị điện tử để giảng dạy cũng hạn chế.
Về kết quả học tập của học sinh, có sự khác biệt rõ ràng giữa trung bình cả nước và các tỉnh tại vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó có thể nhận thấy, vấn đề khó nhất là vùng khác biệt vùng miền.
TS Nguyễn Thị Mai Hữu nhấn mạnh, sự khác biệt về trình độ tiếng Anh của học sinh gây ra rất nhiều khó khăn cho giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra - đánh giá và động viên học sinh học tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ sau mỗi cấp học. Những khác biệt này cũng gây khó khăn cho học sinh khi phải học cùng nhau trong cùng lớp.
Bên cạnh đó, điều kiện phục vụ cho việc dạy và học tiếng Anh tại vùng sâu, vùng xa bị hạn chế so với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn. Bởi việc học tiếng Anh sẽ tốt hơn khi sử dụng thiết bị hỗ trợ như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, đèn chiếu, tivi, bảng tương tác, kết nối Internet, bàn ghế di động được và các học cụ khác.
Cuối cùng, ở các trường thuộc những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, việc cung cấp cho giáo viên tiếng Anh và học sinh những thiết bị và điều kiện cần thiết để tổ chức các hoạt động đa dạng, thú vị nhằm nâng cao hứng thú và kết quả học tiếng Anh cho học sinh cũng gặp nhiều hạn chế.
Hội thảo mang nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn
TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT đánh giá, Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Ông Tuấn Anh cho hay, Diễn đàn về Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam năm nay được cân nhắc kỹ lưỡng về mặt nội dung với 3 nội dung chính, gồm giảng dạy tiếng Anh tại các khu vực khó khăn, vai trò của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy tiếng Anh và xu hướng giảng dạy tiếng Anh tích hợp với các môn khoa học khác (EMI) tại Việt Nam.
“Đây là lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt vì là yếu tố then chốt cho việc giảng dạy tiếng Anh trong công nghiệp 4.0 hiện nay”, TS Phạm Tuấn Anh nói.
Đưa ra những chia sẻ về Hội thảo, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng đây là sự kiện hết sức lớn lao đối với Trường Đại học Phenikaa và hết sức ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, nơi trao đổi học tập tư vấn chính sách thường niên dựa trên ý kiến của các nhà khoa học quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu của các giáo viên giảng dạy tiếng Anh.
Diễn đàn cũng là minh chứng cho sự hợp tác, đồng lòng của chúng ta trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh ở các trường đại học, các trường phổ thông tại Việt Nam.
Nói về 3 nội dung chính của Diễn đàn về Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, GS Huy nhận định Diễn đàn cơ hội để cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp hiệu quả hỗ trợ việc giảng dạy và học tiếng Anh cho những học sinh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ngôn ngữ này.
Với nội dung về Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy tiếng Anh, GS Huy khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI trong thời gian vừa qua đã có những tác động lớn trong việc thay đổi biện pháp giảng dạy, tăng cường tương tác cá nhân hóa học tập. Vậy nên, hãy cùng nhau khám phá, thảo luận về tiềm năng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và học tập tiếng Anh.
“Cuối cùng là tập trung vào việc giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh tại Việt Nam, đây là một xu hướng ngày càng phát triển đem lại cơ hội học tập và nâng cao trình độ chuyên môn tiếng Anh cho sinh viên”, ông nói.
Cũng tại Diễn đàn, các giảng viên, giáo viên đến từ nhiều vùng miền trên khắp cả nước đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp mang tính chia sẻ cao.
Năm 2023, Diễn đàn về Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam được xây dựng nhằm phân tích chuyên sâu các điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh hiện nay bằng cách sử dụng ý kiến của giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp độ, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác.
Thông qua đó, tìm ra những giải pháp phù hợp cho các vấn đề bất cập trong giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam và thực hiện hiệu quả quá trình triển khai chương trình ngoại ngữ tiếng Anh trong nền giáo dục của Việt Nam.
Hội thảo “Diễn đàn về Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam 2023” có sự góp mặt của 150 đại biểu. Thành phần tham dự Hội thảo gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công An, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp; lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, học viện, cao đẳng và dạy nghề công lập và ngoài công lập (chuyên về ngoại ngữ và không chuyên về ngoại ngữ);
Cán bộ quản lý các trung tâm ngoại ngữ trên toàn quốc; đại diện các doanh nghiệp đào tạo/hỗ trợ đào tạo Tiếng Anh, đại diện chủ sử dụng lao động có yêu cầu về nhân lực biết sử dụng Tiếng Anh; các nhà giáo, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh; đại diện Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam (Phân hội VietTESOL).