Người làm giáo dục mong ước điều gì?

- Thứ Bảy, 21/01/2023, 23:03 - Chia sẻ

Sang năm mới Quý Mão, mọi người dân đều hi vọng nhanh chóng từ bỏ cách làm giáo dục truyền thống đã quá lỗi thời so với xu thế phát triển giáo dục hiện đại. Nhà trường của chúng ta cần phải thông minh, với hệ thống các lớp học thông minh.

Một thế giới biến động không ngừng, đầy những thách thức với con người

Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử của sự nghèo đói chứng minh rằng, các quá trình hiện đại hóa ở một nơi nào đó đã làm cho xã hội coi những người nghèo là người bị loại trừ.

Những kết quả nghiên cứu ấy được UNESCO coi như một cảnh báo đối với những nơi có một nền giáo dục yếu kém, nghĩa là một nền giáo dục tạo ra những lớp người thiếu sự thích ứng linh hoạt với những năng lực cần phải có với một thế giới biến động không ngừng, đầy những thách thức với con người.

Những nền giáo dục yếu kém thường thể hiện rõ nét nhất ở chương trình dạy học ép học sinh vào những khuôn mẫu cứng nhắc, những tri thức vừa thiếu, vừa thừa so với yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Hơn nữa, việc nhồi nhét kiến thức, trong đó không thiếu những kiến thức vô bổ lại đòi hỏi người học phải trả phí rất cao. Giáo dục giá cao là một loại rào cản với con em nhà nghèo. Rào cản đó đã bỏ lại không ít những con em các gia đình có mức thu nhập thấp. Điều này càng rõ đối với giáo dục đại học.

Theo những nguồn tin chính thức, nhiều trường đại học đang ồ ạt tăng học phí. Tính ra, ngành học thu học phí thấp nhất là 204,7 triệu đồng một khóa học và cao nhất là 765,9 triệu đồng. Những gia đình vừa thoát nghèo đều không dám mơ cho con vào trường đại học.

Người làm giáo dục mong ước điều gì? -0
Học sinh TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Tấn Thạch)

Đừng để giáo dục làm nơi mua bán

Điều mong mỏi thứ hai là đừng để giáo dục làm nơi mua bán. Chất lượng đào tạo, xếp hạng giáo viên, đánh giá trường đại học, viết luận văn, … đều dựa trên đồng tiền. Đó là sự xuống cấp nghiêm trọng của giáo dục. Sự xuống cấp này dẫn theo sự suy thoái đạo đức và sự yếu kém năng lực của hàng loạt người được sử dụng sau quá trình đào tạo.

Nguyên tắc cơ bản để phát triển giáo dục là ở chỗ, giáo dục phải vừa được coi là phúc lợi công cộng, đồng thời hệ thống nhà trường phải hoạt động như là những thiết chế của xã hội.

Nếu nhà trường tồn tại theo cơ chế thị trường thì nó sẽ là nguồn gốc cơ bản của sự loại trừ như nói ở trên. Nhà trường, dù là loại nào, tư thục hay dân lập hoặc công lập, đều phải được khẳng định là lĩnh vực hoạt động công cộng, là môi trường và là trung tâm xã hội hóa. Nó đóng góp vào việc giúp xã hội tăng tích lũy tri thức và vốn con người.

Giáo dục phải thật sự là một hệ thống các thiết chế đa tầng

Điều mong muốn thứ ba là, giáo dục phải thật sự là một hệ thống các thiết chế đa tầng, đa chức năng trong cấu trúc của xã hội học tập, qua đó tạo mọi cơ hội học tập suốt đời trong nhân dân.

Với yêu cầu này, nhà giáo có trách nhiệm cập nhật kiến thức và năng lực hàng ngày. Đời sống nghề nghiệp của họ phải được sắp xếp làm sao để họ có khả năng và nghĩa vụ hoàn thiện nghệ thuật sư phạm của họ và thừa hưởng những kinh nghiệm đã có trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.

Nghề dạy học, về cơ bản, là hoạt động đơn độc, với nghĩa là, mỗi nhà giáo phải một mình đối diện với những trách nhiệm của chính mình và với những bổn phận nghề nghiệp, nhất là trong những giai đoạn của giáo dục trung học, nhằm cải thiện tốt hơn chất lượng giáo dục.

Giáo dục khuôn mẫu sẽ phải thay thế cho giáo dục tự do

Sang năm mới Quý Mão, mọi người dân đều hi vọng nhanh chóng từ bỏ cách làm giáo dục truyền thống đã quá lỗi thời so với xu thế phát triển giáo dục hiện đại. Nhà trường của chúng ta cần phải thông minh, với hệ thống các lớp học thông minh.

Giáo dục trực tuyến theo tinh thần MỞ có thể giúp chúng ta bỏ được những chồng sách giáo khoa trước mặt học sinh. Nhà nước cần có Chương trình giáo dục dạy học cho từng cấp học, lớp học và từng bước bỏ sách giáo khoa. Lúc đó, giáo viên thật sự là những người sáng tạo ra những bài học, những bài thực hành, giúp học sinh tự kiến tạo ra tri thức mới, từ đó các em sẽ kiến tạo ra chính mình.

Các kỳ thi tốt nghiệp quốc gia vô cùng tốn kém mà ít hiệu quả nên bãi bỏ. Thi kiểu cổ điển không phát hiện và phát huy năng lực của học sinh. Rất cần tư duy lại về khái niệm “năng lực”. Học sinh giỏi toán, giỏi văn, giỏi hóa học, … theo chương trình dạy trong trường chuyên đã chắc gì sẽ trở thành nhà kinh doanh thành đạt, nhà sản xuất sáng tạo, nhà soạn nhạc tài ba, …

Nhà trường trong những năm tới là nhà trường của những thế hệ trẻ phải được tôn trọng, họ đại diện cho xã hội của thời đại số. Trong thế giới tràn ngập thông tin và tri thức được sản sinh theo tốc độ cấp số nhân, cái mà học sinh cần là được học với tinh thần khai phóng và khởi nghiệp.

Giáo dục khuôn mẫu sẽ phải thay thế cho giáo dục tự do để mọi năng lực đang tiềm ẩn trong từng học sinh sẽ được phát huy cao độ trong cuộc sống.

GS.TS. Phạm Tất Dong 
#