Đạt giải cao liên tiếp trong các kỳ thi Vật lý
Trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (APhO) vừa được tổ chức tại Malaysia, với sự tham gia của hơn 200 thí sinh của nhiều quốc gia trên thế giới, đoàn Việt Nam có 8 thí sinh tham dự và tất cả đều đoạt giải. Trong đó, Hoàng Tuấn Kiệt, học sinh lớp chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã xuất sắc giành Huy chương Đồng tại cuộc thi này.
Trên chặng đường học tập, Tuấn Kiệt cũng ghi dấu ấn với các thành tích nổi bật trong môn Vật lý như: Huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á 2024; Giải Nhất môn Vật lý kỳ thi chọn HSG Quốc gia năm 2024; Giải Nhất môn Vật lý kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh – chọn đội tuyển tham dự kỳ thi HSG Quốc gia năm 2024; Giải Nhì môn Vật lý kỳ thi chọn HSG Quốc gia năm 2023; Huy chương bạc kỳ thi chọn HSG các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2022 và 2023; Huy chương vàng kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên môn vật lý năm 2022.
Từ nhỏ, Tuấn Kiệt đã hình thành đam mê với các kiến thức khoa học tự nhiên. Em thường xem các kênh truyền hình khoa học như Discovery Channel hay National Geographic... và có thể xem đến quên ăn, quên ngủ.
Lớn hơn, chàng trai trẻ bắt đầu hình thành tâm lý tự cho rằng mình đúng. Do đó, để tránh sai lầm, Kiệt tìm hiểu sâu về các định lý dựa trên giả thuyết và lập luận logic để học cách chứng minh các quan điểm đưa ra.
Lên cấp 2, khi bắt đầu giải bài tập môn Vật lý, Kiệt nhận ra mình không tốn quá nhiều thời gian, công sức như các bạn đồng trang lứa. Với bài kiểm tra 45 phút, trong khi người khác mất đến 20-30 phút để làm bài, nam sinh chỉ cần 10-15 phút đã hoàn thiện.
Nói về phương pháp học tập, Tuấn Kiệt tự nhận mình có cách học tương đối “dị”. "Dị" trong cách học đó là nếu các bạn tập trung làm đề, thì em sẽ đi ngược lại. Kiệt chú trọng đọc lý thuyết và cố gắng sắp xếp kiến thức một cách logic nhất thông qua sơ đồ tư duy của riêng mình.
Tuấn Kiệt lấy ví dụ tư duy về vật lý hạt nhân. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần vạch ra 3 hướng: từ các định nghĩa, công thức cho đến ứng dụng. Ở mỗi hướng, Kiệt liên hệ lại với các phần đã được học; đồng thời xâu chuỗi chúng lại với nhau. Ví dụ như các công thức có thể liên hệ với phần cơ học (va chạm) và tương đối tính, còn ứng dụng liên hệ với các nhà máy điện hạt nhân, cuối cùng kết nối lại với điện từ học.
Nam sinh cũng tiết lộ, em không học nhiều, và không học theo bất kỳ quy chuẩn nào cụ thể. Học không quan trọng thời gian, chỉ cần hiệu quả và năng suất.
Lên cấp 3, Tuấn Kiệt thi đỗ vào lớp chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Giai đoạn này, để phục vụ việc thực hành thí nghiệm tại phòng lab, nam sinh thường xuyên bắt xe khách tới Hà Nội, có khi "cắm trại" tận một tuần.
Dẫu trời mưa hay nắng, cứ cuối tuần, Kiệt lại đều đặn đến phòng thí nghiệm cách nhà gần 200km. Để kịp chuyến xe, em hẹn báo thức dậy sớm. Xong việc, lại ra bến bắt xe quay về.
"Em không ngại đường xa, chỉ cần được làm việc mình thích và cảm thấy công sức bỏ ra gặt hái được kết quả là sẽ làm đến cùng", Kiệt chia sẻ.
Từ chối danh hiệu "chàng trai vàng" Vật lý của xứ Thanh
Đạt Huy chương Đồng trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (APhO) là cột mốc giúp Tuấn Kiệt được biết đến nhiều hơn, cũng là "tấm vé" để nam sinh được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy vậy, chàng trai trẻ không quá hài lòng với thành tích đạt được. Kiệt tâm sự, bản thân đã kỳ vọng xếp thứ hạng cao hơn, nhưng đến khi thực hành lại lỡ làm sai quy trình gây ảnh hưởng đến kết quả.
"Đến giờ ngẫm lại, em vẫn xem đó như một thất bại bởi đã bất cẩn và không để ý đến tiểu tiết. Từ đó, em rút ra bài học cần để ý hơn ngay từ những điều nhỏ nhặt xung quanh mình", Kiệt nói.
Trước thành tích Vật lý nổi bật, trên các diễn đàn học tập, nhiều người ưu ái phong tặng Tuấn Kiệt danh hiệu "chàng trai vàng" Vật lý của xứ Thanh. Đứng trước biệt danh này, Tuấn Kiệt khiêm tốn từ chối. Em cho rằng còn nhiều "nhân tố" sáng và tài năng hơn mình.
Như khi trò chuyện với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Tuấn Kiệt luôn nhắc đến các thành viên trong đội tuyển Olympic Vật lý châu Á. Họ không chỉ là đồng đội, mà còn là các "đối thủ ngầm", đặt Kiệt trong tâm thế phải luôn tiến lên để ngang hàng cùng các bạn.
"Tuy trong đội tuyển, nhưng các thành viên giữ cường độ học vừa đủ. Thời gian rảnh, thay vì lên mạng xã hội, cả nhóm sẽ tập trung lại và trao đổi về Vật lý. Bài khó trên lớp không giải được, chúng em sẽ chia thành hai phe cùng thảo luận đến khi ra vấn đề mới thôi", Kiệt tâm sự.
Nam sinh cũng bật mí, dù là một trong những thành viên cốt cán của đội, nhưng vẫn nhiều lần mải chơi... quên học. Sở thích của Kiệt là chơi game đua xe F1. "Cũng bởi phải tính vận tốc tối ưu của cuộc đua để giành chiến thắng, nên từ đó em đem lòng yêu luôn môn Vật Lý", Kiệt hài hước cho biết.
Trở thành tân sinh viên Ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội là bước "chuyển đổi" trong cuộc sống của Kiệt, khi trước giờ các kiến thức xung quanh luôn gắn liền với Vật lý. Chưa từng tiếp xúc sâu với công nghệ thông tin, nhưng nam sinh khẳng định không sợ khi bắt đầu một ngành học mới.
"Ngành em chọn được đánh giá là ngành "hot" của Đại học Bách khoa với nhu cầu thị trường cao, sinh viên sau tốt nghiệp có thể kiếm ngay việc làm. Bên cạnh đó, dù là Công nghệ thông tin hay Vật lý đều sẽ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Em tin mọi người đã học được, thì mình cũng làm được", Tuấn Kiệt nêu quan điểm.
Được biết, Hoàng Tuấn Kiệt sẽ nhập học tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 9 tới. Hiện nam sinh đang tích cực học thêm các khóa học về phần mềm máy tính để phục vụ tốt chuyên ngành đã chọn.