Em Lê Vinh Điển, học sinh lớp 12I3, Trường THCS, THPT Đinh Thiện Lý (TP.Hồ Chí Minh) vừa xuất sắc trúng tuyển 6 đại học Mỹ. Trong đó, có 3 đại học được xếp hạng Top 20 thế giới theo Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới của Mỹ (US News Global 2022 - 2023), gồm: UC Los Angeles (thứ 14), University of Michigan - Ann Arbor (thứ 19), UC San Diego (thứ 20).
Các trường còn lại gồm: Ohio State University (thứ 55), UC Davis (thứ 73) và UC Irvine (thứ 84).
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân, Vinh Điển tâm sự đã xác định chọn ngành Kỹ thuật Hóa học từ sớm và nộp hồ sơ vào các đại học khác nhau cùng có ngành này. Đến nay, em chưa quyết định về ngôi trường sẽ theo học trong các trường đã trúng tuyển.
Lý do Điển chọn ngành Kỹ thuật Hóa học một phần vì thấy bản thân có khả năng học tập các môn trong khối ngành khoa học tự nhiên, phần còn lại vì em nhận ra niềm đam mê đặc biệt với việc làm thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và tìm hiểu về những nguyên lý tự nhiên.
“Hy vọng rằng khi học ngành này, em sẽ có cơ hội trực tiếp khám phá những điều mới, những nguyên lý mới về tự nhiên xung quanh mình”, Điển nói.
“Thuộc top xuất sắc nhất trong những học sinh xuất sắc”
Vinh Điển là học sinh giỏi toàn diện của Trường THCS, THPT Đinh Thiện Lý. Điểm trung bình chung học tập của em qua các năm luôn đạt từ 9.3 trở lên.
4 năm liên tiếp từ lớp 9 tới lớp 12, Điển đều giành giải thưởng khoa học kỹ thuật học sinh cấp Thành phố (lớp 9 giải Ba, lớp 10 giải Nhất, lớp 11 giải Nhì, lớp 12 giải Ba). Em có 2 năm là Học sinh giỏi môn Sử (giải Nhì) cấp Thành phố; 1 lần Huy chương bạc Olympic tiếng Anh, 1 lần Huy chương bạc Olympic Sử cấp Thành phố. Năm lớp 10, Vinh Hiển giành giải Vô địch cuộc thi robot toàn quốc và được đại diện đi thi quốc tế.
Em cũng là 1 trong 4 đại diện học sinh Việt Nam được tham gia Trại hè nghiên cứu khoa học Châu Á tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2022.
Từ năm lớp 11 đến nay, Vinh Điển đã công bố 3 công trình nghiên cứu khoa học về môi trường và công nghệ hóa; trong đó có 2 công trình trên các tạp chí ISI là đồng tác giả và 1 công trình ISI là tác giả chính. Nghiên cứu do em là tác giả chính cũng được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế tại Đại học quốc gia Cao Hùng, Đài Loan.
Thầy Nguyễn Hoài Phương - giáo viên chủ nhiệm các năm lớp 8, lớp 11 của Điển, cũng là giáo viên giảng dạy em môn Hóa và Nghiên cứu khoa học nhận xét, Vinh Điển là cậu học trò có năng lực rất đặc biệt. “Trường Đinh Thiện Lý có nhiều em học sinh xuất sắc và Điển luôn nằm trong top những học sinh xuất sắc nhất. Tôi chưa từng gặp học sinh nào có năng lực đặc biệt như vậy”, thầy Phương nói.
Theo thầy Phương, ngay từ lớp 8, Vinh Điển đã thể hiện bản thân xuất sắc trong mọi môn học, kể cả ở những môn không quá quan trọng cho mục tiêu du học như nhiều người vẫn nghĩ. Dù với nhóm môn tự nhiên hay xã hội, Điển đều bật lên vượt trội, có điểm số ở mức rất cao.
“Tại Trường Đinh Thiện Lý có giảng dạy môn Nghiên cứu khoa học. Nếu như lớp 8, lớp 9 là thời gian các bạn học nghiên cứu khoa học cơ bản thì Điển đã có thể làm nghiên cứu chuyên sâu, đã có một đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội đạt giải Thành phố”, thầy Phương nói.
Thầy Phương đặc biệt ấn tượng với Vinh Điển ở tinh thần ham học hỏi. Trong bất kỳ môn học nào, em luôn sẵn sàng làm đi làm lại bài nhiều lần nếu chưa hiểu, có thể gửi email hàng chục lần với giáo viên để hỏi về một vấn đề em thắc mắc, sau khi đã tự tìm đọc các tài liệu tham khảo. Thầy Phương và các thầy cô bộ môn khác đều bất ngờ khi lần đầu có một học sinh “hối thúc” giáo viên phản hồi bài cho mình, thay vì ngược lại là giáo viên phải hối thúc học sinh làm bài.
“Một bài luận thông thường, trong khi đa số các bạn chỉ tìm khoảng 5 tài liệu tham khảo thì Điển có thể chịu khó tìm tòi tới 50 tài liệu tham khảo, mà toàn bộ là tiếng Anh. Em đầu tư một cách nghiêm túc cả thời gian, công sức cho tất cả các môn học.
Tôi nhớ năm Điển học lớp 11, khi giảng dạy môn Hóa, tôi thường cho lớp viết luận về các chủ đề khác nhau thay vì việc kiểm tra, đánh giá thông thường. Đôi khi, đọc bài luận của Điển, tôi phải lật ngược sách chuyên ngành để coi vấn đề này em viết có đúng hay không, tức là kiến thức đó hoàn toàn nằm ngoài kiến thức một học sinh lớp 11 có thể nắm. Tôi tự hỏi, không biết Điển có thực sự hiểu điều mình viết không, nhưng khi hỏi thử thì em nắm rất vững các kiến thức. Đây là điều khiến tôi rất ấn tượng”, thầy Phương kể.
Bí quyết quản lý thời gian học hiệu quả
Vinh Điển tâm sự, thực tế, việc em đạt thành tích tốt ở tất cả các môn học không phải là điều quá dễ dàng. Cũng không ít lần, Điển phải thức đêm học bài, đánh đổi thời gian ngủ để học.
Tuy nhiên, một trong những cách giúp em học đều và tiết kiệm thời gian nhất có thể là trong từng môn học, em sẽ cố gắng tìm hiểu lý do tại sao bản thân “cần học”.
“Em nghĩa rằng nếu cảm thấy không thích, không học được một bộ môn là do chúng ta không tìm ra được lý do tại sao phải học. Do đó, em luôn cố gắng tìm hiểu tại sao mình phải học môn này, nó có lợi ích gì với mình. Khi biết được lý do, em sẽ có động lực học hơn, học với một thái độ tích cực hơn, từ đó việc học sẽ hiệu quả hơn”, Điển nói.
Để quản lý thời gian hiệu quả nhất, Điển cho biết ngoài việc cố gắng nắm chắc kiến thức ngay trong giờ giảng của thầy cô, em sẽ tận dụng 100% thời gian các giờ tự học trên trường để hoàn thành bài tập và hỏi bạn bè, thầy cô những nội dung em chưa hiểu.
Ngoài ra, sau khi tan học, đôi khi em cố gắng ở lại trường muộn hơn để hỏi thêm thầy cô nếu còn kiến thức chưa nắm rõ. Từ đó, khi về nhà, lượng bài vở sẽ được giảm thiểu đáng kể, Điển có nhiều thời gian hơn cho những hoạt động khác.
Không chỉ có thành tích học tập tốt, Vinh Điển xuất sắc ở cả các hoạt động thể thao và hoạt động ngoại khóa. Ngay từ những năm tiểu học, em đã tham gia đội tuyển bóng rổ của trường và giành giải Nhất cấp quận. Lên cấp trung học, em tiếp tục tham gia các giải bóng rổ cấp quận và nhiều năm liên tiếp có mặt trong đội tuyển bóng rổ của quận tham dự giải đấu cấp Thành phố.
Tại Trường THCS, THPT Đinh Thiện Lý, Điển là thành viên tích cực của câu lạc bộ gia sư, nơi em và các bạn học tốt được phân vào từng nhóm môn học khác nhau để hỗ trợ cho những học sinh khác cần sự giúp đỡ, hướng dẫn. Em cũng tham gia vào câu lạc bộ thiện nguyện cùng các bạn, đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn trong thành phố.
Vinh Điển đồng thời là người sáng lập, Chủ nhiệm một câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong Trường THCS, THPT Đinh Thiện Lý, thường xuyên hướng dẫn cho các em khóa dưới (lớp 6, lớp 7) kiến thức về thực hành thí nghiệm, về nghiên cứu khoa học trước khi các em tiếp xúc với môn nghiên cứu khoa học ở lớp 8.
Trong suốt 2 năm câu lạc bộ thành lập, Điển cùng các bạn đã tổ chức 2 chuyến đi thiện nguyện đến 2 huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để mở triển lãm khoa học, chia sẻ về lợi ích của hoạt động khoa học công nghệ tới các em học sinh THCS tại đây.
Trong đó, chuyến đi lần thứ 2 đặc biệt hơn khi thu hút 800 học sinh và có cả giáo viên đến từ 16 trường THCS khác nhau trong địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tác giả chính trong công bố quốc tế trên tạp chí thuộc ISI
Tháng 3 năm 2023, tạp chí mở Materials Research Express của nhà xuất bản IOP Publishing thuộc sở hữu của Hội Vật Lý Anh Quốc - một tạp chí chuyên về khoa học vật liệu đã đăng tải bài báo nghiên cứu khoa học của Lê Vinh Điển. Materials Research Express nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín ISI. Nghiên cứu này sau đó cũng được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế tại Đại học Quốc gia Cao Hùng, Đài Loan.
Nghiên cứu do Điển là tác giả chính, được thực hiện từ tháng 5 năm 2021 tới nay, về vấn đề tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp bã mía để tạo nên sản phẩm giá trị gia tăng. Thông qua việc cô lập thành phần cellulose có nhiều trong bã mía, Vinh Điển tiến đến việc nghiên cứu tổng hợp ra cellulose kích thước micromet để gia cường cho nhựa PVA, một màng nhựa có thể phân hủy sinh học được.
Kết quả của nghiên cứu này vừa giúp tăng cường đặc điểm về vật liệu của màng nhựa PVA (bởi cơ tính của màng nhựa PVA không bằng được các màng nhựa truyền thống), vừa giúp màng nhựa PVA có thể phân hủy tốt hơn, có ý nghĩa với việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Trước khi được tạp chí Materials Research Express chấp nhận xét duyệt để công bố, Điển từng gửi đề tài tham dự các cuộc thi quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia. Từ những phản biện của giám khảo các cuộc thi, Điển tìm cách cải thiện đề tài để ra được kết quả hoàn thiện nhất.
Bên cạnh nghiên cứu nói trên, Vinh Điển cũng có 2 nghiên cứu là đồng tác giả với các sinh viên, giảng viên đại học, đều thuộc lĩnh vực kỹ thuật hóa học, môi trường; hướng tới vấn đề xử lý nước thải.
Điển cho hay, năm lớp 8, ngay khi được tiếp xúc, làm quen với môn Nghiên cứu khoa học, em đã cảm thấy yêu thích, say mê môn học này.
“Quá trình nghiên cứu và khám phá ra những điều có thể không quá mới đối với nhân loại nhưng mới mẻ đối với mình, việc tìm ra được một điều gì đó mình chưa biết tạo cho em niềm vui và hạnh phúc rất lớn. Em tự hỏi, làm nghiên cứu khoa học cho mình kiến thức, nhiều giá trị tích cực như vậy, tại sao không theo đuổi? Đó là lý do em quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học cho tới bây giờ”, Điển bộc bạch.
Thầy Nguyễn Hoài Phương đặc biệt đánh giá cao Vinh Điển ở tính trung thực trong nghiên cứu.
“Chưa bao giờ vì phải đạt thành tích này, thành tích kia mà Điển từ bỏ sự trung thực của mình. Đề tài em nghiên cứu đều do em tự làm từ đầu tới cuối, dù thầy cô có giúp đỡ cũng chỉ mang tính định hướng, hỗ trợ. Điển vẫn muốn tự làm, không có bỏ một quá trình nào. Kết quả ra chưa phù hợp, em sẵn sàng làm lại thay vì chỉnh sửa kết quả hay là số liệu để xong nghiên cứu”, thầy Phương chia sẻ.
Thầy Phương nhớ như in có lần, Điển có cơ hội tham gia vào một nhóm nghiên cứu. Lẽ ra, đây là cơ hội tốt để em có thêm “hồ sơ đẹp”, dễ dàng xin vào các trường đại học hơn. Tuy nhiên, Điển từ chối với lý do nhóm nghiên cứu đã đi được 3/4 đoạn đường, em không làm trọn vẹn từ đầu tới cuối nên không muốn ghi tên trong danh sách tác giả.
Cũng theo thầy Phương, dù có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc nhưng trên lớp , Điển luôn hòa đồng, gần gũi với bạn bè.
Vinh Điển tâm sự, em đặt mục tiêu sau khi học xong đại học sẽ học lên thạc sĩ, tiến sĩ ở Hoa Kỳ. Sau đó, tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu ở trường đại học hoặc làm việc cho các công ty tư nhân, công ty Nhà nước liên quan đến lĩnh vực môi trường, vật liệu mới.
“Vấn đề về ô nhiễm môi trường hay tìm kiếm ra những vật liệu phù hợp hơn với con người đang là chủ đề nóng, rất cần thiết hiện nay. Em hy vọng trong và sau quá trình học được trực tiếp làm việc ở những lĩnh vực đó, để có thể đóng góp cho xã hội trong những mảng này”, Vinh Điển bày tỏ.