Nam sinh Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2024 lựa chọn vào Đại học Y Hà Nội

Đặng Tuấn Anh - học sinh lớp chuyên Sinh, Trường THPT Chu Văn An (TP. Hà Nội) là một trong 3 gương mặt xuất sắc của đội tuyển Việt Nam đạt được Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 đã lựa chọn trường Đại học Y Hà Nội để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ.

Đây cũng là thành tích tiếp nối chuỗi thành tích cao mà các đoàn học sinh Việt Nam đạt được tại các Kỳ thi Olympic quốc tế trong những năm gần đây.

Hành trình mới lạ và nhiều trải nghiệm

Trở về nước trưa 15.7, sau một tuần thi cử ở Kazakhstan, Tuấn Anh vẫn không hết bồi hồi khi giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024. 

"Thời điểm ban tổ chức công bố giải từ thấp lên cao, em vô cùng lo lắng không biết tên được xướng lúc nào. Khoảnh khắc biết mình đạt Huy chương Vàng, em như vỡ òa trong hạnh phúc", Tuấn Anh xúc động. 

IBO là kỳ thi quốc tế đầu tiên Tuấn Anh tham dự. Nam sinh cùng các bạn trong đội tuyển trải qua 2 ngày thi chính thức. Trong đó, 1 ngày thi lý thuyết với 2 bài và 1 ngày thi thực hành với 4 bài thí nghiệm về sinh học phân tử, hóa sinh, giải phẫu và sinh lý động vật, tin - sinh học. Thời gian thi kéo dài trong 6 – 8 giờ /ngày.

z5639922463404_75999d332ca77ef884b2a7b7d27fa3ee.jpg -0
Tuấn Anh chụp ảnh tại sân bay sau khi trở về nước (Ảnh: NVCC)

Tuấn Anh hoàn thành khá tốt các phần thi. Em ấn tượng nhất phần giải phẫu và sinh lý động vật, với đề bài xác định các thành phần cấu trúc của mắt con cừu.

"Đề bài khá mới, trước đó em chưa từng thử qua. Nhưng em vẫn bình tĩnh, làm theo lời thầy cô tập suy luận khi gặp dạng bài lạ", Tuấn Anh nói. 

Để chuẩn bị cho kỳ thi quốc tế, Tuấn Anh tập trung ôn tập ngay từ năm lớp 10. Nam sinh đặt mục tiêu học hiểu, học hết các lý thuyết và kiến thức, sau đó chuyển sang luyện đề để rèn phản xạ.

Quá trình luyện đề, Tuấn Anh giải liên tục từ các đề trong nước đến quốc tế. Nam sinh có cách học khá khác biệt. Như để tiết kiệm thời gian, thay vì viết ra đáp án, em tự nhẩm trong đầu rồi chuyển sang đề tiếp theo. 

Lý giải về cách học này, Tuấn Anh cho hay, Sinh học hay các môn Khoa học tự nhiên đều có kiến thức nền tảng ban đầu. Chỉ cần học kỹ các kiến thức gốc đó đã có thể luyện đề một cách thuần thục. Đây cũng là phương pháp giúp Tuấn Anh đạt nhiều giải cao tại các kỳ thi Sinh học trong nước và quốc tế.

z5639919715775_e47e6a19e7c92889f616ba5543447921.jpg -0
Đội tuyển Việt Nam chụp ảnh tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024

Chặng đường trở thành 1 trong 4 thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế 2024 khá khó khăn với Tuấn Anh. Để nắm chắc "tấm vé" vinh dự này, thí sinh cần ôn luyện một khối lượng kiến thức lớn, cũng như trải qua 4-5 vòng đấu chọn ra các thành viên xuất sắc.  

Trong quá trình ôn tập cho IBO, nam sinh làm tất cả dạng bài lý thuyết và thực hành theo cuốn sách giáo khoa Sinh học Campbell, được mệnh danh là "bách khoa toàn thư Sinh học". Em cũng tích cực làm thêm thí nghiệm, đọc sách của các thầy cô ôn luyện đội tuyển.

"Đây là một hành trình mới, thú vị và nhiều trải nghiệm với em. Khi nhìn lại, em cảm thấy tự hào bởi công sức bỏ ra đã kết "quả ngọt"", Nam sinh chuyên Sinh nhấn mạnh. 

Ước mơ trở thành bác sĩ cứu người

Trước khi đến với tấm Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế 2024, Tuấn Anh từng được vinh danh là "chàng trai vàng trong làng thủ khoa", khi liên tiếp đạt các giải thưởng: Huy chương Vàng - Thủ khoa Học sinh giỏi các trường chuyên Duyên Hải- Đồng Bằng Bắc Bộ (lớp 10); giải Nhất Học sinh giỏi sinh học TP. Hà Nội, Huy chương Vàng – Thủ khoa học sinh giỏi các trường chuyên Duyên Hải - Đồng Bằng Bắc Bộ; giải Nhì học sinh giỏi quốc gia sinh học (lớp 11); giải Nhất - Thủ khoa học sinh giỏi quốc gia Sinh học.

z5639919720596_0da4f61425d5eb26a807d23a67017cb0.jpg -0
"Chàng trai vàng trong làng thủ khoa" liên tiếp đạt các giải cao trong kỳ thi Sinh học (Ảnh: NVCC)

Từ năm lớp 9, Tuấn Anh xác định học nghiêm túc môn Sinh học để thi vào lớp chuyên Sinh của Trường THPT Chu Văn An. Nhà ở ngoại thành Hà Nội, không có nhiều điều kiện học thêm nên nam sinh chủ yếu tự học. 

"Em học lần lượt các kiến thức, từ dễ đến khó. Khi đã nắm vững thì chuyển sang làm đề. Trong quá trình luyện tập, nếu cảm thấy chưa rõ kiến thức phần nào sẽ ôn luyện lại phần đó", Tuấn Anh cho biết. 

Lên lớp 10, Tuấn Anh bắt đầu học kiến thức nâng cao về sinh học. Em đăng ký tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi để thử sức. Trung bình một ngày, Tuấn Anh dành 4-6 tiếng ôn luyện môn Sinh học. Càng học, càng trở nên say mê và thúc đẩy mong muốn khám phá nhiều kiến thức hơn nữa. 

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm kiêm cô giáo dạy sinh của Tuấn Anh ví nam sinh như một "ngôi sao nhỏ" rất sáng. Em đã phát huy năng lực ngay từ lúc học trong đội tuyển và trở thành một niềm tự hào mới của thầy cô và nhà trường nói chung; của chuyên Sinh K114 Trường Bưởi - Chu Văn An nói riêng.

"Cậu học trò cũng vô cùng chăm chỉ, chăm chú nghe giảng và tích cực luyện đề theo hướng dẫn của thầy cô. Tự học tốt là một điểm mạnh của Tuấn Anh. Em có sự kỷ luật và biết vạch ra các kế hoạch để theo đuổi mục tiêu của mình", Cô Thanh nhận xét. 

z5639922472988_94f8d35f169e340a9cb48cae618fca42.jpg -0
z5639922517199_8218829c7dfae49f84e19ac7342dd162.jpg -0
Tuấn Anh chụp ảnh cùng thầy cô và học sinh Trường THPT Chu Văn An sau khi trở về nước (Ảnh: NVCC)

Đạt được Huy chương Vàng trong kỳ thi quốc tế là một "bước ngoặt" lớn trong cuộc đời Tuấn Anh. Em gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đã dìu dắt, hướng dẫn đội tuyển trong suốt quá trình thi, trao cho các thành viên nhiều cơ hội thử sức để tin tưởng hơn năng lực của mình. 

Hiện Tuấn Anh đã được tuyển thẳng vào ngành Y khoa của trường Đại học Y Hà Nội. Nam sinh nhìn nhận cơ hội là bước đệm vững chắc để em tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ.

Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 35 năm 2024 (IBO) được tổ chức tại nước Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 7.7.2024 đến ngày 13.7.2024 với 81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia.

Năm nay đội tuyển Việt Nam có 4 học sinh dự thi Olympic Sinh học Quốc tế.  Kết quả, 4/4 học sinh đoạt huy chương, trong đó có tới 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đây cũng là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại IBO, kể từ năm 2019 đến nay.

Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?
Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?

Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất, bản lĩnh hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? …

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt
Chính trị

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang kiến nghị quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành theo cấp độ đào tạo và theo vùng kinh tế, để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt theo từng lĩnh vực khác nhau. Qua đó bảo đảm sự cân bằng, hiệu quả về cơ cấu, số lượng, trình độ lao động theo đặc điểm từng vùng kinh tế.

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi
Giáo dục

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi

Để thu hút giảng viên trình độ cao, các cơ sở giáo dục đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh đang “tung” nhiều chính sách hấp dẫn. Việc này nhằm tăng chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng theo chuẩn, đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn
Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích cách quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025 đang gây tranh luận

Chiều ngày 3.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về cách quy đổi điểm các phương thức xét tuyển đại học năm 2025, đang gây tranh luận trên các diễn đàn như cách tính điểm quy đổi giữa các phương thức tuyển sinh?, nếu có sự chênh lệch trong việc quy đổi điểm với thực lực của thí sinh, Bộ có kế hoạch gì để đánh giá lại chất lượng đầu vào?, độ tin cậy về dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ khi xét tuyển đại học?...

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57
Giáo dục

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57

Chiều 3.4, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp theo nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm
Giáo dục

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.