Hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi Đánh giá năng lực
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường đại học dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL). Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức. Theo lãnh đạo một số trường đại học, năm nay sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực.
Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, năm 2023, Đại học Quốc gia TP HCM thông báo dành ít nhất 45% chỉ tiêu tuyển sinh từ điểm thi Đánh giá năng lực, tăng so với mức 40% của năm 2022.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ được tổ chức vào hai đợt cuối tháng 3 và tháng 5.
Năm 2022 Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức 02 đợt thi Đánh giá năng lực vào tháng 3 và tháng 5. Kết quả của kỳ thi Đánh giá năng lực được sử dụng như một phương thức xét tuyển vào 10 đơn vị thành viên ĐHQuốc gia TP. HCM và hơn 70 trường ĐH, CĐ bên ngoài sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Theo thống kê của nhà trường, năm 2022, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM tuyển khoảng 22.000 chỉ tiêu, gần 35,4% thí sinh nhập học bằng phương thức xét điểm đánh giá năng lực.
Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên con số 17 trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An... Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi Đánh giá năng lực (HSA) để xét tuyển. Nhiều trường đại học phản hồi đánh giá cao nguồn tuyển thí sinh dùng bài thi Đánh giá năng lực.
Năm 2023 các trường đang xây dựng Đề án thi nên chưa có số liệu tổng hợp nhưng chúng tôi tin rằng với uy tín và chất lượng của kỳ thi HSA sẽ có nhiều ngành đào tạo, nhiều trường đại học trong cả nước sử dụng để tuyển sinh thời gian tới.
Ngoài ra, từ dữ liệu thi đánh giá năng lực năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi HSA và điểm bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, có thể nhiều trường đại học phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi HSA để xét tuyển.
Tương tự, các trường đại học phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực.
Kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4 và tháng 5.2023. GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường cho biết, thí sinh có thể lựa chọn đăng kí một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng kí dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy.
Hiện có 7 trường đại học sư phạm lớn về cơ bản thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển gồm: Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Vinh, Trường đại học sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH sư phạm TP.HCM. Do vậy, kỳ thi này không chỉ là phương án xét tuyển mà trở thành một kỳ thi riêng.
Đối với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tăng dần chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực từ năm 2023.
“Kỳ thi đánh giá năng lực giúp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường đại học khác tuyển chọn được các sinh viên có năng lực phù hợp. Đồng thời, góp phần giảm đáng kể chi phí từ ngân sách nhà nước và chi phí của xã hội cho các kỳ thi tuyển sinh, tạo điều kiện để thí sinh chọn đúng và trúng tuyển ngành đào tạo, trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân” – GS Minh nhấn mạnh.
Các trường đại học cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch
Trước thực tế xét tuyển đại học hiện nay với quá nhiều phương thức do các trường tự đặt ra dẫn đến khó khăn cho thí sinh. Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học với giáo dục đại học mới đây, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tới việc “các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.".
Để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Năm 2022, toàn hệ thống giáo dục đại học, có hơn 300 cơ sở đào tạo (bao gồm cả phân hiệu trường đại học và trường cao đẳng), 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng.
Trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 này là 567.018 (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỉ lệ 91,4% số với số thí sinh đăng ký xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho rằng, các trường đại học được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. Nhìn một cách logic, khi tỉ lệ trúng tuyển và tỉ lệ nhập học cao, tỉ lệ các trường tuyển được tốt cũng sẽ cao.
“Trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh” – Bà Thuỷ nhấn mạnh.