Mô hình tháo gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên tiếng Anh cho vùng khó khăn

- Thứ Bảy, 10/06/2023, 06:09 - Chia sẻ

Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nhấn mạnh, mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã giúp cho huyện này tháo gỡ được nút thắt thiếu giáo viên tiếng Anh.

Ngày 9.6, tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Công ty Cổ phần Giáo dục iSMART (thành viên của Tổ chức Giáo dục Equest) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả thẩm định “Mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (iLink)”.

Mô hình iLink là việc dạy chương trình iSMART (chương trình dạy và học Tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học, các bài giảng số xây dựng theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo đó, vào một giờ cố định, giáo viên iSMART sẽ kết nối trực tuyến với các giáo viên đồng giảng tại địa phương để trực tiếp dẫn dắt buổi học cùng lúc cho hàng trăm lớp học, với hàng nghìn học sinh tham gia.

Bài giảng số được cài đặt vào máy tính tại các lớp học ở địa phương. Giáo viên đồng giảng không nhất thiết phải biết Tiếng Anh, sẽ được tập huấn sử dụng phần mềm và quy trình vận hành một buổi học theo giáo án do iSMART cung cấp.

Giáo viên iSMART giảng dạy, hướng dẫn trực tuyến cho tất cả các lớp, đồng thời có thể tương tác bổ trợ với một lớp học cụ thể. Giáo viên đồng giảng có thể cho học sinh học lại bao nhiêu lần tùy thích bằng cách lặp lại quy trình học theo kịch bản đã có. Học sinh có thể ôn bài hoặc học lại khi truy cập vào kho tài nguyên số của chương trình.

Mô hình tháo gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên tiếng Anh cho vùng khó khăn -0
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Equest phát biểu tại Hội thảo

Mục tiêu phổ cập tiếng Anh cho trẻ em mọi miền của đất nước

Theo ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Equest, dự án iLink chính thức triển khai từ tháng 1 năm 2023 tại địa phương đầu tiên là huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Tới nay, mô hình này đã tiếp tục triển khai tại Nam Trực (Nam Định), Thái Thụy (Thái Bình) và dự kiến có thêm nhiều huyện khác cùng tham gia, đặc biệt là các địa phương miền núi. Đối tượng tham gia là toàn bộ học sinh bắt đầu từ khối 1, học cuốn chiếu tới hết cấp tiểu học.

Ông Chiến nhấn mạnh, mục tiêu của dự án là phổ cập được tiếng Anh cho trẻ em mọi miền của đất nước. Bên cạnh đó, tạo sự tiếp cận bình đẳng cho học sinh, giúp các cháu được học một chương trình tiếng Anh có chất lượng mà chi phí rất thấp.

Đối với những trường hợp đặc biệt như huyện Mù Cang Chải - địa phương rất khó khăn, Công ty Cổ phần Giáo dục iSMART đã miễn phí toàn bộ công tác triển khai chương trình.

Mục đích sâu xa hơn của mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, theo ông Chiến là để thực hiện các chỉ đạo và các mục tiêu của đất nước: tạo ra nguồn lực có chất lượng sau này. Bởi trong môi trường hội nhập quốc tế hiện nay, năng lực ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh hết sức cần thiết đối với người lao động.

“Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục 2018 đã đặt ra rất nhiều mục tiêu cụ thể cho học sinh. Nhưng để thực hiện được các mục tiêu, các nhiệm vụ đó, tôi cho rằng chưa thực sự có nhiều giải pháp. Mô hình này cũng là một trong những giải pháp thiết thực giúp thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT đề ra cho các địa phương”, ông Chiến cho hay.

Mô hình tháo gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên tiếng Anh cho vùng khó khăn -0
Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao quyết định chứng nhận kết quả thẩm định mô hình iLink

Theo ông, dự án iLink thú vị ở việc sử dụng yếu tố công nghệ để “nhúng” học sinh vào trong  môi trường ngôn ngữ bản ngữ. Các em được tương tác với bài học, với ngữ cảnh trực tiếp thay vì chỉ tương tác qua giáo viên. Các bài giảng số được lồng tiếng bản ngữ qua video, các trò chơi,… Từ đó, giúp học sinh học ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Ông Chiến cũng nhấn mạnh, nhờ vào giải pháp công nghệ nói trên, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề quy mô, tức là với một lần dạy có thể dạy được rất nhiều học sinh, đảm bảo nhu cầu phổ cập giáo dục.

“Nếu với cách sử dụng giáo viên trực tiếp như hiện nay, chắc chắn vấn đề thiếu giáo viên sẽ còn tồn tại lâu dài tại các vùng khó khăn, chất lượng học không thể nào đảm bảo được. Bởi vì ngoại ngữ có tính cá thể hóa rất là cao, giáo viên giỏi thì học sinh giỏi. Giả sử giáo viên phát âm chưa chuẩn, học sinh cũng sẽ học theo.

Chúng tôi muốn có một chuẩn chung và áp dụng cho số đông nhất có thể. Việc “nhúng” các em vào môi trường ngôn ngữ bản ngữ sẽ giúp hình thành các kỹ năng một cách tự nhiên, thay vì kỹ năng do một giáo viên trực tiếp rèn luyện”, ông phân tích.

Tháo gỡ khó khăn cho huyện miền núi thiếu giáo viên Tiếng Anh

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay, huyện có 40 cơ sở giáo dục, đào tạo trên 22.000 học sinh. Trong đó, khối tiểu học có 16 trường đào tạo trên 9.200 học sinh.

Theo ông Khang, huyện Mù Cang Chải có 16 trường tiểu học, tuy nhiên chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh. Như vậy, để đáp ứng được theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là áp lực lớn của địa phương.

Mô hình tháo gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên tiếng Anh cho vùng khó khăn -0
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Mặc dù chính quyền tỉnh đã hết sức quan tâm đến việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh nhưng nguồn đầu vào không có, kỳ thi tuyển dụng không có nguồn giáo viên đăng ký tham gia.

Ông Khang cho rằng có thể có nhiều yếu tố dẫn đến việc này, tuy nhiên một trong những nguyên nhân lớn là giáo viên Tiếng Anh gần như chỉ công tác tại vùng xuôi, khó lên những vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải.

Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nhấn mạnh, việc được phối hợp triển khai mô hình dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã giúp cho huyện tháo gỡ việc đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT và thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, gỡ được nút thắt không có giáo viên tiếng Anh.

Sau một kỳ học triển khai dự án, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các đơn vị trường, kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy số học sinh đạt điểm Tiếng Anh từ 5 - 8 điểm chiếm đến 60%, số em đạt 9 - 10 điểm chiếm trên 2,5%.

“Tôi cho rằng mô hình này rất hiệu quả và nếu được triển khai, duy trì thì không những Mù Cang Chải chúng tôi mà nhiều địa phương khác đang khó khăn về giáo viên tiếng Anh trước yêu cầu của chương trình GDPT 2018 cũng được hỗ trợ rất tốt”, ông Khang nhấn mạnh.

Để cải thiện vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh tại địa phương, ông Lê Ngọc Khang cũng cho biết đã có buổi gặp gỡ với Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội để kiến nghị trường mở lớp đào tạo văn bằng hai tiếng Anh cho đối tượng là giáo viên hiện đang giảng dạy tại Mù Cang Chải.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện sẽ có báo cáo đề xuất với Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái, cũng như UBND tỉnh để tạo những hành lang pháp lý giúp cho địa phương giải quyết vấn đề này.

Nguyễn Liên
#