Lời phát biểu lay động trái tim khi nhắc tới người mẹ nông dân của thủ khoa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội

- Thứ Tư, 25/10/2023, 15:59 - Chia sẻ

"Con xin cảm ơn mẹ, người mà chúng con luôn tự hào gọi là người mẹ nông dân sở hữu hai bằng kỹ sư Bách khoa. Gia đình là hậu phương vững chắc nhất của con. Có mọi người ở bên động viên, con chưa bao giờ cảm thấy cô đơn".

Đó là chia sẻ của tân kỹ sư Ngô Công Tiến Anh sinh viên lớp Cơ điện tử K63, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội tại lễ tốt nghiệp vừa qua. 

Ngô Công Tiến Anh đã có bài phát biểu lay động tới trái tim của mọi trường trong hội trường và lan toả nhanh chóng trên các mạng xã hội.

Ngô Công Tiến Anh là thủ khoa đầu ra trong số các kỹ sư tốt nghiệp của trường với điểm GPA 3,69/4.

Trong bài phát biểu, Ngô Công Tiến Anh đã dành những lời cảm ơn sâu sắc nhất tới mẹ, anh trai đã luôn nuôi nấng, giáo dục và dành những điều kiện tốt nhất để Tiến Anh có thể theo học tại một trong những ngôi trường hàng đầu Việt Nam.

Đặc biệt nhắc tới mẹ, Tiến Anh xúc động rơi nước mắt, lặng người nói lời biết ơn những hy sinh thầm lặng mà mẹ đã trải qua để cậu và anh trai được theo học bài bản, tử tế. 

"Con cũng xin cảm ơn mẹ, người mà chúng con luôn tự hào gọi là người mẹ nông dân sở hữu hai bằng kỹ sư Bách khoa. Gia đình là hậu phương vững chắc nhất của con! Có mọi người ở bên động viên, con chưa bao giờ cảm thấy cô đơn".

Nhắc tới anh trai, Tiến Anh như nhắc đến một người cha, người bạn, người thầy đã theo dõi, hỗ trợ mình học tập từ cấp 1 cho tới nay là tốt nghiệp đại học.

"Anh trai! Anh cũng là một người con ưu tú của Bách khoa và chính anh đã truyền cảm hứng cho em".

Tự hào là một sinh viên Bách khoa, Ngô Công Tiến Anh đã gửi lời tri ân tới tất cả thầy, cô, cán bộ nhà trường đã luôn hỗ trợ chỉ bảo và mở lối tới chân trời tri thức cho sinh viên. 

Tiến Anh chia sẻ, ở Bách khoa sinh viên không chỉ được trau dồi về kỹ năng, kiến thức mà còn được tôi luyện về ý chí để luôn luôn phấn đấu vươn lên thích nghi với hoàn cảnh khó khăn, biết cách gánh vác tránh nhiệm chung.

Thầy, cô chính là nguồn cảm hứng truyền động lực cho sinh viên. Danh tiếng Đại học Bách khoa Hà Nội có được chính là nhờ sự nghiêm túc của cả thầy và trò trong quá trình giảng dạy, học tập nghiên cứu không ngừng nghỉ suốt bao thế hệ.

"Em vô cùng vinh dự và tự hào trở thành một phần rất nhỏ của Bách khoa" Tân kỹ sư tốt nghiệp xuất sắc bộc bạch. 

Với tất cả các tân kỹ sư, tân cử nhân và cho cả những sinh viên đã, đang và sẽ trở thành một phần của Bách khoa, Ngô Công Tiến Anh nhắn nhủ, kể từ khi cùng nhập học trong hội trường C2 này, chúng ta mãi trở thành những người đồng đội.

"Xin hãy luôn nhớ, chúng ta đã từng chung những ước mơ, chung những hoài bão, chung những buồn lo và cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Những thử thách đó cũng khiến chúng ta bao lần “trầy da, tróc vẩy”. Tuy nhiên đó mới là những thử thách đầu tiên, những phép thử mà Bách khoa dành tặng cho những thanh niên đầy nhiệt huyết trước khi bước vào đường đời đầy những khó khăn."  

Ngô Công Tiến Anh mong rằng, dù bạn bè có thể không cùng một con đường. Tuy nhiên các bạn đã trở thành niềm tự hào của gia đình. Tương lai còn nhiều điều cần nỗ lực, phấn đấu để đem lại trước hết là giá trị cho gia đình mình và sau đó là sự phát triển của đất nước. Chặng đường đó cũng không hề dễ dàng! 

Luôn giữ hình bóng của anh trai và mẹ trong tim 

Ngô Công Tiến Anh quê ở Sơn La, sinh ra trong gia đình có 2 anh em. Người bố qua đời khi Tiến Anh mới 9 tháng tuổi. Một mình mẹ bươn chải nuôi hai anh em ăn học. Anh trai của Tiến Anh là Ngô Tuấn Anh, cũng là kỹ sư K55 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo Tiến Anh, mẹ và anh trai là người nghị lực nhất. Bố mất, chỉ còn mẹ vừa vất vả quần quật trên những thửa ruộng vừa nhận may, sửa quần áo để chắt bóp nuôi hai anh em ăn học. 

Từ năm thứ 2, Tiến Anh bắt đầu cố gắng giành học bổng của trường và đi làm thêm, nhờ đó có thể tự xoay sở chi phí học tập và sinh hoạt. Đến năm thứ 3, khi đã học các môn chuyên ngành, nam sinh bắt đầu tìm kiếm các công việc gần với chuyên môn ở doanh nghiệp và tham gia vào một số dự án liên quan đến Cơ điện tử và Tự động hoá.

Chính vì có của anh trai quá xuất sắc, Tiến anh đã coi anh mình là tấm gương sáng nhất để mình noi theo. 

Còn anh trai luôn là người bù đắp cho Tiến Anh nhiều thứ thay vai trò của bố, sẵn sàng hỗ trợ em bất cứ khi nào gặp khó khăn trong cuộc sống.

Chính anh trai Tiến Anh sau đó đã là người kèm cặp cậu trong những năm tiểu học. Sau đó Tiến Anh liên tục lọt vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Giữ vững mạch họp tập đó, tới phổ thông Tiến Anh luôn đứng đầu lớp ở các môn tự nhiên. Em từng có 2 năm liên tiếp đạt giải trong kỳ thi cấp tỉnh môn Hóa. 

Năm 2018, Tiến Anh trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật Cơ điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm học đầu tiên, Tiến Anh bị khủng hoảng về phương pháp học, đã có môn em bị điểm D (điểm thấp nhất để qua môn).

Sau khi nhận thấy những bất ổn từ em trai, anh Tuấn Anh đã hướng dẫn từ xa,  hỗ trợ em trai về phương pháp học, cách lập kế hoạch và phân bổ thời gian hợp lý.

Đến lúc này, Tiến Anh mới nhận ra năm nhất mình vẫn bị ảnh hưởng bởi cách học từ thời cấp 3, tức chỉ tập trung vào một số môn có hứng thú.

Vượt qua cú sốc về phương pháp học, Tiến Anh nhận thấy bản thân trở nên “chai lỳ” hơn. Nam sinh luôn cố gắng tự đào sâu kiến thức nếu chưa hiểu. 

Nhìn lại 5 năm sinh viên, Tiến Anh luôn giữ hình bóng của anh trai và mẹ trong tim. Không có mẹ và anh nỗ lực, dìu dắt có lẽ Tiến Anh đã không trở thành tân kỹ sư tốt nghiệp xuất sắc như hôm nay. 

Một tháng trước khi tốt nghiệp, Ngô Công Tiến Anh đã nhận được thông báo trúng tuyển của FPT Software. Mặc dù công việc này có phần khác với chuyên ngành theo học tại trường, nhưng Tiến Anh cho rằng đây cũng là cơ hội để thử thách và mở rộng chuyên môn của bản thân.

Tân kỹ sư Bách khoa muốn thử thách bản thân ở những lĩnh vực mới và chinh phục những khó khăn trong tương lai. 

Quốc Việt
#