Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn đã "biến đổi" như thế nào để đáp ứng nhu cầu xã hội?

Trên thực tế, các lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn trong thời gian qua đã có rất nhiều biến đổi, bám sát với sự phát triển của xã hội. Vậy nên, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện để phục vụ nhu cầu của công chúng, của thị trường, luôn có điểm trúng tuyển ở top cao.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi cấu trúc của các ngành nghề của xã hội. Vị trí và vai trò của nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn ở đâu để con người không bị “máy móc hóa”? Đặc biệt, các thí sinh khi lựa chọn nhóm ngành này cần dựa trên tiêu chí nào để giúp cho phụ huynh và học sinh có thể chọn đúng, học đúng?

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội để phần nào tháo gỡ khúc mắc cho vấn đề “Dựa vào những tiêu chí nào để chọn đúng ngành học?”.

Nhiều biến đổi trong ngành Khoa học xã hội và Nhân văn

 -  Thưa PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, trong xu hướng phát triển hiện nay, với lĩnh vực xã hội nhân văn, ngành nghề nào được đánh giá giàu tiềm năng phát triển?

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: Đây là câu hỏi chúng tôi đã và đang trăn trở trong nhiều năm. Khoa học xã hội và Nhân văn là những ngành nghiên cứu liên quan đến con người và đời sống, gắn liền với sự phát triển của xã hội và ở một góc độ nào đó cũng có tính truyền thống, đặc thù.

Tôi có thể khẳng định đây là những ngành xã hội rất cần. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển, robot, AI, máy móc càng thông minh thì con người càng cần đến trái tim nhân văn. Những mối quan hệ giữa con người với giá trị nhân văn trong xã hội hiện đại càng cần được củng cố và quan tâm, nghiên cứu kỹ hơn, bởi con người bản chất vẫn là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội.

Trên thực tế, các lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn trong thời gian qua đã có rất nhiều biến đổi, bám sát với sự phát triển của xã hội. Vậy nên, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện để phục vụ nhu cầu của công chúng, của thị trường, luôn có điểm trúng tuyển ở top cao. Ví dụ, ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, trong thời gian qua điểm chuẩn thậm chí lên tới 29.9, 29.95 điểm.

Bên cạnh đó, những ngành truyền thống cũng đang tự vận động, tự thay đổi, không hàn lâm như 20 năm trước.

Xét một cách tổng thể, khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển bền vững của đất nước, như các vấn đề về đạo đức, tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hoá. Đó là những trụ cột để chúng ta phát triển xã hội một cách bền vững.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã có chính sách rất thiết thực khi từ năm 2022 đã cùng Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng quỹ dành cho 9 ngành khoa học cơ bản gồm Văn học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm. Những ngành này được nguồn kinh phí do chính nhà trường tự cân đối, xây dựng.

Từ quỹ này, sinh viên sẽ có các suất học bổng trị giá 50 triệu đồng/năm/em. Trong đó, toàn bộ học phí sinh viên không phải đóng, mỗi tháng nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí và được hỗ trợ miễn giảm toàn bộ các chi phí khi lưu trú ở ký túc xá. Đặc biệt, các em sẽ có một giáo sư đồng hành, hỗ trợ trong học tập bắt đầu ngay từ năm thứ nhất.

Sẽ có thêm ngành học mới là Điện ảnh, Nghệ thuật đại chúng

- Vậy với những ngành học mang tính truyền thống trường vẫn có thế mạnh đào tạo trong nhiều năm nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có sự thay đổi nào trong đào tạo những ngành này để đáp ứng xu thế phát triển hiện nay, thưa bà?

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: Với những ngành học mang tính truyền thống, chúng tôi đang có những thay đổi rất mạnh mẽ để nắm bắt được sự vận động và đi lên của đời sống xã hội.

Ví dụ, trong ngành Lịch sử, chúng tôi có chuyên ngành Lịch sử đô thị. Sinh viên chuyên ngành được trang bị phông kiến thức đa dạng về đô thị trên nền tảng tri thức vững vàng về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội...; cùng với đó là các tri thức cập nhật về đời sống đô thị hiện đại, từ vấn đề sinh kế đến quy hoạch và phát triển, lại được bổ trợ thêm các phương pháp nghiên cứu liên ngành (như Nhân học đô thị, Xã hội học đô thị, Truyền thông đô thị…).

 Người học với kiến thức được trang bị như vậy, trong tương lai có thể phục vụ tư vấn, tham mưu, đóng góp rất thiết thực cho các cơ quan phát triển đô thị, quản lý đô thị hiện nay.

Hoặc đối với lĩnh vực truyền thống như Ngôn ngữ học, bên cạnh sở trường, thế mạnh trong nghiên cứu, đảm bảo về ngôn ngữ, nhà trường đã có những điều chỉnh, đổi mới, ứng dụng. Ví dụ, mở rộng phạm vi đào tạo về Ngôn ngữ học máy tính, Ngôn ngữ học tâm lý, Ngôn ngữ học trị liệu, giúp sinh viên sau này đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau, không chỉ bó hẹp trong các việc như biên tập, xuất bản.

Đối với ngành Tâm lý học cũng vậy, nhà trường có các chuyên ngành thu hút được sự quan tâm rất lớn của xã hội, ví dụ như Tâm lý học xã hội (trong đó có Tâm lý học về giới, gia đình văn hoá, dân tộc, tôn giáo, pháp lý), Tâm lý học quản trị kinh doanh, Tâm lý học lâm sàng (bao gồm Tâm lý học trị liệu tâm bệnh học trẻ em, thiếu niên ...), Tâm lý học tham vấn (gồm học đường, hôn nhân, gia đình).

Qua những định hướng mới này, nhà trường mong muốn cung cấp thêm cho sinh viên những tri thức, nền tảng chuyên sâu, những kỹ năng phục vụ cho xã hội.

Bên cạnh phát triển các ngành học truyền thống nói trên, trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng những ngành mới như Điện ảnh, Nghệ thuật đại chúng, góp phần giúp đời sống xã hội của công chúng được củng cố nhiều mặt như đạo đức, văn hoá, xã hội, nghệ thuật một cách tốt nhất.

Tiêu chí chọn ngành cần dựa vào năng lực của mỗi thí sinh

- Với thí sinh yêu thích khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn, bà có thể đưa ra lời khuyên, làm thế nào để các em lựa chọn được ngành học phù hợp nhất, tốt nhất để theo học?

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: Tôi muốn chia sẻ với phụ huynh và các em học sinh rằng hiện nay có rất nhiều kênh tư vấn, cung cấp thông tin, giúp thí sinh hiểu biết sâu hơn về ngành học, thuận lợi cho việc chọn ngành nghề.

Tuy nhiên, thí sinh cũng cần chắt lọc, chọn kênh đáng tin cậy. Trên cơ sở thông tin chuẩn từ các kênh tin cậy này, các em cần nhìn lại mình thật rõ ràng, tự hỏi bản thân có đam mê, sở trường, ham thích hay có năng lực, tố chất về chuyên ngành đó không.

Vậy làm thế nào để lựa chọn được kênh thông tin tin cậy? Trước hết, phụ huynh, các thầy cô ở bậc phổ thông, đặc biệt báo chí chính thống là các kênh cung cấp thông tin một cách chính xác, trung thực nhất.

Những nguồn thông tin này giúp học sinh, phụ huynh nhìn nhận một cách rõ ràng bức tranh xã hội, cũng như nhu cầu phát triển, yêu cầu về nguồn nhân lực. Qua tham khảo các nguồn tin, thí sinh cần có những điều chỉnh phù hợp.

Điều thuận lợi cho các em là hiện nay, Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho đăng ký nhiều nguyện vọng. Thí sinh hãy chọn ngành mà mình tâm đắc nhất, phù hợp với đam mê nhất để đưa lên nguyện vọng đầu tiên, bởi chính sách của Bộ GD-ĐT cho chúng ta điều kiện rất tốt để đảm bảo cơ hội tốt nhất cho các em.

Bên cạnh đó, tôi muốn chia sẻ thêm rằng năm nay, thí sinh có rất nhiều con đường để theo đuổi đam mê. Ví dụ, em đam mê nghề báo, muốn theo đuổi ngành Báo chí nhưng ban đầu trúng tuyển và nhập học một ngành khác thì hiện nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã có cơ chế học song bằng.

Sinh viên hết năm thứ nhất có điểm ở mức khá trở lên, có đủ điều kiện để đăng ký ngành học thứ hai. Sau 5 năm, các em tốt nghiệp sẽ có 2 bằng chính quy.

Sinh viên có thể học song song hai ngành như Báo chí với Lịch sử, Báo chí với Khoa học chính trị, Báo chí với Kinh tế. Như vậy, khi ra trường, các em sẽ trở thành nhà báo chuyên sâu vào lĩnh vực đó.

Nhiều chế độ học bổng dành cho sinh viên

-  Hiện nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có những chính sách nào để hỗ trợ cho sinh viên khi theo học cũng như cơ hội việc làm sau này?

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: Đối với lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, tính hệ thống trong ngành học của nhà trường giống như “nhụy hoa”. Những phần nền tảng nhất về Khoa học xã hội và Nhân văn, sinh viên của trường được học tập, tiếp cận có tính liên ngành rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, mỗi một “cánh hoa” là một ngành, chuyên ngành, giúp sinh viên trang bị những kiến thức chuyên sâu. Như vậy, trên nền tảng liên ngành đó sẽ giúp sinh viên ra trường sẽ có nền móng chắc chắn để có thể linh hoạt, năng động trong chọn nghề.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chúng tôi có rất nhiều chế độ học bổng dành cho sinh viên. Bên cạnh học bổng dành cho 9 ngành khoa học cơ bản, mỗi khoa đều có học bổng riêng.

Chúng tôi tự hào có những giáo sư hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các thầy được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh và rất nhiều thầy đã dành nguồn kinh phí đó xây dựng những học bổng cho sinh viên.

Nhà trường cũng có quỹ học bổng Đinh Xuân Lâm, Phan Hữu Dật, Trần Đức Thảo đặt theo tên gọi của những giáo sư hàng đầu. Gia đình các thầy luôn dành các phần thưởng để xây dựng quỹ học bổng.

Sinh viên nhận học bổng này không chỉ được tiếp thêm động lực về mặt tài chính, hỗ trợ học tập mà còn nhận được động lực lớn lao từ phía các giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.

Bên cạnh đó, nhà trường thúc đẩy để có thêm học bổng từ các doanh nghiệp, ví dụ như học bổng từ Samsung, BIDV,... Mỗi một khoa dựa trên cơ sở quan hệ của khoa mình đều thúc đẩy các học bổng của hội cựu sinh viên, được xây dựng để trao cho các thế hệ đàn em của mình.

Song song với đó, chúng tôi đẩy mạnh cơ hội thực tập, thực tế cho sinh viên. Đây là hoạt động then chốt trong khâu đào tạo của nhà trường gắn với các cơ sở tuyển dụng. Không chỉ thực tập trong nước, chúng tôi còn phối hợp với các cơ sở đào tạo của nước ngoài để có những chương trình Student exchange, công nhận tín chỉ, cũng như cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập, làm việc quốc tế.

Theo đó, sinh viên của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn không chỉ dừng lại ở tiếp nhận kiến thức, các em sẽ có những nhận thức chung về sự phát triển trong lĩnh vực chuyên môn và xã hội.

Qua hai năm Covid-19, hiện nay nhà trường đã khởi động lại các chương trình học bổng, kết nối nhiều hơn để mở ra các cơ hội cho sinh viên.

- Một số thí sinh yêu thích các ngành thuộc khối xã hội nhân văn, nhưng đang phân vân lựa chọn với những nhóm ngành được coi là hot hiện nay như Kinh tế, Công nghệ thông tin, vì cho rằng khối xã hội nhân văn thu nhập kém hơn, ít cơ hội hơn. Bà có lời khuyên nào cho các thí sinh trong tình huống này.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương: Tôi muốn nhắn nhủ các em rằng, có những ngành có bề dày truyền thống vẫn đang đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Cơ hội việc làm không chỉ là cơ hội ngắn hạn, mà nó còn là cả một chặng đường phát triển lâu dài.

Bản thân thí sinh cần xem mình đam mê, ham thích ngành nào, trên cơ sở đó trang bị thêm kiến thức chuyên môn. Khi các em trở thành chuyên gia giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào, chắc chắn các em sẽ được trọng dụng và có được vị trí việc làm thoả mãn đam mê, cũng như đáp ứng nhu cầu về vật chất.

-Xin cảm ơn PGS.TS Đặng Thị Thu Hương!

Giáo dục

Bộ GD-ĐT: Ông Vương Tấn Việt thừa nhận sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp
Giáo dục

Bộ GD-ĐT: Ông Vương Tấn Việt thừa nhận sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp

Kết quả xử lý văn bằng của ông Vương Tấn Việt xác định ông đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật.

Dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10, cấp THCS thực hiện xét tuyển
Giáo dục

Dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10, cấp THCS thực hiện xét tuyển

Ngày 21.10, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông và bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi của xã hội về nội dung này. Dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh và thực hiện 3 môn thi vào lớp 10, cùng với đó tuyển sinh cấp THCS bằng phương thức xét tuyển. 

Trường Đại học Điện lực hỗ trợ em Thào Thị Nhè 6 triệu đồng/tháng (24 tháng), tổng cộng là 144 triệu đồng
Giáo dục

Trường Đại học Điện lực chắp cánh ước mơ cho nữ sinh mồ côi sau bão, lũ ở Lào Cai

Trường Đại học Điện lực vừa tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc với huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) về việc nhận nuôi em Thào Thị Nhè. Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều; Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bát Xát Nguyễn Văn Quảng cùng tập thể giáo viên nhà trường và em Thào Thị Nhè.

Dãy 4 phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, Yên Bái
Giáo dục

Kiên cố hoá trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để kiên cố hoá trường, lớp học đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế, số phòng, lớp học chưa được kiên cố vẫn còn khá lớn.

Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo Quản lý Chuỗi Cung Ứng quốc tế VSSCM-2024
Giáo dục

Trường Đại học Thương mại tổ chức Hội thảo Quản lý Chuỗi Cung Ứng quốc tế VSSCM-2024

Từ ngày 21 - 22.10, Trường Đại học Thương mại phối hợp cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Quản lý Chuỗi Cung Ứng lần thứ 3” (VSSCM-2024) - một trong những sự kiện học thuật hàng đầu về chuỗi cung ứng tại khu vực.

Trường Đại học Lao động - Xã hội chào đón hơn 2800 tân sinh viên năm học mới
Giáo dục

Trường Đại học Lao động - Xã hội chào đón hơn 2800 tân sinh viên năm học mới

Trường Đại học Lao động - Xã hội (ULSA) vừa tổ chức chương trình chào đón hơn 2.800 tân sinh viên năm học 2024-2025 với chủ đề “Newcomer2024”. Sự kiện do Đoàn TN – Hội Sinh viên trường tổ chức để chúc mừng các tân sinh viên đã vượt qua vũ môn, xuất sắc bước vào đại gia đình ULSAers.